Những ngày gần đây, toàn bộ sự chú ý của giới mộ phim chắc chắn đều hướng đến Joker, tác phẩm chính kịch đã xuất sắc giành giải tại LHP Venice và nhận một điểm 10 tuyệt đối với mác "Masterpiece - tuyệt tác" từ trang IGN.
Được sản xuất với kinh phí chỉ 55 triệu USD nhưng từng khoảnh khắc nghệ thuật trong phim đều tinh tế, chỉn chu đến ám ảnh. Khung cảnh ảm đạm, tăm tối, hỗn loạn và bạo lực của thành phố Gotham được lấy bối cảnh xã hội Mỹ giai đoạn 1980 – 1982, dù chỉ là giả tưởng nhưng sự phân biệt tầng lớp, những thành phố "siêu đói nghèo" lại có thật.
Vào ngày 4 tháng 1 năm 2018, ngày mà chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa ở mức trên 25.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử, một video đã được lan truyền khắp các kênh truyền thông trực tuyến. Đó là hình ảnh một giáo viên tiểu học ở Baltimore, cựu cầu thủ NFL Aaron Maybin, đang ngồi với các học sinh của mình. Những đứa trẻ ngồi đối diện Maybin, trên sàn trong lớp học thiếu ánh sáng, tất cả đồ đạc được gói trong áo khoác. Video được quay chỉ một ngày trước đó.
- "Ngày hôm này của các em thế nào?", Maybin hỏi học trò.
- "Lạnh!", lũ trẻ đồng thanh đáp.
Một đứa nhỏ khác gặng nói lớn: "Rất, rất, rất, rất lạnh!"
Cùng một ngày, trong khi nước Mỹ kỷ niệm một thời kỳ thịnh vượng chưa từng thấy thì các giáo viên ở chính nơi đây đã phải mang theo máy sưởi (quyên tiền mua thêm) để cố gắng sưởi ấm lớp học tưởng chừng sắp đóng băng của họ.
Đáng nói, đây không phải là trường hợp cá biệt. Rất nhiều người Mỹ cũng đang lay lắt trong thời tiết giá lạnh.
Những thị trấn "siêu nghèo"
Ở các nước chưa phát triển, nghèo đói có nghĩa rằng sống với mức dưới 1,90 USD mỗi ngày. Ở Hoa Kỳ, định nghĩa về nghèo đói là một cá nhân có thu nhập dưới 34 USD mỗi ngày hoặc một gia đình bốn người có thu nhập dưới 69 USD mỗi ngày.
Và cũng tại Mỹ, không thiếu những thị trấn đang có mức sống dưới cả đói nghèo. Theo Cục điều tra dân số, hơn 43 triệu người đủ điều kiện là người nghèo ở quốc gia có nền kinh tế số 1 thế giới.
Suốt bốn năm từ 2014 đến 2017, nhiếp ảnh gia nổi tiếng Matt Black đã đi qua 50.000 dặm trên 46 tiểu bang của Mỹ, chụp ảnh đất nước và các khu vực có tỷ lệ nghèo đói vượt quá 20%.
Stockton - một thị trấn thuộc Hạt San Joaquin với dân số là 291.7707 và 25,8% sống dưới mức nghèo. Năm 2015, cơ quan địa phương ước tính 1.209 người đang phải tạm trú ở các trại vô gia cư. 515 người lớn khác và 26 trẻ em ngủ trên đường phố, gấp đôi hai năm trước đó.
Fresno, California nổi tiếng với vườn thú Fresno Chaffee, Công viên Quốc gia Yosemite, Vườn Nhật Bản Shinzen,… Còn đây là hình ảnh tại trại vô gia cư của thành phố này. 24,8% trong số 494.665 dân sống dưới mức nghèo khổ.
Một thành phố thuộc New York: Buffalo. Nơi đây có 261.310 người sinh sống, 30,7% sống dưới mức nghèo khổ.
Syracuse - một thành phố thuộc bang New York, là ngôi nhà của Bảo tàng Erie Canal hay Nhà hát Landmark sang trọng. Nhưng với dân số 145.170 người, 34,6% trong số đó sống dưới mức nghèo khổ.
Chỉ riêng tại New York – thành phố không bao giờ ngủ, mỗi ngày, có khoảng 63.000 người phải qua đêm trong hệ thống trú ẩn, tăng 43% so với 10 năm trước. Chưa hết, gần 4.000 người lay lắt trên đường phố, hệ thống tàu điện ngầm hoặc các không gian công cộng khác.
Flint, Michiga: Dân số 102.434 và 41,5% sống dưới mức nghèo khổ.
