Khóc là cách thể hiện cảm xúc, đồng thời phần nào cũng nói lên tính cách của mỗi người. Nhiều người cho rằng trẻ con rất đơn thuần, chúng cười khi vui và khóc khi buồn nên sẽ không thể nào rơi nước mắt mà không có lý do. Khi một đứa trẻ khóc, thường có 3 trường hợp xảy ra: Bị đau ốm (khóc bệnh lý), có tâm trạng không tốt như buồn hay bị mắng (khóc sinh lý), hoặc ăn vạ để đạt được mục đích của mình (khóc đòi hỏi).
Dù thuộc trường hợp nào, qua cách thể hiện cảm xúc cũng có thể nhìn ra trạng thái tâm lý cũng như sự khác biệt về tính cách của từng đứa trẻ. Khóc là một lối thoát cho cảm xúc. Nếu ví dòng cảm xúc này như nước ở trong đập, khi đứa trẻ xúc động, chúng ta lại đóng cửa đập thì dần dần, những dòng cảm xúc này sẽ tích tụ lại. Đến một ngày, những cảm xúc này "tức nước vỡ bờ" ắt sẽ bùng phát như lũ và không thể khống chế, kiểm soát được.
Mặt khác, vì nước mắt cũng là cách thể hiện cảm xúc nên nếu không được khóc, nỗi buồn sẽ ngày càng hằn sâu thêm trong lòng trẻ. Lâu dần, những vết thương lòng này sẽ trở thành sẹo và ảnh hưởng đến tính cách trẻ trong suốt cuộc đời.
Khi một đứa trẻ gặp chuyện buồn nhưng lại tỏ ra bình tĩnh, đừng nghĩ rằng nó sinh ra đã "mạnh mẽ". Đó chỉ là chúng không biết cách thể hiện cảm xúc nội tâm của mình. Những đứa trẻ như vậy so với những bạn bè đồng trang lứa khi lớn lên sẽ có những điểm khác biệt sau đây:
1. Cơ chế phòng vệ tâm lý khác nhau
Có nhiều người sống rất cởi mở, hướng ngoại, phóng khoáng, dễ dàng kết giao bạn bè tứ phương hoặc luôn chủ động giải quyết nếu có vấn đề với người khác. Nhưng một số người lại khó gần, sống khép kín, cẩn trọng đến mức khiến ta nghĩ rằng sẽ không bao giờ mở cửa được trái tim họ, không ai biết họ nghĩ gì, cảm thấy thế nào. Đây là sự khác biệt trong cơ chế bảo vệ tâm lý.
Những người được thoải mái bộc lộ cảm xúc từ khi nhỏ thường dễ thể hiện cảm xúc của mình với người khác, nhờ vậy mà cuộc sống của họ nhẹ nhàng, vui vẻ hơn. Còn ai bị ép "chín" quá sớm sẽ có thói quen che giấu cảm xúc của mình, gặp khó khăn hơn trong giao tiếp với mọi người trong tương lai.
2. Tính cách khác nhau
Nếu bố mẹ la mắng, chỉ trích khi con khóc sẽ khiến trẻ trở nên rụt rè, mong manh, dễ tổn thương. Trong tương lai, hoặc là chúng không thể chịu đựng được áp lực hay biến cố, hoặc là sẽ dửng dưng, thờ ơ dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.
Còn những đứa trẻ được thoải mái bộc lộ cảm xúc của mình ngay từ khi còn nhỏ sẽ có khả năng chịu đựng tốt hơn. Khi gặp chuyện, chúng sẽ phản ứng linh hoạt, mạnh mẽ đối mặt và vượt qua tất cả.
3. Cảm xúc khác nhau
Trong tâm lý học, có một thuật ngữ gọi là "hiệu ứng con lắc", tức là cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực của con người sẽ đối xứng như một con lắc. Một người dễ đau lòng (cảm xúc tiêu cực) cũng sẽ dễ đạt được hạnh phúc trong cuộc sống (cảm xúc tích cực). Ngược lại, nếu một người không biết buồn thì cũng khó cảm nhận được niềm vui.
Cũng giống như một con lắc, sau khi bay cao về bên trái sẽ quay ngược một cung tương tự về bên phải. Còn nếu con lắc không lắc lư nhiều, nó sẽ nằm ở giữa, tức là gần như mất cảm xúc.
Có thể thấy, hai kiểu trẻ con này khi lớn lên cũng có sự khác biệt rất lớn trong cách chúng cảm nhận cảm xúc của chính mình và những người xung quanh, gọi là EQ (trí tuệ cảm xúc) khác nhau.
Vì vậy, khi đối mặt với cảm xúc của trẻ, người lớn không nên cố tình ép chúng tỏ ra mạnh mẽ. Điều này có thể phản tác dụng và khiến con cứng ngắc, thiếu tinh tế và dễ bị tổn thương hơn.
Tóm lại, những người có cảm xúc mạnh mẽ sẽ trải nghiệm tình yêu và vẻ đẹp của cuộc sống cuồng nhiệt hơn. Họ biết tự hào, hài lòng về bản thân, biết trút bầu tâm sự khi buồn. Những cảm xúc tích cực trong lòng cũng sẽ "lớn" dần lên và chống lại những cảm xúc tiêu cực, để trẻ chịu áp lực tốt hơn, sống lạc quan và mạnh mẽ hơn vì tin rằng sau cơn mưa trời sẽ lại sáng.