Sáng ngày 29/12, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao TP.HCM - UBND TP.HCM đã tổ chức Lễ khởi công dự án "nút giao thông An Phú" tại TP. Thủ Đức.
Tham dự có ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, ông Phạm Phú Thành - Phó Giám đốc Sở Xây dựng...
Ông Bùi Xuân Cường cho biết, nút giao An Phú là tổ hợp giao thông, nút giao đẹp nhất của TP.HCM trong thời gian tới. Hiện nay, khu vực này sẽ có nhiều loại hình giao thông kết nối như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt nhẹ số 2.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cùng các lãnh đạo Sở ban ngành bấm nút khởi công dự án
Ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TP.HCM (thứ 2 từ phải sang) cho biết, nút giao An Phú là tổ hợp giao thông, nút giao đẹp nhất của TP.HCM trong thời gian tới, dự án góp phần giảm ùn tắc giao thông cửa ngõ phía Đông Thành phố
Dự án có quy mô 3 tầng gồm:
Khu vực nút giao đường dẫn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ: xây dựng hầm chui (2 chiều) kết nối đường dẫn cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (HLD) với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài gòn); hầm chui được kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.
Bên cạnh đó xây dựng 2 cầu vượt gồm 1 cầu vượt dạng chữ Y kết nối đường Mai Chí Thọ (phía Xa lộ Hà Nội) và đường Lương Định Của với đường dẫn cao tốc HLD; 1 cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc HLD vào đường Mai Chí Thọ (phía Xa lộ Hà Nội).
Phối cảnh dự án nút giao An Phú
Nút giao An Phú thực tế ở thời điểm hiện tại
Đồng thời, xây dựng đảo trung tâm và Tháp biểu tượng cùng các hạng mục hồ nước, đài phun nước, chiếu sáng mỹ thuật phù hợp theo phương án thiết kế kiến trúc được thông qua. Xây dựng 3 đơn nguyên cầu Bà Dạt phạm vi giữa 2 cầu hiện hữu.
Trong khi đó, tại khu vực nút giao Mai Chí Thọ và đường Đồng Văn Cống sẽ xây dựng 2 cầu vượt kết nối đường Mai Chí Thọ (phía Xa lộ Hà Nội) với đường Đồng Văn Cống và ngược lại; xây dựng 2 đơn nguyên cầu Giồng Ông Tố trong phạm vi giữa 2 cầu hiện hữu.
Ngoài ra, Dự án cũng xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác (tiểu đảo, cầu bộ hành, hệ thống cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, hệ thống báo hiệu giao thông,…) đồng bộ với quy mô nút giao.
Dự án có quy mô mặt cắt ngang phần đường từ 10 đến 12 làn xe, phần hầm 4 làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh 2 làn xe.
Dự án có 10 gói thầu xây lắp chính cùng các gói thầu tư vấn thiết kế, giám sát, bảo hiểm, rà phá bom mìn, vật nổ,… trong đó 4 gói thầu: Xây lắp 5, Xây lắp 6, Xây lắp 7, Xây lắp 8 với các hạng mục xây dựng hầm chui 1, xây dựng hầm chui 2, xây dựng cầu Bà Dạt, xây dựng cầu Giồng Ông Tố được chọn để khởi công trong buổi lễ hôm nay.
Theo dự kiến, các gói thầu xây lắp còn lại của dự án sẽ lần lượt triển khai trong quý I/2023 và toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào 30/4/2025.
Máy móc được chuẩn bị cho việc khởi công dự án
Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú có tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 248 tỷ đồng, chi phí xây lắp 2.317 tỷ đồng và các chi phí khác.
Dự án có mục tiêu tăng cường kết nối cho tuyến đường cao tốc HLD với tuyến đường Mai Chí Thọ và các tuyến trục chính của thành phố, nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của các dự án giao thông trong khu vực.
Đồng thời giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực nút giao, đặc biệt là trên tuyến đường cao tốc HLD và tuyến đường Mai Chí Thọ, đảm bảo giao thông thông suốt tại khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố và khu vực cảng Cát lái.
Dự án cũng góp phần vào mục tiêu từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.