Bước vào Cafe Brecht ở Amsterdam (Hà Lan) được bày trí với phong cách cổ điển, như một thoái quen Hannah Docter-Loeb - cây bút của Guardian rút điện thoại ra chụp ảnh. Tuy nhiên, giờ đây cô đành phải lưu lại bằng tâm trí vì điện thoại đã gửi lại ở quầy lễ tân.
Hannah đến quán Brecht để tham gia buổi thải độc kỹ thuật số, được tổ chức bởi Câu lạc bộ Offline đang phát triển rầm rộ. Cất điện thoại vào tủ khoá và sẵn sàng ngắt kết nối trong vài giờ tới.
Bắt đầu, những người tham gia trò chuyện với nhau, sau đó là 45 phút dành cho bản thân, 30 phút nữa để kết nối với mọi người và 30 phút yên tĩnh. Trong khoảng thời gian yên tĩnh, mọi người có thể tham gia bất kỳ hoạt động nào, miễn là không làm phiền người khác.
Những người tham gia đến từ nhiều độ tuổi và quốc tịch khác nhau. Ada Popowicz, 25 tuổi đến từ Ba Lan, cô tham gia sự kiện vì muốn tập trung nghiên cứu luận án thạc sĩ và gặp gỡ những người có cùng chí hướng. “Việc tắt kết nối giúp tôi suy nghĩ hiệu quả hơn" , cô chia sẻ.
“Câu lạc bộ Offline” tại Cafe Brecht. (Ảnh: Jeremy Meek/The Guardian)
Không chỉ cư dân Amsterdam, buổi gặp mặt còn có sự góp mặt của hai du khách người Mỹ là Shelley và Matt Nowak. Họ nhận ra mình cũng rơi vào tình trạng "lướt web vô tận" như nhiều người khác.
"Chúng tôi muốn tìm lại cảm giác trước đây" , Shelley chia sẻ. Cặp đôi đã chuẩn bị sẵn các hoạt động như giải ô chữ Los Angeles Times, sổ tay, bản đồ in và sách.
Nghe có vẻ lạ lùng khi mọi người sẵn sàng trả phí cho việc ngồi yên lặng. Vé tham gia buổi gặp mặt là 7,50 euro (khoảng hơn 200.000 đồng), chưa bao gồm đồ uống.
Xu hướng "giải độc kỹ thuật số" không phải mới mẻ và Offline Club không phải nhóm duy nhất đi đầu trào lưu này tại Hà Lan. Các tổ chức như Power Haus cung cấp các khóa "giải độc kỹ thuật số" kéo dài nhiều ngày. Off the Radar tổ chức các sự kiện âm nhạc không điện thoại ở Tilburg, khuyến khích người tham dự "kết nối bằng cách ngắt kết nối".
Chính phủ Hà Lan cũng đang có những động thái hạn chế truy cập trực tuyến. Kể từ ngày 1/1, học sinh từ 12 - 18 tuổi không được phép sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng và đồng hồ thông minh trong giờ học.
Cà Phê cấm điện thoại có thể đó là một trải nghiệm mà mọi người thử trong thời đại số. (Ảnh: Jeremy Meek/The Guardian)
Theo Vassia Sarantopoulou, một nhà tâm lý học tại Hà Lan, dành quá nhiều thời gian online có thể gây hại vì nhiều lý do. Khi sử dụng điện thoại, chúng ta giải phóng một lượng nhỏ dopamine, một hormone tạo cảm giác hưng phấn. Cô giải thích, điện thoại "mang lại sự giải tỏa tức thời," và việc sử dụng quá nhiều có thể dẫn đến nghiện.
"Không chỉ nghiện, chúng ta còn không tạo ra, hình thành và xây dựng được những cơ chế lành mạnh”, cô nói thêm. Dựa dẫm quá nhiều vào công nghệ và đầu tư vào các mối quan hệ trên mạng xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt cảm xúc và xã hội.
Sarantopoulou nói rằng thời gian ngoại tuyến có thể đảo ngược một số tác hại. "Ngắt kết nối có thể mang lại những tác động và lợi ích về mặt tâm lý, xã hội và cảm xúc khi chúng ta học cách tắt thiết bị. Nó có thể giúp bạn thực sự giải phóng".
