TP.HCM: Hơn 885.000 người đã được tiêm vắc-xin Vero Cell

Hải Yến, Theo Người lao động 19:46 25/08/2021
Chia sẻ

Đến nay, TP.HCM đã tiêm hơn 885.000 mũi 1 vắc-xin Vero Cell cho người dân trên địa bàn, tốc độ tiêm đạt yêu cầu, tất cả sau tiêm đều an toàn.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết như vậy tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP chiều 25/8.

Theo bác sĩ Nam, đến nay, TP.HCM đã tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19 cho hơn 76% người dân trên 18 tuổi, 3,1% dân số đã tiêm đủ 2 mũi. Kế hoạch của TP.HCM là nhanh chóng phủ mũi 1 vắc-xin.

Kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 2 cho người dân TP.HCM đã lồng vào kế hoạch tiêm mũi 1, theo thời hạn khuyến cáo của nhà sản xuất. Nếu người dân tiêm vắc-xin ở đợt 4 bắt đầu từ ngày 21/6 thì theo hướng dẫn của nhà sản xuất, vắc-xin AstraZeneca tiêm mũi 2 cách từ 8 - 12 tuần.

Theo đánh giá, thời điểm sau 12 tuần là hiệu quả nhất của vắc-xin, tạo kháng thể cao nhất. Theo đó, việc tiêm mũi 2 vắc xin này rơi vào giữa tháng 9. Tương tự đối với mũi 2 vắc xin Pfizer là cách từ 3 - 4 tuần, Moderna là 4 tuần và Vero Cell là 4 tuần.

Đến nay, vắc-xin Vero Cell đã tiêm được hơn 885.000 mũi 1, tốc độ tiêm đạt yêu cầu, tất cả người sau tiêm đều an toàn.

Bác sĩ Nam cho biết TP.HCM cũng có định hướng phối hợp với đội tiêm và đội lấy mẫu để tiêm cho người không thể đến điểm tiêm và người ở vùng nguy cơ cao.

TP.HCM: Hơn 885.000 người đã được tiêm vắc-xin Vero Cell  - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cung cấp thông tin tại buổi họp báo

Về việc lấy mẫu xét nghiệm, theo bác sĩ Nam, cách đây 10 ngày, số lượng lấy mẫu xét nghiệm nhanh mỗi ngày chỉ đạt 10.000 - 15.000 mẫu. Tuy nhiên, trong hai ngày 23 và 24/8, số lượng này đã lên tới hàng trăm ngàn mẫu. Trong 2 ngày, mẫu xét nghiệm nhanh đã vượt con số hơn 500.000 mẫu.

TP.HCM đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm tại các vùng nguy cơ và sẽ lặp lại 2 - 3 ngày.

Từ ngày 15/8 đến 15/9, theo kế hoạch, TP.HCM sẽ test nhanh kháng nguyên "vùng đỏ", "vùng cam" cho 100% người dân. Còn tại "vùng xanh", "vùng vàng" thì thực hiện lấy mẫu RT-PCR gộp 5 - 10 người.

Hiện năng lực xét nghiệm tăng cao do có sự tập trung của các quận - huyện và hướng dẫn người dân tự làm xét nghiệm. "Hết hôm nay, tỉ lệ cũng tương đối để xác định, đánh giá lại từng khu vực trên bản đồ Covid-19" - bác sĩ Nam nhận xét.

Về việc sau khi test nhanh dương tính SARS-CoV-2, F0 sẽ xử lý thế nào, bác sĩ Nam cho biết F0 sẽ được quản lý tại nhà.

Hiện TP.HCM đã thành lập được 401 trạm y tế lưu động. Các trạm này có bác sĩ, điều dưỡng và lực lượng hỗ trợ với chức năng quản lý F0. Bên canh đó, trạm còn lấy mẫu xét nghiệm, tiếp nhận điều trị bệnh thông thường…

Về việc y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19 và công tác phòng chống dịch, bác sĩ Nam cho biết quan điểm của ngành y tế là không phân biệt y tế công hay tư mà đối xử như nhau. "Trong đợt dịch này họ cũng khó khăn, do đó khi chuyển đổi thành nơi điều trị Covid-19 theo tình hình thực tế thì họ cũng được ngành y tế TP hỗ trợ nhiều về trang thiết bị y tế, lắp đặt hệ thống oxy,… Nếu Sở Y tế có thì sẽ phân bổ về cho các đơn vị" - bác sĩ Nam nhấn mạnh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày