"Tôi dự định cầm sổ đỏ đất quê để mua nhà thành phố"

Dy Khoa, Theo Nhịp sống kinh tế 08:34 23/06/2022
Chia sẻ

Không muốn bán đất quê nhưng vẫn thích có nhà thành phố, nhiều người trẻ buộc phải tiết kiệm chi tiêu và sẵn sàng trả lãi vay ngân hàng gần hết thu nhập, bỏ qua rủi ro tài chính.

Mục tiêu sống của nhiều người xa quê sau nhiều năm mưu sinh tại TP HCM là mua được nhà ở thành phố và được trở thành một người dân đúng nghĩa của thành phố mang tên Bác. Họ phấn đấu 15-20 năm làm việc, thậm chí là 30 năm để thỏa mãn được mục tiêu này. Những người có mục tiêu rõ ràng như vậy thường có xu hướng chi tiêu rất rạch ròi, khoản nào tiêu dùng thường ngày, khoản nào dùng cho tiết kiệm và mua nhà.

Hy, chàng trai 26 tuổi đang làm truyền thông - marketing cho một trường học quốc tế, cũng có quyết tâm như vậy. Quê ở Tây Nguyên, Hy sẵn sàng làm tất cả mọi việc, dù trái hay thuận nghề miễn không vi phạm pháp luật để có thể đạt được mục đích mua được căn nhà ở TP HCM như nguyện vọng. Hy là một người rất quan trọng về chuyện ở, chuyện nhà. Cậu quan niệm nhà là nơi để về sau ngày làm việc vật vã nên nó cần được đầu tư mạnh nhất, khác với nhiều người khi nghĩ nhà là nơi để ở không hơn không kém.

Tôi dự định cầm sổ đỏ đất quê để mua nhà thành phố  - Ảnh 1.

Giá đất quê gần đây tăng giá khá mạnh do xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi thành phố. Nhiều người đã chọn bán đất quê mua nhà đô thị. Ảnh minh họa: Dy Khoa.

Nam thanh niên chưa đến 30 nhưng đã có gần 10 năm kinh nghiệm bôn ba kiếm tiền tại đất khách giờ đã để dành được 1 tỷ đồng, mốc mà cậu đã từng quyết tâm nếu có đủ sẽ "nghĩ ngay tới chuyện mua nhà ". Hy tìm kiếm một căn hộ chung cư Nhà Bè hoặc Bình Chánh để có thêm nhiều lựa chọn bởi giá nhà ở các quận của TP HCM khiến những người như Hy ngày càng khó khăn hơn trong việc sở hữu nhà riêng. Căn hộ Hy dự định mua trong dự án đang triển khai có giá khoảng hai tỷ đồng, như vậy về tài chính, phần còn cần phải sắp xếp lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Vay bằng sổ đất quê 500 triệu đồng

Trong trường hợp của Hy nhiều người sẽ chọn vay tín chấp ngân hàng theo bảng sao kê lương hằng tháng và hợp đồng lao động. Bản thân của tôi cũng khuyên Hy như vậy vì thu nhập mỗi tháng công ty của cậu ấy khoảng hơn 20 triệu đồng là đủ điều kiện cho vay. Số tiền vay trên giá trị tài sản vay cũng không quá nhiều. Thậm chí, có thể vay theo hình thức thế chấp tài sản tương lai (là căn hộ chưa xây xong). Hình thức và gói vay rất tiện lợi.

Tuy nhiên, Hy chọn theo cách khác. Cậu dự kiến nhờ mẹ khoản tiền còn lại bằng cách vay ngân hàng trên tài sản đảm bảo là cuốn sổ đỏ miếng đất quê. Mảnh đất quê này đang được các cò gạ giá hơn gần 3 tỷ đồng do có thông tin khu vực này sẽ thành phố thương mại. Cậu và gia đình không muốn bán mảnh đất này. "Em muốn sau này có chán thành phố thì còn về quê chứ anh. Bán rồi thì chỉ biết ru rú ở thành phố", cậu nói với giọng tếu táo.

Tôi dự định cầm sổ đỏ đất quê để mua nhà thành phố  - Ảnh 2.

Nếu tính toán sai có thể dẫn đến mất an toàn tài chính, mất luôn cả chì lẫn chài, khi đụng đến đất quê. Ảnh minh họa: Dy Khoa.

Miếng đất quê ấy được ngân hàng đồng ý cho vay 500 triệu đồng, trong 3 năm, lãi suất ưu đãi 10%/năm. Tính ra mỗi năm Hy sẽ thanh toán gần 183 triệu đồng, số tiền được đóng theo quý là 45,75 triệu đồng, mỗi tháng hơn 15 triệu đồng. Theo Hy đây là mức tiền hoàn toàn nằm trong khả năng.

Tuy nhiên, đây là bài toán cần phải được tính toán kỹ lưỡng bởi không khéo sẽ mất luôn cả chì lẫn chài. Đặt trường hợp lương mỗi tháng và các khoản thu nhập ngoài lương của Hy cao gấp 2-3 số tiền phải đóng cho ngân hàng thì có thể chọn phương án này. Tuy nhiên, nếu lương và thu nhập chỉ trên dưới 20 triệu đồng thì rất gay go bởi chi tiêu tại TP HCM đang bước vào cơn sóng tăng giá. Đóng 15 triệu đồng thì cậu chỉ còn xấp xỉ 5 triệu đồng, số tiền này gần như rất khó đến không thể sống được ở đô thị lớn nhất nước.

Ngoài ra, vấn đề an toàn tài chính đã bị Hy đã bỏ qua. Hy dành tất cả tài sản tiền mặt để mua nhà và mẹ Hy cũng vậy, không hề tính tới những trưởng hợp khẩn cấp có thể xảy ra. Nếu dự án có thanh khoản tốt, sang tay ngay khi cần được thì quá mừng. Nhưng trường hợp xấu nhất là gia đình rơi vào mất an toàn tài chính, có thể không trả được nợ ngân hàng, mất cả chì lẫn chài.

Với Hy, tôi nghĩ cậu nên hạ tiêu chuẩn căn hộ xuống còn khoảng 1,5 tỷ, xin mẹ 300 triệu đồng, vay 200 triệu và gia đình còn lại 200 triệu đồng dự phòng rủi ro. Trong thời gian ở, giá nhà sẽ lên theo nên nếu thấy có lợi thì bán, chuyển sang căn hộ lớn hơn.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

https://soha.vn/toi-du-dinh-cam-so-do-dat-que-de-mua-nha-thanh-pho-20220621224317635.htm
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày