Xe buýt vốn là phương tiện giao thông công cộng rất quen thuộc, nhất là đối với tầng lớp sinh viên. Những ngày nắng hay mưa, cảm giác khi nhìn thấy chiếc xe đi tới, tấp sát vào vỉa hè đưa đón đưa khách sao mà thân thương đến thế!
Nhưng đó là khi chúng ta dùng xe buýt để di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Nếu bảo ngồi uống cafe trên đó, vừa uống vừa nhâm nhi, chuyện trò lâu thật là lâu thì không biết thế nào. Nhìn chiếc xe buýt nho nhỏ, không gian thực sự có phần hơi bí bách khiến nhiều người e ngại. Thế nhưng, sự thật là qua bàn tay, khối óc sáng tạo của anh Đoàn Trung Dũng (SN 1979), chiếc xe buýt bán cafe gần hồ Đền Lừ (Hà Nội) trở nên cực kỳ dễ thương.
Với phương châm kinh doanh thân thiện với môi trường, anh Dũng đã nảy ra ý tưởng mua lại những chiếc xe buýt quá hạn sử dụng làm nơi kinh doanh cafe.
Phía bên ngoài, phần trước xe được sơn lại những hình vẽ ngộ nghĩnh.
Lốp xe được trang trí các cây cảnh nhỏ. Dù vẫn là hình dáng chiếc xe buýt đưa đón nhiều người đi học, đi làm nhưng qua bàn tay khéo léo của anh Dũng, nó đã được "cách điệu" rất nhiều.
Mô hình tận dụng xe buýt hết hạn sử dụng làm nơi kinh doanh hàng quán không phải là điều gì đó quá mới lạ. Tuy nhiên, sự sáng tạo lại nằm trong cách cải thiện lại chiếc xe cũ, bày trí vật dụng và tạo ra không gian sao cho thật đẹp mắt, dễ chịu.
Anh Dũng tâm sự, anh là người làm trong lĩnh vực xây dựng nên có rất nhiều ý tưởng tái sử dụng những chiếc xe buýt, xe khách cũ. Mọi việc tân trang lại chiếc xe thành nơi bán cafe, đều do một tay anh thực hiện.
Công việc ấy thì chẳng hề đơn giản chút nào, từ việc lựa chọn bàn ghế sao cho phù hợp với từng khu vực, tìm giấy dán lên thành xe cho đến việc lắp hệ thống điều hòa, máy hút mùi, hút bụi, sắp xếp nơi pha chế... Sau khi hoàn thành công đoạn chuẩn bị, số vốn mà anh Dũng bỏ ra đã lên tới hơn 250 triệu đồng.
Không gian bên trong chiếc xe rộng chừng 25m2.
Bàn ghế được thiết kế sao cho phù hợp với xe.
Các loại bàn vuông dài và bàn tròn được phối hợp đan xen.
Khoang buồng lái được cơi nới lại thành quầy pha chế.
Lốp xe được tận dụng làm bàn nhỏ tô tranh.
Cách ghi menu rất mộc mạc của quán. Phía đuôi xe còn có cây đàn guitar để các bạn trẻ trổ tài âm nhạc.
Những bức tranh nhìn rất "mát mắt". Phía đuôi xe còn có kê một giá sách để khách hàng vừa nhâm nhi cafe, vừa đọc sách thư giãn.
Theo anh Dũng, điều khó nhất là chủ xe phải thiết kế sao cho chiếc xe vẫn giữ được hình hài của một phương tiện giao thông công cộng thân thiện, vừa xây dựng được không gian thoáng đãng. "Xe buýt là loại phương tiện gắn bó với sinh viên. Vì thế, quán cafe này của tôi khách hàng chủ yếu là các bạn trẻ".
Sức chứa tối đa của chiếc xe này chỉ khoảng 35-40 người. Mở cửa từ 7h30 đến 23h đêm nhưng quán cafe này chủ yếu đông khách vào lúc sinh viên tan tầm hoặc dịp cuối tuần. Cao điểm, quán anh Dũng thường đón gần 100 lượt khách/ngày.
Giá cả các loại đồ uống ở đây đều khá rẻ, đa số không vượt quá mức 20.000 đồng/loại đồ uống. Trên xe lại hay bật các bản nhạc không lời nhẹ nhàng, khiến thực khách có cảm giác mình như đang đi trên xe, mặc nhiên ngồi trên đó và chờ xe đưa mình tới nơi cần đến.
Menu các loại đồ uống cũng được để ngay tại giá sách.
Các đầu sách khá phong phú.
Hệ thống chiếu sáng bằng những chiếc đèn học rất sinh viên.
Không gian nhỏ nên vật dụng trang trí ở đây đều nhỏ nhỏ xinh xinh. Các bức tranh này cũng vậy.
Không gian lạ lẫm này khiến những ai lần đầu đến đây đều rất thích thú.
Dù kinh doanh dịch vụ giá rẻ, sức chứa không cao song anh Dũng tự tin khẳng định, quán cafe của mình vẫn sinh lãi không kém gì những quán cafe khác. "Mô hình này tiết kiệm tối đa chi phí mặt bằng và nhân công. Vì thế, dù giá cả đồ uống thấp hơn nhưng mình vẫn có lãi ngang ngửa những nơi khác. Khách đến đây, không chỉ được hưởng lợi về kinh tế mà còn được trải nghiệm không gian mới lạ, đẹp đẽ và đó cũng là điều tôi mong muốn hướng tới".
Dịp cuối tuần, quán cafe thường rất đông đúc.
Anh Dũng cho rằng, kinh doanh cafe trên xe buýt cũ rất cơ động. Nếu địa điểm kinh doanh ban đầu thấy không hợp lý, anh có thể thay đổi mà không tốn quá nhiều công sức.
Ngoài chiếc xe buýt này, anh Dũng cũng có một chiếc khác tại hồ Linh Đàm. "Sắp tới, tôi cũng có ý định nhượng quyền thương hiệu với mong muốn, mô hình kinh doanh cafe thân thiện với môi trường này sẽ được nhân rộng hơn nữa", anh Dũng tâm sự.