Trịnh Quang Thịnh – Kẻ “ngoại đạo” đứng sau sự hồi sinh một nhãn hàng của Suntory Pepsico Việt Nam

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 21:30 13/08/2018

Dạo gần đây, trong giới trẻ đặc biệt là dân văn phòng truyền tai nhau câu nói “Vì một thứ hai không uể oải” như một khẩu hiệu vào đầu tuần. Nhưng ít ai biết rằng câu khẩu hiệu này được khơi màn bởi nhãn hàng Lipton Ice Tea, và Trịnh Quang Thịnh – Quản lý nhãn hàng này chính là chàng trai 9x đứng sau sự hồi sinh đó.

Trịnh Quang Thịnh – Kẻ “ngoại đạo” đứng sau sự hồi sinh một nhãn hàng của Suntory Pepsico Việt Nam - Ảnh 1.
  

Họ tên: Trịnh Quang Thịnh

Ngày sinh: 24/09/1991

Cung hoàng đạo: Thiên Bình

Tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế đối ngoại - Đại học Ngoại Thương TP.HCM

Giám đốc thương hiệu Lipton Ice Tea tại công ty Suntory Pepsico Việt Nam

Các giải thưởng:

+ Giải thưởng "Tốc độ tăng trưởng ấn tượng 2018" và giải "Hoạt động kinh doanh xuất sắc nhất năm 2018" của Lipton khối Châu Á – Trung Đông – New Zealand và Úc

+ Top 7 hạng mục "Chiến dịch tái tung ấn tượng nhất năm 2017" với chiến dịch "Monday is Funday" tại giải Mobile Marketing Award 2017

+ 1 trong 2 chiến dịch đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết châu Á hạng mục "Chiến dịch marketing tối ưu hiệu quả nhất" trong khuôn khổ giải thưởng "Tangram @ Spike Asia 2018"

Chào Thịnh, được biết trước khi đảm nhiệm vị trí Quản lý nhãn hàng tại công ty Suntory Pepsico Việt Nam, bạn đã từng làm việc tại các công ty lớn như Unilever, JWT Vietnam, Diageo Việt Nam. Tuy nhiên bạn lại tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế đối ngoại Đại học Ngoại Thương TP.HCM. Bạn có thể được gọi là một kẻ “ngoại đạo” trong nghề nhỉ? Bạn có thể chia sẻ điều tâm đắc nhất khi làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia?

Gọi là kẻ “ngoại đạo” cũng chẳng sai vì Thịnh vừa theo ngành marketing chỉ vỏn vẹn được hai năm. Có thể nói là một cái duyên khi làm nghề này sau khi trải nghiệm ở khá nhiều tập đoàn đa quốc gia ở các lĩnh vực khác nhau: từ Sales, Truyền thông quảng cáo và Marketing. Càng đi làm ở các tập đoàn đa quốc gia, Thịnh càng thấy tấm đắc với yếu tố “Glocalize” (Địa phương hóa quốc tế). Khi bạn đến một quốc gia, dù bạn có là gã khổng lồ như thế nào, thì bạn phải am hiếu những điều nhỏ nhất trong tập quán, tâm lý khách hàng của địa phương, vùng miền thì mới có thể mở ra những triển vọng khác. Điều này làm Thịnh rút ra một chân lí “Luôn đặt bàn chân mình vào đôi giày của người khác”. Và cũng từ chân lí này, khi quan sát thấy ngày thứ hai luôn là một ngày mà mọi người uể oải khi đi làm, Thịnh và toàn ekip đã đi đến ý tưởng cho chiến dịch “Monday is Funday”.

Nhiều người cho rằng làm marketing cần sự sáng tạo. Thịnh có cùng chung quan điểm hay không?

Sáng tạo là một phần của marketing chứ không là tất cả. Đích đến cuối cùng khi bạn làm marketing vẫn là sự tăng trưởng về lợi nhuận trên một đơn vị chi phí đầu tư (ROI). Không một nhãn hàng nào tồn tại được khi càng bán càng thâm hụt. Đứng ở vị trí lãnh đạo một nhãn hàng, bạn cần phải biết vị trí của mình không phải là làm sáng tạo mà dùng sáng tạo như một trong những công cụ để lèo lái nhãn hàng ngày một tiến lên. Còn nếu bạn hỏi mình sáng tạo trong marketing như thế nào, thì có thể nói sáng tạo cần phải dựa trên dữ kiện thưc tế của thị trường và tâm lý khách hàng thì mới có thể gọi là sáng tạo hiệu quả.

