Mở rộng tới thị trường Trung Quốc sau khi ra mắt thành công ở show Đạp Gió, Chi Pu năng nổ trong các hoạt động nghệ thuật, tham gia nhiều show truyền hình, âm nhạc. Tuy vậy, chưa kịp để lại ấn tượng sâu đậm, Chi Pu vướng lùm xùm hát nhép trong Asian Youth Music Festival 2023 (AYMF) - Đại nhạc hội thanh niên châu Á. Cô bị truyền thông Trung Quốc điểm mặt vì hát nhép ở lễ hội âm nhạc của đài Hồ Nam lên sóng ngày 11/11.
Chi Pu bị tố hát nhép ở Trung Quốc.
Đang hoạt động, kiếm tiền ở thị trường Trung Quốc, việc Chi Pu hát nhép khiến cô bị chỉ trích. Từ trước đến nay, hát nhép ở Trung Quốc luôn bị lên án, được cho hành vi lừa dối khán giả. Cơ quan chức năng cũng đã ban hành những quy định đối với nghệ sĩ hát nhép.
Cụ thể, Bộ Văn hóa Trung Quốc ban hành điều luật cho phép phạt ca sĩ hát nhép, với lý do họ có hành động lừa dối công chúng. Điều luật được thi hành sau khi scandal tại buổi khai mạc Olympics Bắc Kinh 2008 nổ ra, Lâm Diệu Khả hát nhép, giọng thật là Dương Bái Nghi - cô bé có ngoại hình không xinh xắn bằng Diệu Khả. Sự việc khiến dư luận phẫn nộ.
Một năm sau, hai ngôi sao nhạc pop của Trung Quốc Yin Youcan và Fang Ziyuan chịu phạt vì hát nhép trong đêm diễn ở tỉnh Tứ Xuyên. Mức phạt họ phải chịu lên tới 80.000 tệ (khoảng 12.000 USD).
Nói đến hát nhép, gây tiếng xấu phải kể đến màn hát nhép của Tát Đỉnh Đỉnh năm 2016, khi cô tham gia Lễ hội đèn lồng được phát sóng trên kênh âm nhạc CCTV. Khán giả phát hiện cô hát nhép ngay khi vừa mở miệng vì cầm micro ngược, sự việc này đã khiến nữ ca sĩ trở thành trò cười. Tát Đỉnh Đỉnh sau đó nhanh chóng chữa ngượng trên Weibo: "Lần sau tôi sẽ luyện tập để biểu diễn thuần thục hơn”.
Tát Đỉnh Đỉnh (áo trắng) cầm micro ngược và Chương Tử Di (váy hồng) bị tố lừa dối khán giả vì hát nhép.
Chương Tử Di cũng từng có màn hát nhép lộ liễu khi diễn ở chương trình Dạ hội Tết âm lịch 2008 của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Sau sân khấu này, nữ diễn viên hứng “mưa gạch đá”. Tờ Sina cho rằng Chương Tử Di không có khả năng ca hát, chỉ hút sự chú ý nhờ nổi tiếng. Trong khi đó, tờ Modern Express nhận xét cô thiếu kinh nghiệm, màn hát nhép quá tầm thường.
Chỉ cách đây vài tháng, CCTV tổ chức bữa tiệc điện ảnh và ca nhạc Bay Area Rising Moon, quy tụ nhiều ca sĩ, diễn viên biểu diễn đến từ Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc). Khán giả rất mong chờ bữa tiệc nghệ thuật, nhưng sau khi chương trình được phát sóng, nhiều người nổi tiếng đã bị cư dân mạng chỉ trích vì hát nhép. Những cụm từ như "hát nhép, xấu xí" được đưa lên top tìm kiếm nóng ngay trong đêm, khán giả đặt dấu hỏi về kỹ năng ca hát của các ngôi sao.
Một số cư dân mạng thậm chí lập danh sách khách mời "hát thật", "hát nhép". Những ngôi sao không lừa dối khán giả bao gồm Lưu Đức Hoa, Lý Khắc Cần, Cổ Cự Cơ, Triệu Truyền, Hoa Thần Vũ… họ đều có kỹ năng cơ bản, đặc biệt là Lưu Đức Hoa và Triệu Truyền. Trong khi đó, những gương mặt bị tố hát nhép là Lý Thấm, Liễu Nham, Hề Mộng Dao, Trương Bá Chi…
Nhiều nghệ sĩ Trung Quốc bị bóc mẽ việc hát nhép trong đêm nhạc.
Tờ Nhật báo Dazhong có những chỉ trích gay gắt rằng đối với những nghệ sĩ hát nhép: "Điều đáng xấu hổ là giọng hát dở lại trở thành tiêu chí để khán giả đánh giá những giọng hát chân chính. Một số người nổi tiếng thậm chí còn không có những tố chất nghề nghiệp cơ bản nhất” - tờ này viết.
Trong quá trình phát triển, ngành giải trí Trung Quốc có nhiều hành động phản đối việc hát nhép. Ca sĩ Thôi Kiện được cho là một trong những người đầu tiên phản đối việc hát nhép. Ông đã phát động "phong trào ca hát thật" năm 2002. Tất cả nhà quản lý, nhà sản xuất, đạo diễn và ca sĩ đã ký hợp đồng đều phải đảm bảo rằng họ không hát nhép và không tạo cơ hội cho việc hát nhép, theo Dazhong News.
Cuối tháng 9/2021, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ban hành thông báo về quy định, tăng cường quản lý trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó nêu rõ: “Cần tăng cường việc giám sát hoạt động biểu diễn, không được sử dụng các tài liệu gây tác động xấu đến xã hội, diễn viên vi phạm pháp luật, trái đạo đức, không được hát nhép và tạo điều kiện cho việc hát nhép”.
Công nghệ sân khấu ngày càng phát triển, hát nhép cũng trở nên thuận tiện hơn. Để tạo hiệu ứng chân thực khi hát nhép, ê-kíp sẽ thêm giọng thở của ca sĩ vào phần đệm, được gọi là Live AR, dễ gây hiểu nhầm và khiến khán giả nghĩ rằng họ hát live...
Ở thực tại, truyền thông Trung Quốc cho rằng số lượng lớn nghệ sĩ lừa dối khán giả bằng cách hát nhép trở nên phổ biến, khiến ca sĩ chuyên nghiệp thực sự bị ảnh hưởng. Khi đó khán giả dễ lầm tưởng về năng lực của ca sĩ hát nhép tốt hơn so với những giọng ca chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản.