Thông tư 27/2019 của Bộ GD&ĐT quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1/3/2020. Nội dung chính trên văn bằng giáo dục gồm 10 nội dung: Tiêu đề, tên văn bằng, ngành đào tạo, tên cơ sở cấp bằng, họ tên người được cấp bằng, năm sinh, hạng tốt nghiệp.
Điểm được nhiều người chú ý nhất trong thông tư là văn bằng theo từng trình độ đào tạo. So với bản dự thảo lần 1, thông tư ban hành chính thức bổ sung thêm cụm từ “văn bằng trình độ tương đương”, thay vì quy định 3 loại bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ như dự thảo trước đây.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, bước sửa đổi này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.
Cụ thể, Luật quy định văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Cùng với đó, chiếu theo điều 15 của Nghị định 99/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục sửa đổi. Trong đó văn bằng trình độ tương đương được hiểu là văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm: bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, dược sĩ, bác sĩ thú y, kỹ sư, kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo đại học theo quy định.
Như vậy, từ ba quy định trên, chúng ta có thể hiểu, bằng tốt nghiệp đại học sẽ gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Trong đó, văn bằng trình độ tương đương sẽ gồm bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư và một số văn bằng khác.