Trịnh Quang Thịnh – Kẻ “ngoại đạo” đứng sau sự hồi sinh một nhãn hàng của Suntory Pepsico Việt Nam - Ảnh 3.

Thịnh nghĩ sao nếu mọi người bảo nhãn hàng của Thịnh chỉ là một nhãn nhỏ so với các nhãn hàng khác?

Nhỏ hay lớn do suy nghĩ của người lãnh đạo nhãn hàng. Nếu bạn nghĩ nó nhỏ thì nó sẽ nhỏ, còn bạn xem nó lớn thì nó sẽ lớn thôi. Mình luôn quan niệm “Hãy làm điều vĩ đại trong những thứ nhỏ nhất”. Phương châm này theo mình suốt thời gian đi học và đi làm. Ngày mình mới ra trường, mình bắt đầu công việc ở một agency và phải đi dán poster cho một chiến dịch của một nhãn hàng ở các trường ĐH. Lúc đấy mình hoàn toàn không nề hà mà tìm cách làm tốt nhất có thể. Mình có thể dễ dàng đến 1 trường ĐH và dán ở một nơi kín người. Tuy nhiên bản thân mình không cho phép việc đấy. Mình muốn cái mình làm phải đẹp nhất nên mình phải đến từng trường, gặp từng thầy cô hiệu trường hoặc chủ nhiệm khoa để xin dán ở vị trí bảng thông báo dài hạn. Và kết quả là chiến dịch được rất nhiều bạn trẻ biết đến và tham dự.

Trịnh Quang Thịnh – Kẻ “ngoại đạo” đứng sau sự hồi sinh một nhãn hàng của Suntory Pepsico Việt Nam - Ảnh 4.

Mình coi trong điều nhỏ nhất, bởi mọi cái lớn đều là hàng vạn cái nhỏ tạo thành. Nếu có làm một kẻ dán poster, mình vẫn muốn trở thành kẻ dán poster có “thương hiệu”.

Bạn tâm sự nghe có vẻ như cuộc đời và sự nghiệp của bạn khá bằng phẳng. Bạn có nghĩ do mình may mắn không?

Mình tự nhận thấy bản thân trưởng thành và đứng dậy từ vấp ngã. Mình nhớ lần đầu tiên khi làm nhân viên bán hàng cho công ty rượu, mình phải đi bán một loạt 12 sản phẩm cho một khách hàng nước ngoài. Kiến thức rượu vốn dĩ rất khó và vô số từ chuyên môn. Mình đã cố thể hiện sự am hiểu của mình trước mặt khách hàng. Vì quá mải mê phô trương kiến thức nên mình đã không tinh ý tìm hiểu nhu cầu của khách hàng nên khi đưa ra đề xuất bán hàng, mình đã nhận được một cái quát thẳng vào mặt “What the f*ck are you talking”. Thật sự lần đấy mình đã tự vấn và xấu hổ rất nhiều. Sau đấy mình nghiệm ra mình chỉ đang bán sản phẩm có lợi 1 chiều cho phía mình. Mình thay đổi cách bán hàng, đánh vào cái mà công ty họ còn thiếu để biến đề xuất trở thành có lợi cho cả đôi bên. Một bài học đắt gía đầu đời cho mình biết trong kinh doanh, bán cái mình tự hào thôi chưa đủ mà phải kết hợp với điều khách hàng thật sự mong muốn!

Trong 5 năm và 4 công ty, Thịnh có bao giờ nghĩ rằng đây là hậu quả của việc thiếu định hướng của bạn?

Thịnh từng nhảy việc khá nhiều từ sau khi ra trường đến lúc 25 tuổi. Trong suốt chặng đường đó, có vài lần mình băn khoăn so sánh với các bạn cùng trang lứa khi họ đã có một sự nghiệp “ổn định thẳng 1 đường” còn mình vẫn đang loay thử sức ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, Thịnh luôn quan niệm rằng trước 25 tuổi là khoảng thời gian khám phá để biết mình muốn gì và thế mạnh của mình ở đâu. Sau 25 tuổi, hãy trau dồi và phát huy triệt để thế mạnh của mình dựa trên mục tiêu được đúc kết từ 3 năm đầu đời trải nghiệm và khám phá. Một số người từ lúc nhỏ đã có sẵn thiên hướng cho một số ngành nghề nhất định, còn một số thì loay hoay mãi cho đến cuối đời. Và Thịnh không muốn mình trở thành nhóm số 2.

