Bạn có bồ từ khi nào?
Tôi thì là năm lớp 7, và thứ mà tôi dùng để bắt lấy trái tim cô bạn lớp bên là một ly trà sữa. Ly trà chỉ 8 nghìn thôi, với trân châu và thạch thuỷ tinh, nhưng chan chứa toàn là tình cảm của một thằng bé mới lớn. Sự chân thành, thêm cái danh học sinh giỏi đứng thứ 4 của lớp, bá chủ môn tiếng Anh, rồi thường xuyên đi làm sao đỏ lớp bạn nữa, thế là tự dưng bạn thích tôi.
Mối tình đầu của tôi nhảy bổ vào cuộc đời tôi chỉ bằng một cốc trà sữa như thế đấy, rồi kể cả các kỷ niệm trong lúc hai đứa gọi là "quen nhau" cũng đầy ắp toàn trà sữa là trà sữa.
Ly trà sữa của tuổi thơ.
Ly trà sữa mà tôi tặng nàng đầu tiên đó là của Uy Róong, cũng là một trong những nhãn hiệu trà sữa đầu tiên thâm nhập vào thị trường Hà Nội thời bấy giờ. Feeling Tea cũng có, nhưng đấy là trà sữa "trên phố", còn với lũ trẻ con vùng ngoại ô như chúng tôi, tuổi thơ là Uy Róong với biển hiệu nền xanh xanh vàng vàng với dòng chữ đỏ "Trà sữa trân châu Đài Loan Uy Roong".
Đi học về rủ nhau mua trà sữa vừa đi vừa uống, bận nói chuyện ríu rít với nhau đến nỗi trả tiền cho hai ly trà rồi tung tăng dắt nhau đi về, bỏ lại hai ly trà bơ vơ trong sự ngỡ ngàng của chủ tiệm.
Đi chơi với nhau dù đi đâu cuối cùng cũng trở về quán trà sữa. Cách gọi món quen thuộc là mỗi bữa gọi hai vị khác nhau, rồi hai đứa đổi cho nhau thử vị, thêm vài cái nem cchua rán cùng đĩa khoai tây, hoặc hôm nào không có tiền thì ăn tạm bim bim bên ngoài.
Rồi những chiều giấu mẹ nhịn ăn sáng để mua trà sữa vê uống, bỏ trong cặp sách rồi chạy tung tăng làm ly trà bằng nhựa ấy vỡ ra tung toé khắp sách vở. Hôm sau đi học giở cặp ra thấy nồng nàn mùi trà sữa, kèm sự ngai ngái của đồ sữa lên men.
Bao bì đơn giản...
Hoặc đơn giản, mỗi khi nào dỗi nhau, bảo bối làm lành chính là cốc trà sữa. Bắt đầu bằng trà sữa nên món này có uy lắm, có khả năng khơi gợi mọi kỷ niệm để dắt hai đứa nhóc về lại với nhau.
Trà sữa bỗng dưng trở thành kẻ chứng giám cho cái tình yêu ngớ ngẩn tuổi học trò như thế. Đến bây giờ tuy hai đứa đã mỗi kẻ một lối đi riêng, nhưng đối với tôi trà sữa vẫn là thứ thức uống thần kỳ mang tính hoài niệm nhất.
Trà sữa ngày ấy đơn giản lắm, cốc trà thêm bột sữa, pha thêm hương vị trái cây, hay chocolate, thả ít trân châu và lõng bõng thạch thuỷ tinh là ngon lắm rồi. Tạo nên cốc trà sữa ngày xưa toàn nguyên liệu rẻ tiền, thế nên giá thành trà sữa ngày đó cũng rẻ và bình dân lắm, cỡ 6-8 nghìn, nhiều lắm thì 10 nghìn với các hương vị đặc biệt.
Nếu không muốn nói là xấu... Nhưng lại chứa đựng rất nhiều kỷ niệm.
Bao bì, đóng gói chẳng có gì đặc biệt cả, nếu không muốn nói là xấu, nằm trong phạm trù thiết kế gọi là loè loẹt. Lâu lâu ngồi với nhau, hai đứa chúng tôi mỗi đứa lại đem ra so sánh xem hình in trên nắp của mình là gì, rồi lại ngồi tị nạnh với nhau, lúc ấy mới thấy cái thiết kế xấu xấu này cũng có cái hay.
Thế rồi tự lúc nào không hay, trà sữa trở thành cái thức uống nổi bật nhất bấy giờ, đánh bật cả nước giải khát hay sinh tố này nọ khỏi vị trí đứng nhất. Đi đâu cũng thấy nào Uy Róong, nào Feeling Tea, nào 172 rồi lại cả Flamingo nữa. Phố Thanh niên đã đẹp, thêm dãy trà sữa lại càng thêm thu hút các anh các chị tới hẹn hò yêu nhau.
Thời kỳ tuyệt vời ấy kéo dài được chừng 2 năm.
