Trị mụn bằng tia laser và những điều không ai biết đến

J, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 14/04/2016

Trị mụn bằng tia laser là một trong những liệu pháp được đánh giá là hiệu quả và an toàn. Nhưng có thực là an toàn không, và cơ chế của phương pháp này là gì?

Những ngày nóng nực lại sắp đến, và nhiều người trong chúng ta lại phải đối mặt với một cơn ác mộng luôn lợi dụng thời tiết nóng ẩm của mùa hè để quậy phá. Cơn ác mộng mang tên: MỤN.

Gọi là ác mộng là bởi nó... xấu, lại dễ khiến làn da của chúng ta bị viêm nhiễm, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Chính vì thế, nhiều người đã tìm cách loại bỏ mụn càng sớm càng tốt.

Người dưỡng da tại nhà, người có điều kiện hơn thì đến các trung tâm thẩm mỹ để trị mụn. Trong đó, phương pháp trị mụn bằng tia laser đang rất được nhiều người tin dùng hiện nay.

Trị mụn bằng tia laser và những điều không ai biết đến - Ảnh 1.

Nhưng đã bao giờ bạn tò mò về cơ chế trị mụn của phương pháp này chưa? Thậm chí nhiều người còn quảng cáo rằng trị mụn bằng tia laser là vĩnh viễn. Liệu có thể không?

Cơ chế trị mụn bằng tia laser

Phương pháp điều trị mụn bằng ánh sáng nói chung và laser nói riêng đã xuất hiện từ thập niên 1990 và đến nay đã được cải tiến đáng kể.

Bản thân tia laser cũng có nhiều loại với những phương pháp và công nghệ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ và mục đích điều trị.

Trị mụn bằng tia laser và những điều không ai biết đến - Ảnh 2.

Đó có thể là những tia laser hoặc ánh sáng có cường độ thấp để điều trị mụn dạng nhẹ

Trị mụn bằng tia laser và những điều không ai biết đến - Ảnh 3.

Hoặc dùng tia laser đỏ có bước sóng lớn để bắn phá những trường hợp bị mụn quá nặng

Nhưng nhìn chung, cơ chế trị mụn của tia laser chỉ xoay quanh yếu tố: dựa trên khả năng hấp thụ ánh sáng của vi khuẩn trong lỗ chân lông, hoặc dựa trên khả năng tự bảo vệ của cơ thể người.

Đầu tiên, cần biết rằng mụn sinh ra do bã nhờn bị tích tụ lâu trong lỗ chân lông, tạo thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn Propionibacterium phát triển - gây viêm nhiễm da mặt của chúng ta. Tuy nhiên, bên trong những vi khuẩn này có một hoá chất mang tên porphorine, và đây là một chất cảm quang.

Trị mụn bằng tia laser và những điều không ai biết đến - Ảnh 4.

Chất cảm quang có khả năng hấp thụ ánh sáng. Khi tiếp xúc với ánh sáng xanh hoặc vàng, chất này sẽ phản ứng và giải phóng oxy, giúp tiêu diệt vi khuẩn. Dành cho những ai chưa biết thì khí oxy có thể là độc chất đối với một số loại vi sinh vật, trong đó có Propionibacterium.

Các trường hợp mụn nặng cần sử dụng đến tia laser có cường độ mạnh với mục đích làm tổn thương cho da của bạn. Tại sao ư? 

Vì khi tổn thương, cơ thể sẽ tăng khả năng tiết ra collagen - hóa chất làm duy tính đàn hồi của da và đẩy mạnh khả năng làm lành vết thương, qua đó không để lại sẹo trong quá trình trị mụn.

Trị mụn bằng tia laser và những điều không ai biết đến - Ảnh 5.

Một số liệu pháp trị mụn lại sử dụng đến tia laser cực tím (UV laser - tia này khác với tia tử ngoại trong ánh sáng Mặt trời). Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tia sáng loại này có khả năng tăng cường sự sinh sôi của porphyrins - một hợp chất hình thành sắc tố trên da có tác dụng diệt khuẩn cực tốt.

Cần lưu ý điều gì khi trị mụn bằng tia laser

Ưu điểm của trị mụn bằng laser là không gây tác động đến nội tiết tố như trị mụn bằng thuốc. Tuy nhiên, khác với triệt lông, trị mụn bằng laser tác động thẳng vào da, do đó chắc chắn sẽ để lại một số tác dụng phụ.

Một số bệnh nhân có thể cảm thấy đau rát, mẩn ngứa, không thoải mái trong quá trình điều trị, đặc biệt là những người có làn da nhạy cảm có thể còn bị kích ứng hoặc bong tróc da. 

Bệnh nhân cũng trở nên đặc biệt nhạy cảm với ánh Mặt trời, do đó thường phải tuyệt đối tránh tiếp xúc với ánh sáng trong 30 giờ.

Ngoài ra, hắc tố melanin có sẵn trong da cũng là một chất cảm quang cực mạnh, làn da của bạn có thể trở nên tối màu hơn sau quá trình điều trị.

Và cuối cùng là chi phí. Chi phí trị mụn bằng laser thường cao hơn vài triệu đến cả chục triệu đồng so với các liệu pháp thông thường.

Nguồn: Daily Mail, The Science of Acne, Style caster...