Trịnh Quang Thịnh – Kẻ “ngoại đạo” đứng sau sự hồi sinh một nhãn hàng của Suntory Pepsico Việt Nam - Ảnh 5.

Dưới 30 tuổi và Thịnh đã có những suy nghĩ chững chạc như thế này. Có phải bạn là một hình mẫu hoàn hảo và không có điểm yếu không?

Thịnh quan niệm “Nhân vô toàn bích”. Thịnh thấy mình khá thẳng tính trong những cuộc tranh luận, dẫn đến sự mất lòng văn hóa người Á Đông. Tuy nhiên, với bản chất công việc đòi hỏi phải đúng đầu ngọn sóng này, thì Thịnh nghĩ đây là điều cần thiết và Thịnh luôn học cách sống vui vẻ với điểm yếu của mình. Đó mới chính là nhân sinh quan của một người trưởng thành.

Người ta bảo trước 30 hãy làm vì đam mê, sau 30 hãy làm vì thu nhập. Vậy Thịnh làm vì đam mê hay làm vì tiền?

Mình làm vì bản thân mình. Với mình, cuộc sống của một người trẻ được cấu thành bởi đam mê để luôn tiến lên phía trước và tài chính để nuôi dưỡng bản thân theo đuổi đam mê ấy. Cuộc sống nếu chỉ có làm mà thiếu hưởng thụ thì quả là nhạt nhẽo. Mình thường cháy hết mình với công việc, sử dụng tiền kiếm được để hưởng thụ những chuyến du lịch xa nhằm làm mới trải nghiệm bản thân. Cuộc sống luôn cần sự cân bằng, như công việc và hưởng thụ phải đi đôi với nhau.

Một số bạn trẻ quan niệm thành công ở tuổi 30 là làm công ty to, giữ vị trí lớn, lương cao, du lịch nhiều. Vậy nếu không đạt được tiêu chí đó thì có thể coi là thành công không?

Mỗi người sẽ có định nghĩa thành công khác nhau và chúng ta không nên áp đặt thước đo của mình vào ai cả. Với Thịnh, thành công là phá vỡ những giới hạn mà bản thân mình tự đặt ra. Tiền bạc, danh vọng, địa vị chưa bao giờ là thước đo thành công với Thịnh bởi khi bạn giàu sẽ có kẻ khác giàu hơn, khi bạn giỏi sẽ có người khác giỏi hơn. Hãy tự hào vì ngày hôm sau ta trưởng thành hơn ngày hôm trước, để thấy ta thành công hơn và hạnh phúc hơn. Thành công chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là điểm đến với Thịnh.

Trịnh Quang Thịnh – Kẻ “ngoại đạo” đứng sau sự hồi sinh một nhãn hàng của Suntory Pepsico Việt Nam - Ảnh 6.

Theo lý thuyết 4 bếp lò, để thành công, bạn buộc phải loại bỏ 1-2 trong 4 lò lửa (gia đình, bạn bè, sức khỏe, công việc) Thịnh nghĩ sao về điều này?

Thật ra câu hỏi này nên thay đổi thành thứ tự ưu tiên trong cuộc sống như thế nào thì sẽ hạnh phúc hơn. Chúng ta vẫn thường dùng từ “đánh đổi” khi ám chỉ việc đạt đến việc đạt một mục tiêu nào đó. Tuy nhiên với Thịnh nên dùng từ “ưu tiên”, ưu tiên một thứ mà mình cho là quan trọng hơn trong đoạn đó. Thịnh có nhiều người bạn hay tâm sự với mình rằng họ FA vì nhiều việc quá. Thịnh mới hỏi lại “Vậy bạn có chịu kiếm việc nhàn hơn để hết FA không?” thì không ai chịu cả. Cuộc sống là một chuỗi các giai đoạn mà ở mỗi giai đoạn mình cần nhìn rõ cái mình muốn là gì. Và quan trọng hơn là học cách hài lòng với những thứ mình chắc chắn không đạt được vì chính mình ngay từ đầu đã đặt nó ở vị trí kém ưu tiên hơn một vài thứ khác cơ mà.

Trịnh Quang Thịnh – Kẻ “ngoại đạo” đứng sau sự hồi sinh một nhãn hàng của Suntory Pepsico Việt Nam - Ảnh 7.

Cảm ơn Thịnh vì những chia sẻ thú vị!