Trồng 350 TRIỆU cây xanh trong MỘT ngày, quốc gia này chính thức phá kỷ lục trồng cây trên mọi thời đại

J.D, Theo Helino 11:52 01/08/2019

Và đó chỉ là một phần trong chiến dịch phủ xanh đất nước với 4 tỷ cây chỉ trong mùa hè 2019.

Quá trình biến đổi khí hậu đang nhanh hơn từng ngày và con người đang phải làm mọi cách để ngăn chặn, hoặc ít nhất là làm chậm nó lại. Một trong những phương pháp khả thi được đặt ra là phủ xanh lại những vùng đất đã từng bị con người tàn phá.

Giải pháp trồng lại cây xanh đã được nhiều đất nước làm theo, nổi bật là Ấn Độ với kỷ lục trồng 66 triệu cây trong vòng 12 tiếng vào năm 2017. Tuy nhiên lúc này, người Ấn cũng phải ngả mũ chào thua đất nước vừa xác lập kỷ lục mới. Đó là Ethiopia, đất nước có dân số nhỏ hơn Ấn Độ khoảng 13 lần, nhưng lập kỷ lục trồng 350 triệu cây trong vỏn vẹn 01 NGÀY.

Trồng 350 TRIỆU cây xanh trong MỘT ngày, quốc gia này chính thức phá kỷ lục trồng cây trên mọi thời đại - Ảnh 1.

Kỷ lục trồng cây được người Ethiopia xác lập

Nếu chia theo tỷ lệ của Ấn Độ, con số cũng lên tới 175 triệu, phá rất sâu kỷ lục cũ và có thể là tốc độ trồng cây nhanh nhất trong mọi thời đại. Và điều quan trọng hơn là theo như chính phủ Ethiopia công bố, đây chỉ là một phần trong chiến dịch phủ xanh đất nước với 4 tỉ cây của mùa hè 2019.

Được biết vào đầu tháng 7/2019, các chuyên gia khí hậu đã đăng tải trên tờ Science một tia hy vọng dành cho biến đổi khí hậu. Theo đó thì dựa trên các dữ liệu từ vệ tinh, họ tính toán được rằng Trái đất hiện còn 9 triệu km2 đất phù hợp để trồng cây nhưng chưa được sử dụng. Nếu phủ xanh chỗ đất này, chúng có thể giữ lại đến 205 tỉ tấn carbon - chiếm 2/3 lượng carbon mà loài người đã thải ra kể từ thời Cách mạng Công nghiệp thế kỷ 20.

Thủ tướng Abiy Ahmed - người đứng đầu dự án Green Legacy - đã tạo điều kiện hết mức có thể để dự án diễn ra tốt đẹp. Thủ tướng thậm chí cho phép nhiều văn phòng công được nghỉ để tham gia trồng cây. Và đến khi kết thúc ngày 29/7, con số được ghi nhận là 353 triệu.

Trồng 350 TRIỆU cây xanh trong MỘT ngày, quốc gia này chính thức phá kỷ lục trồng cây trên mọi thời đại - Ảnh 2.

Số cây Ethiopia trồng được có thấm tháp gì không? Thực ra, lượng carbon giữ lại được phụ thuộc vào chủng loại, cũng như điều kiện phát triển của cây. Theo các chuyên gia đánh giá, để phủ xanh được toàn bộ diện tích này cần khoảng 500 tỉ cây. Nếu giả sử trong điều kiện lạc quan nhất, số cây được trồng có tỷ lệ 50% sống sót, thì thế giới cần thêm 3000 lần phá kỷ lục như vậy nữa mới đủ.

Tuy nhiên, đây vẫn là dự án cực kỳ giàu ý nghĩa với người Ethiopia. Trong một nghiên cứu vào năm 2017, chỉ có 4% diện tích Ethiopia được bao phủ bởi cây rừng. Còn đầu thế kỷ 20, con số lên tận 35%. Nghĩa là 89% diện tích rừng của đất nước đã biến mất, với nguyên nhân chủ yếu do quá trình xói mòn và hoang mạc hóa vì khai thác rừng quá mức.

Rừng cây biến mất đã khiến hệ sinh thái của Ethiopia phải trả giá, đồng thời gây ra nạn đói nghiêm trọng vào thập niên 1980.

Bên cạnh đó, dù Ethiopia đạt được nhiều tiến bộ về kinh tế, nhưng vẫn còn xung đột lớn giữa các bộ tộc với nhau. Chính phủ vì thế hy vọng rằng nếu đặt ra mục tiêu 4 tỉ cây trong mùa hè này, mọi người sẽ có một mục tiêu chung và bỏ qua hiềm khích, tất cả vì số phận của Trái đất.

Trồng 350 TRIỆU cây xanh trong MỘT ngày, quốc gia này chính thức phá kỷ lục trồng cây trên mọi thời đại - Ảnh 3.

Nhưng chỉ trồng cây có giải quyết được vấn đề?

Đáp án là không, mà chỉ là một phần của câu chuyện thôi. Dù 9 triệu km2 đất còn sót lại được phủ kín, hệ quả của biến đổi khí hậu cũng khó mà giảm bớt nếu loài người tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở tốc độ như hiện nay.

Hơn nữa theo như nghiên cứu trên Science, chúng ta cần đến hàng chục, thậm chí cả trăm năm để các cây mới trồng đạt được hiệu quả trữ carbon tối ưu. Và với việc khí hậu ngày càng nóng, khả năng sống sót của cây cối cũng thấp hơn rất nhiều.

Theo ước tính ở thời điểm hiện tại, sẽ có khoảng 1/4 diện tích nói trên sẽ không được trồng cây cho đến năm 2050, vậy nên song song với đó các nước cần nhanh chóng giảm lượng khí thải xuống. Đồng thời, hơn 3000 tỉ cây cối hiện hữu trên Trái đất cũng cần được bảo vệ.

Tham khảo: IFL Science