Và rồi, trà sữa bắt đầu mất đi sự ưa thích của giới trẻ. Ở cái thủ đô này, không có trào lưu nào có thể tồn tại được quá lâu, trà sữa cũng không phải là ngoại lệ. Sự xâm nhập của các món đồ uống hiện đại trên thế giới khác bắt đầu đánh bật trà sữa khỏi vị trí độc tôn. Người ta đổ xô đi uống đồ uống đá xay ở các quán cà phê sang chảnh, rồi kéo nhau ra các quán nước có decor độc đáo khác để tán chuyện.
Trà sữa dần trở thành thứ nước uống quê mùa, chỉ dành cho bọn con nít cute phô mai que dấm dớ. Âu cũng phải, cũng chỉ từng đó hương vị, quanh đi quẩn lại chỉ độc có trân châu đen, chả có gì đổi mới, cũng chả theo kịp được nhu cầu thưởng thức của thực khách bây giờ.
Chả ai thèm uống trà sữa ở Hà Nội nữa. Thời kỳ hẩm hiu của trà sữa kéo dài phải 5-7 năm, và những quán trà tuổi thơ của chúng tôi dần dần lụi tàn, nơi thì trả lại mặt bằng, nơi thì chuyển mình kinh doanh thêm nhiều dịch vụ mặt hàng khác. Phố Thanh Niên của tôi, cả dọc trà sữa bỗng chốc chỉ còn Feeling Tea là lác đác người vào mua, chắc bởi người ta vẫn thích trân châu và thạch socola của hãng này. Các quán còn lại, quán thì biến thành cà phê vỉa hè, quán thì hẩm hiu ế ẩm chả ai mua.
Muốn uống một cốc trà sữa tự nhiên trở thành cái gì đó thật khó khăn và đôi khi cũng thật... mất mặt. Thời buổi này ai thèm uống trà sữa nữa!
Cho đến tận bây giờ, tự dưng cơn sốt DingTea kéo vực đế chế trà sữa trở lại với cuộc chơi phong trào. Thiết kế bao bì mới đẹp hơn, nhiều hương vị và cách pha chế khéo léo hơn, lại cung cấp cho thực khách thêm nhiều lựa chọn topping khác ngoài trân châu truyền thống hay thạch này thạch kia.
Khác với Uy Róong giản dị của tôi trước đây, bây giờ trà sữa người ta còn cho cả trân châu trắng giòn giòn sật sật, thạch rau câu màu đen đen ngọt mát, hoặc thạch pudding ngầy ngậy vị sữa, hay cả thạch dừa và lô hội mát lành. Chỉ từ vài loại trà gốc, phối thêm vài loại topping, chúng ta sẽ ra được ti tỷ loại trà hay ho khác (cả về hương vị lẫn phần nhìn).
Quan trọng nhất, decor quán trà sữa được DingTea chăm chút đầu tư hơn nhiều, không còn sơ sài và trẻ con như trước nữa. Có lẽ chính vì những lý do này mà DingTea đưa được trà sữa trở về với ngôi vương của mình tới ngày hôm nay.
Theo chân DingTea, các thương hiệu trà sữa khác dung dăng dung dẻ nối đuôi nhau trở về với Hà Nội của tôi. Chatime, CoCo, Trà sữa Tiên Hưởng, Toco Toco, Gong Cha... ti tỉ loại trà sữa có mặt để phục vụ những người thích uống như tôi.
Và mới đây nhất là sự xuất hiện của Goky, thương hiệu trà sữa Nhật Bản. Khi mọi cửa hàng trà sữa mà tôi uống đều có xuất xứ từ Đài Loan, và Đài Loan cũng là cái nôi sản sinh ra món trà sữa ngon lành này, thì thương hiệu trà sữa đến từ Nhật Bản trở nên hay ho hơn cả. Tôi và đám bạn, hầu như chả đứa nào biết được mặt mũi trà sữa Nhật nó ra làm sao.
Sẵn đã hành nát gần hết các quán trà sữa Đài Loan thông thường, chúng tôi thử một lần đi đổi gió cho biết trà sữa Nhật Bản là thế nào. Đến Goky, ngay từ cái nhìn đầu tiên chúng tôi đã thấy các cửa hàng trà sữa bây giờ hiện đại quá. Chỗ ngồi lịch sự, bàn ghế đẹp đi theo tông nền của quán (so với Uy roong xa xưa chỉ quẳng đại mấy cái ghế và cái bàn lấy lệ), nhân viên mặc đồng phục và thái độ hoà nhã, rồi các món thức uống cũng khác lạ hơn nhiều.
Trà sữa Nhật Bản - Goky.
Gọi đúng 4 cốc trà mà theo Goky là món trà sữa của Nhật, chúng tôi bắt đầu thưởng thức. Liệu món quà kết nối tình yêu của tôi và mối tình đầu mười mấy năm về trước, bây giờ ra sao rồi?
Và để biết được rốt cục Trà sữa Nhật Bản hiện đại Goky của thời nay, so với cái thức uống từng chiều miệng không biết bao nhiêu là học sinh sinh viên thế hệ trước như thế nào, hãy chờ chúng tôi làm một bài thật chi tiết dành cho các bạn!