Ông Bùi Văn Hên (khu vực 3 sông Hậu, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) cho biết, vườn cây ăn trái gồm nhãn, xoài, táo rộng gần 3 công đất của gia đình đang trong giai đoạn ra hoa để phục vụ cho đợt trái cây tết.
“Thế nhưng, với tình hình này, nước ngập gốc nhiều ngày liền nguy cơ làm thối rễ, hư hại cả vườn là rất lớn. Từ trước đến nay, tôi chưa thấy đợt triều cường nào lại cao như vậy. Gia đình tôi đang lo lắng” ông Hên, nói.
Ông Hên buồn rầu vì nhà cửa và vườn cây ăn trái của gia đình bị ngập sâu.
Có nhà nằm ngay trung tâm TP Cần Thơ, bà Nguyễn Thúy Âu (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) bức xúc: “Nước dâng cao, mỗi buổi sáng đi làm, xe bị ngập nước, tắt máy, quần áo ướt hết. Khổ nhất là mấy đứa con đi học phải bỏ giày vào bọc nilon sau đó đến cổng trường mới mang vào vì sợ ướt, rất bất tiện. Tôi rất mong muốn TP Cần Thơ có giải pháp để giải quyết tình trạng ngập lụt trên”.
Đường Mậu Thân (quận Ninh Kiều) "biến thành sông" khi triều cường dâng.
Cùng nỗi bức xúc trên, anh Huỳnh Ngọc Minh Tuấn, Chủ quán cà phê Làng Báo (đường Trần Văn Hoài), buồn rầu: "Sáng sớm và chiều muộn là 2 thời điểm quán tôi đông khách nhất. Nhưng mấy ngày nay, tình hình triều cường dâng cao, khiến nước ngập cả tuyến đường, có khi tràn cả lên quán, khiến việc kinh doanh gặp khó khăn. Sinh hoạt của gia đình tôi và những hộ xung quanh gặp rất nhiều khó khăn".
Đường Tôn Thất Tùng (phường Cái Khế) ngập sâu hơn 1 mét.
Ông Võ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Cái Khế (quận Ninh Kiều) cho biết, tình hình triều cường diễn biến ngày một phức tạp. Các tuyến đường xung quanh Trung tâm thương mại Cái Khế bị ngập nặng, có nơi ngập sâu cả mét, ảnh hưởng đến việc kinh doanh, cũng như sinh hoạt của các hộ dân. Đồng thời, các vườn cây trái thuộc khu vực Cồn Khương cũng đang bị ngập gốc.
Dự đoán, tình hình này kéo dài sẽ gây thiệt hại rất lớn cho bà con sản xuất trái cây vụ tết. Hiện, đơn vị đã cho cán bộ tiến hành khảo sát, cũng như thống kê thiệt hại của người dân để báo cáo lên phía trên có hướng hỗ trợ cho bà con.
Nhiều diện tích cây ăn trái tại khu vực Cồn Khương bị ngập gốc, nguy cơ thiệt hại vụ trái cây tết.
Tuyến đê của khu vực Bình An (phường Long Hòa, quận Bình Thủy) bị nước tràn vào ruộng, gây khó khăn trong việc đi lại của bà con.
Ông Nguyễn Thái Bảo, Trưởng phòng Quản lí đô thị quận Ninh Kiều, cho biết: Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác ngăn chặn mực nước dâng cao, cũng như là thoát nước nhanh sau khi triều cường dâng. Đơn vị đã và đang thực hiện việc nạo vét các kênh rạch. Đảm bảo vệ sinh ở khu vực các miệng cống, tránh tình trạng ùn ứ rác, gây nghẹt cống. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Đài khí tượng thủy văn để nắm tình hình, diễn biến của mực nước để từ đó có hướng điều chỉnh, vận hành các van xả lũ có hiệu quả.
Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các cấp, UBND các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của thành phố về việc chủ động, tăng cường công tác chống ngập úng, hạn chế thiệt hại do thiên tai, triều cường gây ra; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện đê bao xung yếu để có biện pháp khắc phục, gia cố.
Tổ chức đưa rước trẻ em đến trường và thực hiện giữ trẻ ở các quận, huyện đầu nguồn; tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt triều cường, mưa lớn, ngập lụt để theo dõi, nắm chắc mọi tình hình có liên quan đến công tác PCTT - TKCN trên địa bàn quản lý; lực lượng công an tích cực tuần tra, kiểm soát, điều tiết giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu, khu vực ngã ba, ngã tư, nhằm hạn chế ùn tắc giao thông khi triều cường lên cao...
Một số hình ảnh Phóng viên CAND ghi nhận: