Sau hơn 3 năm review không gian sống của người có tiền, Hoàng Đức Nhà TO đã “dắt túi” gần 100 ngôi nhà giới thượng trong và ngoài nước. Có ngôi nhà khổng lồ như lâu đài vì chỉ đi bộ xung quanh cũng thấy mệt, có căn penthouse 600m2 được làm ra để dành riêng cho những dịp tiếp đãi bạn bè,... Nghe qua cũng đủ hiểu không phải vị khách nào cũng được đến thăm chứ đừng nói quay clip review, đăng lên các nền tảng MXH.
Tại sao Hoàng Đức lại có những cơ hội đặc biệt như vậy? Nam YouTuber đã quan sát và học hỏi được gì xoay quanh câu chuyện nhà cửa của giới thượng lưu? Trong dịp lễ Tết cuối năm, họ sẽ trang hoàng nhà cửa hoành tráng cỡ nào?
Cùng trò chuyện với Hoàng Đức về chủ đề này!
Hoàng Đức
Tên đầy đủ là Hoàng Việt Đức
Đang sống ở Hà Nội
Chủ kênh YouTube Nhà TO - 553 nghìn người đăng ký
Giám đốc truyền thông Vietyacht - Du Thuyền Việt
Hoàng Đức
Người giàu thường kín tiếng, đặc biệt là về chỗ ở. Hồi mới làm nghề, làm sao anh Đức thuyết phục được gia chủ cho quay clip review?
Ở hiện tại, khi đã được nhiều người biết đến thì đôi khi mình lại gặp nhiều khó khăn hơn. Vì người ta sợ bây giờ lên Nhà TO là nổi tiếng quá nên dè dặt hơn. *cười*
Quay lại câu hỏi, mình đặt vấn đề review nhà của những người như vậy được vì bản chất của mình là người làm kinh doanh. Mình áp dụng những nguyên lý thuyết phục khách hàng trong kinh doanh để thuyết phục gia chủ. Để một người đồng ý cho mình làm gì đó thì phải đặt lợi ích của họ lên trên. Mình làm sao để người ta hiểu được là họ có lợi khi đồng ý. Với mỗi trường hợp, mình luôn quan sát và cố gắng tìm hiểu xem lợi ích của họ là gì khi cho mình quay ngôi nhà rồi dùng điều đó để thuyết phục họ.
Một ví dụ cụ thể về lợi ích mà chủ nhà có thể có là…
Với ngôi nhà bình thường và chủ nhà là người bình thường, lợi ích dễ nhất là tài chính. Nhưng với ngôi nhà đã quá lớn thì mình phải trả bao nhiêu mới đủ để được vào quay nhà họ đây? Câu hỏi này rất khó nên mình không thể đặt lợi ích về kinh tế để đưa lên đàm phán với người ta được mà phải là cái khác. Và mình chọn “đánh” vào yếu tố liên quan đến tinh thần và tình cảm.
Nếu bản thân không phải là người có thể tạo ảnh hưởng tới gia chủ thì mình tìm kiếm những người có thể tiếp cận trực tiếp với chủ nhà. Mình cần biết anh/chị chủ đó đang làm công việc thế nào, có mối quan hệ ra sao, có ai trong mối quan hệ đó mà mình quen không, có thể nhờ người quen đó tạo ảnh hưởng tới chủ nhà không,...
Một nguyên tắc cực kỳ quan trọng nữa để thuyết phục là mình cố gắng giữ kín danh tính của gia chủ cũng như địa chỉ chính xác của ngôi nhà.
Hoàng Đức trong lần đến thăm nhà doanh nhân Minh Nhựa
Ngược lại, nhiều người giàu thoải mái chia sẻ về căn nhà của mình lên MXH. Có phải giới thượng lưu cũng không thực sự bí ẩn như mọi người nghĩ?
Chính xác.
Như đã chia sẻ, khi bắt đầu làm việc, mình thường tìm hiểu xem mỗi gia chủ muốn gì. Có người không có nhu cầu đưa ngôi nhà lên mạng xã hội nên mình tìm cách khác để tiếp cận. Có người đã dành cả cuộc đời để lao động, kiếm tiền và dồn hết tâm huyết cũng như số tiền xương máu để làm nên ngôi nhà nên rất muốn được giới thiệu. Điều này giống như khi chúng ta có những đứa con học giỏi, đạt thành tích cao thì muốn chia sẻ để hàng xóm và người thân nội ngoại cùng chia vui.
Trong tiềm thức của người Việt Nam suy cho cùng, mỗi ngôi nhà là một sự tự hào của gia chủ. Chỉ là người này muốn chia sẻ niềm tự hào rộng rãi còn người kia muốn tận hưởng vinh quang một mình hoặc chỉ với người thân.
Người ta nói ngôi nhà thể hiện nhiều về gia chủ. Khi bước vào nhà của những người có tiền, anh có nhận thấy điều đó không?