McAllen, Texa: Dân số 129.877 và 26,7% sống dưới mức nghèo
Tulare, California: Dân số 59.278 và 21,4% sống dưới mức nghèo khổ
Allensworth, California: Dân số 471 và 54% sống dưới mức nghèo khổ.
Hệ thống phúc lợi khiến "Nghèo vẫn hoàn nghèo"
Hiện tại, Hoa Kỳ chi khoảng một nghìn tỷ USD mỗi năm cho 80 chương trình phúc lợi liên bang, tiểu bang và địa phương khác nhau. Năm 2019, khoảng 40 triệu người Mỹ được coi là nghèo. Nếu chúng ta chia một nghìn tỷ USD cho 40 triệu người đó, mỗi người sẽ nhận được khoảng 25.000 USD/năm, hoặc 100.000 USD/năm cho một gia đình bốn người. Nước Mỹ chi nhiều như vậy nhưng tại sao đói nghèo vẫn mãi đeo bám?
Đây là câu chuyện của một bà mẹ đơn thân. Sau khi sinh con vào năm 2008, Melissa Devilma - vô gia cư, thất nghiệp và cô đơn - cần sự giúp đỡ. Hệ thống phúc lợi vào cuộc: cô nhận được 478 USD tiền mặt và 367 USD tem mua thực phẩm mỗi tháng, cùng với hỗ trợ nhà ở đã giảm tiền thuê căn hộ hai phòng ngủ ở Boston xuống còn 131 USD.
Nếu tính cả chăm sóc sức khỏe, những người nộp thuế đã trợ cấp cho người mẹ này 33.000 USD mỗi tháng. Cô Devilma dùng tiền để đi học đại học và lấy bằng cử nhân.
Nhưng Devilma nói rằng rất nhiều người đang nhận phúc lợi khác chỉ miễn cưỡng tìm việc hoặc đi học. Phúc lợi không giúp họ có cuộc sống xa xỉ nhưng đủ thoải mái. Ngay cả Devilma cũng thừa nhận nếu không vì con trai mình và sắp hết tiền mặt, cô cũng thà sống nhờ phúc lợi hơn là làm một công việc mới được cấp tại McDonald vì cho rằng công việc không phù hợp với trình độ học vấn.
Các chính sách của Mỹ từ lâu luôn gây tranh cãi về việc mức độ phúc lợi đang không khuyến khích làm việc mà khiến người dân thỏa mãn và tăng sự phụ thuộc vào chính phủ. Một người mẹ đơn thân có thể nhận được một khoản trợ cấp trị giá 49.175 USD ở Hawaii, tiểu bang hào phóng nhất, hay ít nhất là 16.984 USD như ở Mississippi.
Thậm chí, những người mẹ đơn thân còn không kết hôn với cha của đứa bé vì điều đó làm giảm lợi ích mà họ nhận được từ phúc lợi. Nghe có vẻ phi lý nhưng tờ The National Interest cho rằng: "Phúc lợi đang giữ cho người nghèo tiếp tục nghèo."
Nước Mỹ bế tắc
Năm 2018, nhà kinh tế học từng đoạt giải thưởng Nobel cao quý - Angus Deaton đã xuất bản bài báo trên The NewYork Time có tên "Hoa Kỳ không thể che giấu vấn đề nghèo đói sâu sắc của mình." Theo ông, sự đau khổ, đói nghèo của người Mỹ cũng tệ (như) hoặc tệ hơn so với người dân ở Châu Phi hoặc Châu Á.
Dù nền kinh tế trải qua thời kỳ suy thoái hay đã thịnh vượng trở lại, Mỹ vẫn đang bế tắc trong việc tìm lời giải cho bài toán đói nghèo. Tỷ lệ đói nghèo năm 1973 là 11,1%, đến năm 1983 tăng lên 15,2%. Năm 2000, khi nền kinh tế bùng nổ, con số này vẫn duy trì khoảng 11,3%. 18 năm sau, số người nghèo ở Hoa Kỳ là 38,1 triệu người, chiếm 11,8% quy mô dân số.
Theo Angus Deaton, tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ thấp hơn kỳ vọng, không tương thích với thu nhập quốc dân. Có những khu vực như đồng bằng Mississippi và phần lớn Appalachia, tuổi thọ còn thấp hơn ở Bangladesh và Việt Nam. Đó là chưa kể đến hệ quả mâu thuẫn tầng lớp tiếp tục gia tăng.
Thậm chí tạp chí TIME cũng phải thốt lên: "Thực tế đáng xấu hổ nhất là nếu ai đó lớn lên trong nghèo đói ở Mỹ vào năm 2018, họ có nhiều khả năng chết trong nghèo đói hơn bao giờ hết."