Ngày 20-9, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo "Thúc đẩy các giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh, rạch".
Theo oong Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thành phố nhìn nhận rằng tình trạng thải bỏ rác bừa bãi ra đường phố, kênh rạch chưa được giải quyết một cách triệt để. Hiện nay, ô nhiễm chất thải nhựa đại dương được xem là vấn nạn toàn cầu và cần sự chung tay hành động của mỗi địa phương.
Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM Bùi Hòa An cho biết thành phố có 101 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy bao gồm tuyến đường thủy nội địa và tuyến hàng hải (tổng chiều dài hơn 910 km).
Tuy nhiên, rác thải, lục bình, rong cỏ xuất hiện nhiều trên các tuyến sông, kênh, rạch làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông thủy, gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách và du lịch bằng đường thủy.
Từ năm 2019, thành phố thực hiện công tác vớt rác, lục bình, rong cỏ trên 5 tuyến đường thủy như: Tàu Hủ, Bến Nghé, Kênh Đôi, kênh Tẻ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công nghệ vớt thủ công, chủ yếu dựa vào sức lao động con người kết hợp với một số thiết bị nâng cẩu. Tuy nhiên, với công nghệ vớt còn phụ thuộc nhiều vào thủ công nên hiệu quả chưa cao và ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân vớt rác.
Ông Bùi Hòa An thông tin từ năm 2020, thành phố ứng dụng phương tiện, công nghệ hiện đại để tổ chức thực hiện thí điểm vớt rác trên tuyến sông Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương và sông Sài Gòn.
"Việc sử dụng thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại đem lại hiệu quả cao, nâng cao năng suất lao động, vớt được các mảng rác lớn, có kích thước cồng kềnh. Kết quả thực hiện vớt đạt trung bình 30 tấn rác mỗi ngày" - ông An nói.
Ông Nguyễn Trường Huynh, Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, cho biết thêm ở Việt Nam, 80% rác thải nhựa trên biển xuất phát từ đất liền, nghĩa là từ sinh hoạt của con người, 20% còn lại xuất phát từ hoạt động nghề cá, nuôi trồng thủy sản, tàu bè trên biển... Loại chất thải này chiếm 50-80% lượng chất thải trên biển và ngày càng tăng lên trong tương lai gần.
Còn theo ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ Tài nguyên – Môi trường, hiện nay cả nước phát sinh khoảng 68.000 tấn rác sinh hoạt/ngày, trong đó lượng rác sinh hoạt phát sinh tại TP HCM và Hà Nội chiếm gần 1/3 tổng lượng phát sinh của cả nước.
"Hiện nay, năng lực của chúng ta mới chỉ thu gom, vận chuyển và xử lý đạt tỉ lệ 88,34%, nghĩa là còn gần 12% tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh hàng ngày chưa được thu gom và xử lý. Đây chính là nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ phát tán vào sông, ngòi, kênh rạch" - ông Hồ Kiên Trung nhấn mạnh.