Có ngôi nhà khi bước vào thì ngay lập tức đập vào mắt mình là sự hào nhoáng, choáng ngợp. Đó là ngôi nhà phù hợp với gia chủ muốn thể hiện cái tôi, sự tự hào một cách rõ ràng. Có ngôi nhà thì mình phải trải nghiệm, tìm hiểu bên trong mới hiểu vì sao gia chủ lại dùng món đồ này, lại đặt món đồ ở chỗ kia. Đó là những người lựa chọn cách thể hiện tinh tế hơn, không quá phô trương.
Theo quan sát cá nhân, ở Việt Nam có khoảng 70% gia chủ muốn thể hiện sự tự hào của mình và khoảng 30% kín đáo hơn. Nhóm thứ 2 cũng thường là người có những bộ sưu tập riêng trong không gian mà khách khứa bình thường không thể nhìn thấy được.
Tới căn nhà đẹp và gặp gia chủ là người có tiếng tăm và giàu có, anh thường nói gì đầu tiên để có được thiện cảm của họ mà không đơn thuần là “Nhà này đẹp thế”?
Nhiều lúc bản thân mình cũng không biết chính xác phải làm thế nào hay nói gì. Nó giống như cảm nhận và sự tinh tế riêng của từng người. Có lẽ mình được trau dồi điều này bởi quá trình kinh doanh, được tiếp xúc và thuyết phục nhiều khách hàng thượng lưu nên nhạy bén với việc nắm bắt cảm xúc của gia chủ.
Khi đến một ngôi nhà, mình không bao giờ lên kịch bản nhưng để nắm tình hình và biết sẽ nói gì thì mình đi 1 vòng quanh nhà khoảng 2 - 3 phút. Trong lúc này mình cố tư duy xem chủ nhà yêu thích cái gì, gu thế nào để dựa vào đó tiếp cận, khơi gợi đam mê của họ. Đương nhiên để làm được điều đó, bản thân mình phải tìm hiểu kiến thức trong rất nhiều thú chơi mà người ta có thể quan tâm như ô tô, túi xách, đồng hồ, thời trang,... Có nghĩa là mình cố gắng để khi gặp bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể trao đổi, tâm sự với chủ nhà như những người bạn.
Nếu gia chủ mời dùng bữa thì anh sẽ trả lời thế nào?
Chân thành là thứ dễ cảm nhận nhất. Chủ nhà mời ăn cơm là một cơ hội tốt nên rất ít khi mình từ chối. Đấy là khoảng thời gian mình được trò chuyện và học hỏi nhiều thứ hơn từ chủ nhà, thậm chí là cơ hội để có thể tạo nên sự kết hợp với họ trong cuộc sống hay kinh doanh. Mà mình thì không bao giờ bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào dù nhỏ nhất nên sẽ không ngại về vấn đề đấy. Chỉ khi hôm đấy thực sự có việc thì mình mới từ chối nhưng đa phần mình để trống lịch sau mỗi buổi quay.
Bản thân anh có nguyên tắc nào khi đi review nhà không?
Mình không bao giờ chê bất cứ điểm gì trong ngôi nhà, kể cả khi điểm đó chưa đúng với quan điểm của bản thân.
Chê hay tìm điểm sai không khó, nhất là khi mình đi nhiều và có nhiều trải nghiệm. Tuy nhiên mình luôn cố gắng tìm hiểu những cái hay trong ngôi nhà và đặt mình vào vị trí chủ nhà để hiểu được tại sao họ lại làm vậy. Quan điểm về thẩm mỹ và cái đẹp của mỗi người có thể thay đổi theo thời gian, tùy theo những trải nghiệm mà người ta có, biết đâu sau này mình lại thấy đẹp thì sao? Hơn nữa ngôi nhà là đứa con tinh thần đáng tự hào của người ta, mình không muốn để từ ngữ hay suy nghĩ cá nhân làm tổn thương cảm xúc của gia chủ.
Người ta thường không thích đề cập hay không muốn quay cái gì trong nhà nhất?
Phòng ngủ. Vì đây thường là không gian chứa đựng nhiều bí mật nhất, riêng tư nhất.
Và khu vực nào thể hiện rõ nhất tính cách của chủ nhà?
Chủ yếu là phòng khách. Với một số căn nhà sẽ là phòng tiện ích như phòng đọc sách, phòng đánh golf, phòng xem phim,... Tuy nhiên khi bước vào phòng khách, nhìn từng món đồ trang trí trong đó thì mình cũng phần nào hiểu được gu của chủ nhà.
Có nhiều món đồ tưởng vô thưởng vô phạt nhưng lại ngốn nhiều tiền và chỉ người có thú chơi đó mới am hiểu. Làm sao để anh nhìn ra và gợi ý cho gia chủ chia sẻ?
Do cách tiếp cận. Mình luôn tiếp cận dưới góc độ là thực sự muốn học hỏi, muốn được nghe kể về những món đồ đó. Mình cứ chia sẻ với người ta một cách rất chân thành và tự nhiên: “Anh ơi, em nghe nói về món đồ/thú chơi này rất nhiều rồi nhưng quả thực em không hiểu nó thế nào. Anh có thể giải thích hay chia sẻ thêm một chút kinh nghiệm cho em được không?”. Khi chạm đúng sở thích thì họ sẽ rất muốn chia sẻ, đặc biệt là những thú chơi ít người biết đến hoặc chưa hiểu rõ.
