TPHCM "khổ" với 1.800 tấn rác thải nhựa mỗi ngày

Quốc Anh, Theo Người Lao Động 14:29 01/10/2023

Rác thải nhựa chiếm hơn 23% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại TPHCM. Trong khoảng 9.000 tấn rác phát sinh hằng ngày thì có 1.800 tấn rác thải nhựa, tuy vậy chỉ có 200 tấn được thu hồi, tái chế.

Ngày 1-10, HĐND TPHCM phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông và Đài Truyền hình TP HCM (HTV) thực hiện chương trình "Dân hỏi chính quyền trả lời" tháng 10-2023 với chủ đề: "Công tác bảo vệ môi trường - Vấn đề rác thải nhựa".

TP HCM khổ với 1.800 tấn rác thải nhựa mỗi ngày - Ảnh 1.

Chương trình "Dân hỏi chính quyền trả lời" tháng 10-2023 với chủ đề: "Công tác bảo vệ môi trường - Vấn đề rác thải nhựa"

Từ năm 2018 đến nay, TPHCM đã triển khai 4 kế hoạch về tăng cường quản lý chất thải rắn, giảm sản phẩm nhựa dùng 1 lần và đạt được một số kết quả ban đầu.

Tính đến hết năm 2022, hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn thành phố đã cơ bản cắt giảm 100% túi nilon khó phân hủy, chuyển sang dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Chợ truyền thống là nơi chiếm hơn 60% lượng rác thải nhựa khó phân hủy của toàn thành phố. Thành phố đặt mục tiêu đến hết năm 2023, tiểu thương tại các chợ sẽ giảm 65% sản phẩm bao bì nhựa khó phân hủy. Đây là một thách thức không nhỏ và nhiều nơi cũng đã triển khai các giải pháp sáng tạo.

Không phủ nhận lợi ích ngắn hạn mà sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần mang lại, tuy nhiên tính chất khó phân hủy khiến môi trường đối diện thảm họa ô nhiễm trầm trọng. Trong khi đó, các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường lại kém sức cạnh tranh so với sản phẩm nhựa một lần.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền Trân, Phó Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), giá thành sản phẩm nhựa thân thiện môi trường vẫn còn cao trong khi túi nilon thông thường vẫn được kinh doanh đại trà. Hiện chưa có biện pháp để hạn chế cũng như tạo động lực để phát triển túi tự hủy bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, túi nilon khó phân hủy có giá thành rẻ hơn một nửa so với túi tự hủy và được bày bán khắp nơi và nhiều nguồn hàng trôi nổi. "Tôi mua mặt hàng này này từ người đi tiếp thị với giá 25.000 đồng/kg. Biết như vậy là sai nhưng cũng liều mua một ít về bán kèm" - chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, hộ kinh doanh tại chợ Kim Biên (quận 5) nói.

TP HCM khổ với 1.800 tấn rác thải nhựa mỗi ngày - Ảnh 2.

Rác thải chất đống ngay trên cầu Tham Lương khiến người dân bức xúc (ẢNH: THU HỒNG).

Cũng theo thông tin từ chương trình, từ năm 2019, mức thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì, túi nylon khó phân hủy đã tăng lên 50.000 đồng/kg nhưng giá bán túi nilon truyền thống trên thị trường chỉ từ 25.000-40.000 đồng/kg. Điều này chứng tỏ việc thu thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này đang rất khó thực hiện triệt để.

Một cuộc chiến không cân bằng đang hiện hữu và phần thiệt thòi thuộc về các cơ sở sản xuất túi nilon tự hủy và tái chế nhựa.

Ông Huỳnh Ngọc Thạch, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần tái chế nhựa Duy Tân, cho rằng những cơ sở thu gom và tái chế theo công nghệ truyền thống vẫn còn tồn tại khá nhiều. Họ cạnh tranh sản lượng đầu nhưng chất lượng tái chế ra, việc xử lý môi trường trong quá trình tái chế lại không tuân thủ quy định, ảnh hưởng tới môi trường.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao su - nhựa TPHCM, nêu ý kiến càng tái chế chất lượng cao thì chi phí càng cao, do đó các doanh nghiệp tái chế, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường đang chịu cảnh chi phí sản xuất cao hơn các doanh nghiệp khác rất nhiều.

Nếu không sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc thì TPHCM và nhiều thành phố lớn khác sẽ tiếp tục đối diện với hậu quả lâu dài vì rác thải nhựa.

Được biết, rác thải nhựa chiếm hơn 23% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại TPHCM. Trong khoảng 9.000 tấn rác phát sinh hằng ngày thì có 1.800 tấn rác thải nhựa, tuy vậy chỉ có 200 tấn được thu hồi, tái chế.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày