Trung Quốc trong làn sóng COVID-19: Bệnh viện quá tải, thuốc và kit test khan hiếm

Minh Hạnh, Theo Tiền Phong 23:08 13/12/2022

Vài ngày sau khi hầu hết các biện pháp phòng chống COVID-19 được dỡ bỏ, sự gia tăng đột biến của số người bị sốt đã khiến nhiều bệnh viện ở Bắc Kinh rơi vào tình trạng quá tải, các hiệu thuốc hết hàng và mạng lưới vận chuyển phải hoạt động hết công suất.

Theo Straitstimes, rất nhiều người đã xếp hàng trước các phòng khám sốt ở Bắc Kinh để kiểm tra sức khỏe, bất chấp việc chính quyền kêu gọi những người bị sốt nên ở nhà và tự điều trị.

Chính quyền Bắc Kinh cho biết các bệnh viện hạng hai của thủ đô đã báo cáo 19.000 bệnh nhân có các triệu chứng giống như cúm vào tuần trước, cao gấp 6,2 lần so với tuần trước đó. Các phòng khám sốt đã tiếp nhận 22.000 người vào Chủ nhật (11/12), tăng 16 lần so với một tuần trước.

Nhưng giữa việc phải lùng mua thuốc hạ sốt và các loại thuốc trị triệu chứng khác trong bối cảnh khan hàng, thì đến bệnh viện dường như là lựa chọn duy nhất cho một số người, dù bệnh viện quá tải.

Các bệnh viện ở một số thành phố, bao gồm cả Bắc Kinh và Quảng Châu, được cho là đang phải vật lộn để theo kịp tốc độ bùng phát của dịch bệnh.

Tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, gần 20% bác sĩ đã phải nghỉ làm vì mắc COVID-19, một nhân viên y tế nói với tạp chí Caixin. Tại Vũ Hán, một số bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 được cho là đã phải tạm đóng cửa vì quá tải.

Trung Quốc trong làn sóng COVID-19: Bệnh viện quá tải, thuốc và kit test khan hiếm - Ảnh 1.

Một phòng khám sốt ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Theo các quy định mới được ban hành vào tuần trước, những người có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng có các triệu chứng nhẹ sẽ được phép cách ly và hồi phục tại nhà.

Trong khi hầu hết những người mắc COVID-19 có xu hướng trải qua các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình, thì ước tính rằng khoảng 60% dân số 1,4 tỷ người Trung Quốc có thể bị nhiễm bệnh trong đợt này vẫn sẽ khiến hệ thống y tế bị áp đảo.

"Chúng tôi có một ít thuốc cảm ở nhà, nhưng tôi không có thuốc hạ sốt và tôi không thể mua trên mạng. Vì vậy, đến bệnh viện là tốt nhất vì họ sẽ không hết thuốc", một cư dân tên Jiang, 32 tuổi, cho biết khi đang xếp hàng bên ngoài một bệnh viện ở quận Triều Dương (Bắc Kinh).

Jiang nói với Straitstimes rằng một số người hàng xóm của cô đã mua được thuốc hạ sốt và cảm lạnh thông qua các đại lý với giá cao, nhưng Jiang không mua vì không chắc về chất lượng.

Jiang cũng cho biết kết quả xét nghiệm COVID-19 của cô chưa được cập nhật trên ứng dụng di động sau hai lần xét nghiệm vào cuối tuần. Trong khi đó Jiang hiện không có bất kỳ bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) nào. Vì khan hiếm nên các đơn đặt hàng kit test nhanh trên mạng thường bị hủy hoặc không được xử lý.

Các quan chức y tế địa phương kêu gọi người dân "mua thuốc hợp lý" thay vì tích trữ, đồng thời nhắc nhở họ không "dùng thuốc quá liều" và "dùng thuốc có trách nhiệm". Họ nói rằng cuộc khủng hoảng nguồn cung hiện tại chỉ là tạm thời và tình hình sẽ sớm được giải quyết. Chính quyền Bắc Kinh cam kết sẽ cung cấp thêm 25 triệu kit test nhanh.

Wang Guangfa, một chuyên gia về bệnh hô hấp từ Bệnh viện số 1 của Đại học Bắc Kinh, nói với Global Times rằng Bắc Kinh vẫn nên thực hiện một số biện pháp kiểm soát nhất định để đảm bảo đợt cao điểm không áp đảo hệ thống y tế. Trọng tâm là can thiệp y tế sớm cho những bệnh nhân nặng và có nguy cơ cao, ngăn ngừa các trường hợp nặng và tử vong.

Để đối phó với số lượng bệnh nhân gia tăng, ông Li cho biết Bắc Kinh sẽ nâng số phòng khám sốt từ 94 lên 303 và tăng cường nhân sự để xử lý các cuộc gọi khẩn cấp.

Trung Quốc trong làn sóng COVID-19: Bệnh viện quá tải, thuốc và kit test khan hiếm - Ảnh 2.

Một hiệu thuốc ở Bắc Kinh rơi vào cảnh khan hiếm hàng hóa. Ảnh: Straitstimes

Các siêu thị và nhà hàng cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực hoặc buộc phải đóng cửa sau khi nhiều nhân viên dương tính. Từ cuối tuần qua đến thứ Hai, một số siêu thị xếp đầy đơn hàng chờ người giao hàng đến lấy. Nhưng lực lượng giao vận cũng đang bị thiếu hụt vì nhiều người ngã bệnh.

"Có trục trặc hệ thống và nhiều tài xế cũng không muốn giao hàng đến một số địa điểm nhất định, vì vậy chúng tôi phải để những chiếc túi này ở đây suốt nhiều giờ để chờ người giao hàng", một nhân viên siêu thị nói.

Sự bùng phát tại các kho giao vận đã khiến hoạt động mua sắm trực tuyến - "huyết mạch" của người tiêu dùng Trung Quốc - bị ngưng trệ. Tại một trung tâm giao vận ở Dongzhimen (Bắc Kinh), các kiện hàng đang chất đống cao 2m, chiếm gần 4 chỗ đậu xe.

Trong khi đó, các nhà chức trách thông báo sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Ứng dụng theo dõi lịch sử dịch tễ sẽ bị loại bỏ từ hôm nay, 13/12, và các thành phố như Thượng Hải sẽ dừng việc phân loại "khu vực rủi ro".

Ở Vũ Hán, một đợt bùng phát cũng đang diễn ra nhưng người dân có vẻ lạc quan hơn một chút. Chủ cửa hàng Li Yangyang, 53 tuổi, cho biết:

"Chúng tôi đã trải qua điều này trước đây và sau khi chứng kiến những gì phần còn lại của thế giới đã trải qua, tôi biết rằng phải luôn chuẩn bị sẵn sàng".

Nguồn: Global Times, Straitstimes