Trái đất "bên bờ vực thảm họa khí hậu"

Lục San, Theo Người Lao Động 09:05 04/12/2018

Hội nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP24) diễn ra tại TP Katowice - Ba Lan từ ngày 2 đến 14-12, thu hút các phái đoàn từ gần 200 quốc gia.

Đây là cuộc họp quan trọng nhất của LHQ về biến đổi khí hậu kể từ khi Hiệp định Paris 2015 ra đời và là dịp để các đại biểu đối thoại nhằm giải quyết những mâu thuẫn chính trị liên quan đến cuộc chiến này. Giới chuyên môn cho rằng cần phải cắt giảm mạnh mẽ khí thải gây hiệu ứng nhà kính nếu muốn đạt được các mục tiêu đã nhất trí ở Paris.

Bà Patricia Espinosa, Tổng Thư ký Công ước khung về biến đổi khí hậu của LHQ, đánh giá hội nghị diễn ra trong bối cảnh có những tín hiệu rõ ràng về việc phải cấp bách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hãng tin Reuters nhận định dư luận không quá kỳ vọng hội nghị sẽ giải tỏa được mối quan ngại được nêu trong một loạt báo cáo gần đây về tác hại nghiêm trọng của khí thải.

Trái đất bên bờ vực thảm họa khí hậu - Ảnh 1.

Tuần hành kêu gọi cứu hành tinh ở Brussels ngày 2-12 Ảnh: DW

Cụ thể, thế giới đã quá chậm trễ trong việc ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng thêm không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này, khiến thảm họa khí hậu dường như là không thể tránh khỏi. Một báo cáo mới của Tổ chức Khí tượng thế giới khẳng định 4 năm qua được ghi nhận là nóng nhất từng được ghi nhận, đồng thời cảnh báo nhiệt độ toàn cầu có thể dễ dàng tăng lên 3-5 độ C vào năm 2100.

Trong nỗ lực ngăn kịch bản tồi tệ trên xảy ra, khoảng 65.000 người đã tuần hành khắp thủ đô Brussels - Bỉ hôm 2-12, kêu gọi chính phủ các nước duy trì cam kết liên quan đến chống biến đổi khí hậu.

Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới thông báo khoản tiền 200 tỉ USD để tài trợ nỗ lực chống biến đổi khí hậu và giúp các nước thích nghi với tác động của hiện tượng toàn cầu ấm dần lên trong giai đoạn 2021-2025. Con số này cao gấp đôi mức của giai đoạn 2016-2020.