Nhìn chung, do cách đặt câu hỏi, đón nhận thông tin và thể hiện thái độ cầu thị hay không. Nếu chỉ nhìn và nghe thông tin vu vơ đâu đó mà ngay lập tức bài trừ thì chắc chắn là người ta không muốn chia sẻ nữa.
Biệt thự, bể bơi, penthouse, cổng to đồ sộ… là hình dung quen thuộc về nhà của giới nhà giàu. Còn hiện tại, biểu tượng thực sự của một ngôi nhà thượng lưu là gì?
Ngày trước mình cũng nghĩ rằng người giàu có sẽ gắn liền với những món đồ xa xỉ, đi siêu xe hay ở ngôi nhà hoành tráng. Nhưng khi gặp nhiều người thì mình nhận ra càng trải qua nhiều năm giàu có thì người ta càng cố gắng đơn giản hoá cuộc sống. Họ không còn quan tâm đến xe sang hay nhà cửa lấp lánh, xa hoa nữa mà muốn tất cả mọi thứ trong cuộc sống tối giản. Đôi khi ngôi nhà chỉ cần đầy đủ về công năng, tiện ích cơ bản và có đủ chỗ để trưng bày những món đồ yêu thích hay bộ sưu tập của họ là được. Vậy nên rất khó để đánh giá một người giàu có hay thành công qua vẻ bề ngoài, qua một căn nhà thật đồ sộ.
Hiện tại là dịp cuối năm, nhiều gia đình sẽ tập trung decor lễ Tết. Màn đầu tư khiến anh choáng váng nhất thế nào? Người ta thường đầu tư vào khoản nào nhiều nhất?
Ở Việt Nam, mình đã đến nhiều ngôi nhà to đến mức gọi là lâu đài. Khi ở trong một không gian lớn như vậy, chủ nhà có thể sắm rất nhiều cây thông, cây mai, cây quất,... khổng lồ trong mỗi dịp lễ Tết. Đôi khi là mang 5 cây, 10 cây to lớn về trưng bày ở sân nhà.
Theo mình, việc trang trí nhà cửa của người giàu chỉ là khoản rất nhỏ và người ta không quá quan tâm hay nghĩ nhiều đến vấn đề đấy. Chẳng qua là người ta muốn để nhà cửa có không khí lễ Tết nên sẽ giao công việc trang trí cho ekip hoặc đơn vị chuyên nghiệp chứ rất ít khi tự làm. Họ cũng không có quá nhiều thời gian để đi chọn từng cái cây hay trang trí từng món đồ, trừ những người thực sự yêu quý cách sắp xếp không gian sống.
Tuy nhiên trong những ngày như vậy, họ luôn muốn tổ chức tiệc tùng để có thể tiếp đón bạn bè hay gần gũi với gia đình nhiều hơn. Tức là người ta ưu tiên đầu tư vào mặt trải nghiệm, dành thời gian để có kỷ niệm cùng nhau còn đồ trang trí về cơ bản nó chỉ là một hình thức nào đó để giúp người ta cảm thấy có không khí của lễ hội.
Nhưng ở một góc độ nào đó, chuyện trang trí lễ Tết có phần nào thể hiện đẳng cấp của chủ nhà?
Có nhiều người nghĩ vậy. Khi bước vào ngôi nhà mà thấy một cây đào, cây mai rất lớn, hình dáng rất đẹp thì ngay lập tức trong đầu chúng ta sẽ nghĩ “Cái cây này đắt tiền đấy!”. Dùng tiền bạc, tài chính để thể hiện đẳng cấp là cách dễ dàng nhất. Nhưng mình nghĩ với ngôi nhà hay không gian đẹp rồi thì họ không cần phải quá dựa vào những món đồ trang trí để thể hiện đẳng cấp nữa.
“Đầu tư decor nhà cửa lễ Tết bao nhiêu tiền như vậy rồi được vài tuần lại bỏ là lãng phí” - Anh nghĩ sao về quan điểm này?
Lãng phí hay không còn phụ thuộc nhiều vào mức sống, thu nhập của từng người. Nếu chúng ta có thu nhập 10 triệu/tháng mà đầu tư 3 - 4 triệu để mua 1 món đồ trang trí trong ngày lễ rồi 5 - 10 ngày sau bỏ đi là lãng phí. Nhưng nếu thu nhập của bạn là 100 - 200 triệu/tháng, thậm chí là hàng tỷ đồng thì 3 - 4 triệu không phải là con số khiến bạn cảm thấy đáng phải suy nghĩ nhiều lắm, đôi khi chỉ như tiền ăn sáng. Mà nếu vậy thì mình không còn thấy phí phạm nữa vì không phải là người ta dốc hết toàn bộ tài chính hay kinh tế để sắm sửa, trang hoàng nhà cửa dịp lễ Tết. Họ chỉ đơn giản là dùng đồ trang trí để mang lại niềm vui, những trải nghiệm mới.
Cảm ơn anh Đức vì những chia sẻ!