Chính khoảng thời gian “ngắt kết nối” đã truyền cảm hứng cho Offline Club ra đời. Ra mắt vào đầu tháng 2 năm 2022, Offline Club đã trở nên vô cùng thu hút, tổ chức các sự kiện ở nhiều thành phố trên khắp Hà Lan và thường xuyên cháy vé. Thậm chí, những nhà sáng lập còn phải nghỉ việc để tập trung đáp ứng nhu cầu gia tăng.
Đối với những người sáng lập Off the Radar, các sự kiện không sử dụng điện thoại còn mang lại những trải nghiệm ý nghĩa hơn. Biemans chia sẻ: "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một môi trường an toàn cho những người tham dự, nơi bạn có thể là chính mình mà không lo lắng về việc xuất hiện trên mạng xã hội vào ngày hôm sau."
Phong trào "ngắt kết nối" cũng vấp phải một số ý kiến trái trái chiều, cho rằng việc hạn chế điện thoại nên được xuất phát từ chính bản thân mỗi người. Liệu chúng ta thực sự cần sự tác động từ bên ngoài để rời xa điện thoại?
Một số người cho rằng: “Đó là trách nhiệm của chính bạn! Tại sao phải tham gia sự kiện, bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện việc này?” Tuy nhiên, họ lại quên mất rằng chính những thiết bị và ứng dụng này được phát triển bởi các nhà tâm lý học và nhà khoa học thần kinh hàng đầu, những chuyên gia hiểu rõ cách thao túng người dùng. Các thiết bị này khiến bạn nghiện chúng. Bạn gần như không thể cưỡng lại.", Van Bennekom chia sẻ.
Trở lại quán Cafe Brecht, buổi gặp mặt kết thúc với phần chia sẻ của Catrien de Vries. Làm việc tại một công ty lớn ở thành phố đông đúc, Catrien cảm thấy mình không bao giờ có thời gian cho bản thân. Thông qua Offline Club, cô ấy đã có thể kết nối với những người có cùng chí hướng khác.
"Cảm giác thế nào khi không có điện thoại?" Catrien de Vries hỏi chúng tôi. Thành thật mà nói, điều đó không hề dễ dàng. Nhiều người, bao gồm cả tôi, đều cảm thấy thiếu vắng điện thoại.
"Tôi rất mong cầm điện thoại lên, giống như một người nghiện vậy" , Popowicz chia sẻ. Nhưng đối với cô ấy, thời gian "ngắt kết nối" là một cách để học cách kiên nhẫn và bỏ qua sự hài lòng nhất thời.
Đặt điện thoại vào tủ khoá trong suốt sự kiện. (Ảnh: Jeremy Meek/The Guardian)
"Tôi cảm thấy gắn kết hơn với mọi người xung quanh" , một người khác nói.
Chỉ với ba giờ đồng hồ “ngắt kết nối” tất nhiên là không đủ để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều. Nhà tâm lý học Sarantopoulou cho rằng đây là một kỹ năng cần được rèn luyện. Cô chia sẻ: “Chúng ta cần tạo động lực bên trong để duy trì thói quen này mà không cần ai nhắc nhở hay thúc ép. Ban đầu sẽ khó khăn, nhưng bạn cần học cách: chú tâm, tận hưởng hiện tại và chấp nhận những cảm giác khó chịu. Đây là một hành trình dài”.
Kneppelhout, đồng sáng lập Offline Club chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng để mọi người đưa lối sống ngoại tuyến vào cuộc sống thường xuyên hơn, xây dựng một mối quan hệ hài hòa với các thiết bị kỹ thuật số, không để chúng ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân. Chúng tôi hy vọng có thể cho mọi người thấy rằng cuộc sống có thể trải nghiệm theo nhiều cách khác nhau, giúp họ hạnh phúc và trọn vẹn hơn".
Những người sáng lập cho biết họ đã nhận được yêu cầu từ mọi người trên khắp thế giới, hy vọng mang một mô hình tương tự đến thành phố của họ. "Thế giới đang khao khát giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử và tăng cường kết nối thực tế," Kneppelhout nói.