Đã đến lúc bộ phận nhân sự cần nghiêm túc nhìn nhận trào lưu mới mẻ này và biến nó trở thành một chiến lược thu hút nhân tài thật sự.
Trăm bài giới thiệu, không bằng một clip review
Theo thống kê từ PwC Việt Nam, dự đoán đến năm 2025, thế hệ Gen Z sẽ chiếm tỉ lệ lên đến 1/3 trong bức tranh nhân sự của thị trường lao động Việt Nam. Để chinh phục nguồn nhân sự trẻ trung này, nhiều doanh nghiệp cũng dần "trẻ hoá". Dễ nhận thấy nhất chính là việc doanh nghiệp năng nổ "bắt trend" các câu chuyện phim ảnh đang nóng sốt, hàng loạt meme mới mẻ, xuất hiện trên các kênh truyền thông tuyển dụng của doanh nghiệp. Hình tượng nghiêm túc của các CEO cũng dần được thay thế bằng hình ảnh trẻ trung hơn. Không hiếm để thấy Elon Musk đăng tải những hình ảnh hài hước, CEO Facebook chia sẻ ảnh gia đình và câu chuyện chăm con… đã kéo gần khoảng cách giữa nhân sự và nhà lãnh đạo.
Nếu doanh nghiệp dần "mở cửa" cho câu chuyện hoà nhập theo xu hướng, thì nhân sự Gen Z cũng được đà tạo thêm các xu hướng mới, lấy cảm hứng từ đời sống văn phòng. "Một ngày đi làm tại công ty", "Bữa trưa tại văn phòng có gì?", "Khám phá bí mật công ty" - Những tiêu đề không còn khó kiếm trên mạng xã hội nhờ trào lưu quay video review công ty, khám phá "thâm cung bí sử". Hậu Covid-19, khi nhân sự quay trở lại văn phòng, trào lưu này càng nở rộ và nhận được nhiều sự hưởng ứng.
Một ngày làm việc tại "ông lớn" Facebook với các phúc lợi như nhà ăn tự chọn, trà chiều, khu vực nghỉ trưa… của một nhân sự đang làm việc tại đây đã nhận được rất nhiều lượt xem và bình luận. Nhiều nhận xét cho hay, nếu không có clip review, họ sẽ không biết đến những phúc lợi này
Ngoài Facebook, Google cũng là một trong những tập đoàn khuyến khích sự sáng tạo của nhân viên thực hiện các clip clip review "chất như nước cất" về không gian làm việc
Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ cảm thấy thu hút và có nhiều cảm tình hơn với một số doanh nghiệp khi xem video review. Phương Thanh (25 tuổi, quận 3) cho biết: "Trước đây mình thường nghĩ làm việc tại các tập đoàn lớn rất quy củ và khó khăn, nên thường "né" nộp đơn xin việc vào các công ty này. Tuy nhiên, sau khoảng 1 tuần lướt Tiktok và xem một số đoạn review công ty, mình cảm thấy làm việc trong các công ty này không hề nhàm chán như mình nghĩ. Và mình đã "open" hơn để nộp CV ứng tuyển ở bộ phận marketing của các thương hiệu."
Bắt được xu hướng này, giới HR cũng rầm rộ "chuyển nhà". Thay vì các bài báo giới thiệu công ty, thông tin tuyển dụng thông thường, nhiều ông lớn đã mở rộng sân chơi, tích cực xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Những cái tên như Amazon, Mountain Dew, NBC Saturday Night Live, The Takeaway... hoạt động "năng nổ" trên TikTok, nền tảng mà theo khảo sát của Time Universal đã cho thấy có đến 55% Gen Z tốn trung bình 80 phút mỗi ngày để "lướt".
"Một trong những cách hiệu quả nhất để tăng tính cạnh tranh của thương hiệu tuyển dụng, là để các đối tượng tiềm năng được cảm nhận trực tiếp về môi trường làm việc thông qua chính các nhân sự đang làm việc trực tiếp. Xu hướng quay video review công ty không chỉ thu hút lượt quan tâm lớn trên mạng xã hội mà còn giúp gia tăng lòng tin và tạo thiện cảm cho doanh nghiệp, tăng khả năng thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ" - Bà Nguyễn Thị An Hà - Giám đốc Marketing và Hợp tác chiến lược công ty cổ phần Kết nối nhân tài Talentnet nhận định về "sân chơi" đầy tiềm năng này.
"Vẽ đường" cho nhân sự review
Các hoạt động tương tác trên các nền tảng mới là hướng đi thông minh giúp xây dựng thương hiệu tuyển dụng, tạo nên sự kết nối với nhân sự trẻ, đồng thời khai thác sức ảnh hưởng của họ trên mạng xã hội và gia tăng khả năng tiếp cận nguồn nhân lực tiềm năng. Theo bà An Hà, nhà lãnh đạo có thể cân nhắc 2 định hướng "vẽ đường" để mỗi nhân sự đều trở thành một người truyền thông cho văn hoá công ty.
Các doanh nghiệp nên có những phương thức "khai thác" sức ảnh hưởng của nhân sự Gen Z trên mạng xã hội
"Nới biên" cho nhân sự thoải mái chia sẻ
Mỗi doanh nghiệp đều có các yêu cầu và quy định riêng về việc truyền thông thương hiệu tuyển dụng của mình. Tuy vậy, với một thế giới mở nơi mọi người có thể tự do chia sẻ, thì các thông tin người thật - việc thật sẽ giành được nhiều tình cảm, review công ty cũng là một trong số các thông tin chân thật đó. Vì thế, thay vì kiểm soát các hoạt động trên mạng xã hội, công ty có thể "nới biên" cho nhân viên tự do hơn trong việc thể hiện tâm tư, góc nhìn của mình, "mở đường" cho nhân sự trẻ review công ty.
Điều này cũng giúp doanh nghiệp đến gần hơn với đối tượng lao động của mình, xây dựng hình ảnh công ty thân thiện, gần gũi. Bên cạnh đó, nhân sự cũng tạo nên sự gắn kết, tăng niềm tự hào của mình với nơi làm việc.
Để "đam mê" review không ảnh hưởng đến chất lượng công việc của nhân viên, phòng Nhân sự có thể đưa ra một số quy tắc chung, để đảm bảo môi trường làm việc không bị xáo động và đảm bảo tính bảo mật trong một số công việc đặc thù.
Đầu tư có chiến lược, biến trào lưu thành vũ khí
Theo báo cáo của LinkedIn năm 2021, Gen Z cần là một môi trường làm việc năng động, để họ có thể học tập điều mới và hoàn thiện kỹ năng của mình. Vì vậy, ngoài việc mở đường cho trào lưu phát triển trong công ty, doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược thu hút nhân tài bền vững bằng các chế độ phúc lợi, định hướng phát triển rõ ràng, phù hợp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hoá doanh nghiệp là nơi mà mọi nỗ lực của nhân sự được công nhận. Với chiến lược nhân sự bền vững, thì các trào lưu như review công ty là sự cộng hưởng tuyệt vời để lan toả hình ảnh doanh nghiệp.
Trên hết, những nỗ lực hoà nhập từ doanh nghiệp từ sự lắng nghe - tạo điều kiện học tập, nhằm nắm bắt được "insight" của nhân sự trẻ sẽ là điều cốt lõi để "chạm" đến trái tim họ, khiến họ chủ động "cầm điện thoại lên và review" về nơi làm việc khiến họ tự hào.