Các mục tiêu tham vọng được đặt ra khi hầu hết các quốc gia đều cam kết sẽ nỗ lực để hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Sau 5 năm, dù không nhiều tiến bộ như mong đợi, nhưng cũng chứng kiến các kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề để thế giới bứt phá ngoạn mục trong cuộc đua đạt được những mục tiêu tham vọng này.
Khoảng 5.000 người trong phòng họp gần như đều nhảy lên một cách hân hoan, có cả nước mắt, nụ cười và những tràng pháo tay giòn giã sau 13 ngày đàm phán căng thẳng, Chủ tịch Hội nghị khí hậu COP 2 Paris Laurent Fabius nhớ lại thời điểm các bên thông qua thỏa thuận vào tối 12/12/2015.
“Thực sự rất nhiều cảm xúc. Đây là một kết quả lớn. Các cuộc đàm phán xuyên đêm và chúng tôi hầu như không ngủ trong vòng 15 ngày. Và có lẽ quan trọng hơn, chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi đang làm nên lịch sử, với một nhiệm vụ to lớn”, ông Fabius nói.
Kỳ vọng là vậy nhưng 5 năm sau khi Hiệp định được ký kết, hàng loạt các cảnh báo cấp bách về thiên tai khí hậu vẫn đang được đưa ra, trong khi các chính phủ vẫn khá dè dặt trong chính sách về khí hậu. Với hạn chót 31/12 tới về việc các quốc gia phải nâng mức cam kết cắt giảm khí thải, chưa đến 20 quốc gia trong nhóm phát thải khoảng 5% khí thải toàn cầu nộp được kế hoạch mới. Khả năng thực hiện được mục tiêu này càng trở nên xa vời sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận, khiến nhiều người nhận định các mục tiêu được đề ra trong hiệp định sẽ bị bỏ lỡ.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh các yêu cầu cấp thiết trong giải quyết khủng hoảng khí hậu: “Thứ nhất, chúng ta cần đạt được trung hòa carbon toàn cầu trong vòng ba thập kỷ tới. Thứ hai, chúng ta phải điều chỉnh kế hoạch tài chính toàn cầu, kế hoạch chi tiết của thế giới về hành động khí hậu. Và thứ ba, chúng ta phải tạo ra một bước đột phá để bảo vệ thế giới - và đặc biệt là những người và quốc gia dễ bị tổn thương nhất - khỏi tác động của khí hậu”.
Nói như vậy không có nghĩa là Thỏa thuận lịch sử này không tạo ra bước đột phá nào. Càng gần đến dấu mốc 5 năm thành lập càng chứng kiến những cam kết mạnh mẽ hơn của các quốc gia, mới nhất những nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên minh châu Âu...
Tới nay, tổng cộng 77 quốc gia, 10 vùng và hơn 100 thành phố đã cam kết mục tiêu trung hòa khí carbon trước năm 2050.
Đáng mừng hơn, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu đang có sự góp sức tích cực của giới trẻ. Các cuộc biểu tình do giới trẻ phát động trong năm qua tạo tiếng vang lớn và góp thêm những tiếng nói quan trọng để thúc đẩy hành động vì khí hậu.
Nhà hoạt động trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg nhấn mạnh: “Kỷ niệm 5 năm thỏa thuận Paris với một năm nóng nhất. Điều đó cho thấy cần phải hành động cụ thể hơn là lời nói suông. Chúng ta đang lãng phí thời gian và cần phải quyết liệt hơn”.
Thế giới đang đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan chưa từng có xảy ra ở mọi vùng, mọi châu lục, với những vụ cháy rừng khốc liệt ở California (Mỹ) hay Australia, các siêu bão trên Đại Tây Dương hay các trận nắng nóng lịch sử... 5 năm chưa phải là một chặng đường dài trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên đây là một dấu mốc quan trọng để thế giới nhận thức rõ về quyết tâm tăng tốc, không bỏ lỡ những mục tiêu quan trọng này.
Theo Thư ký điều hành của Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu Patricia Espinosa, thế giới không biết khi nào là quá muộn, khi nào là điểm không thể quay đầu. Điều duy nhất chúng ta có thể biết là ngay lúc này, ngay ngày hôm nay là chúng ta vẫn đang còn cơ hội.