Mỗi lần tung một chiến dịch quảng cáo mới cho thương hiệu, Biti's đều gây "bão".
Chúng ta đã chứng kiến một cơn bão cuốn tung lớp bụi thời gian cũ kĩ phủ lên thương hiệu Biti's hàng chục năm chỉ sau tích tắc Sơn Tùng M-TP hất tà áo khoe trọn đôi Hunter kiểu mới trong MV "Lạc trôi".
Một cơn bão hừng hực sức trẻ, đam mê, hoài bão trong "Đi để trở về" của Soobin Hoàng Sơn. Chiến dịch thành công rực rỡ khi gửi đến người trẻ thông điệp ý nghĩa, củng cố lần nữa tầm quan trọng của những giá trị nền tảng trong cuộc đời mỗi chúng ta.
Song, cơn bão mà Biti's tạo ra mới đây với "Chuyến đi của thanh xuân" khác hẳn. Ngay khi xuất hiện, nó khiến người xem nhíu mày bởi có quá nhiều chi tiết sống sượng, đi trái nguyên tắc sống của tuổi trẻ trong một phim ngắn kéo dài hơn 14 phút. Câu chuyện thanh xuân vốn dĩ đã cũ được mang ra khai thác lại nhưng vẫn tạo cho người xem cảm giác làm chưa tới.
Gây phẫn nộ nhất chính là chi tiết các nhân vật chính của phim chọn cách "check-in" Đà Lạt bằng đế giày quệt sơn màu nhoe nhoét. Hành động bôi bẩn Đà Lạt bị lên án kịch liệt.
Những hình ảnh bôi bẩn Đà Lạt bị lên án gay gắt.
Chính cách check-in phản cảm này đã trở thành giọt nước tràn ly đẩy cao cơn thịnh nộ trong lòng người xem khi thời gian qua đã có quá nhiều câu chuyện liên quan đến ý thức kém của khách du lịch làm xấu hình ảnh thành phố du lịch. Bạn hẳn vẫn chưa quên câu chuyện bức tường vàng thần thánh "Cối xay gió" bị vẽ bậy hay hình ảnh rác ngập ngụa cả một quả đồi sau "chuyến đi thanh xuân" của ai đó?
Rất nhiều ý kiến đánh giá, góp ý, phê bình từ nhẹ đến nặng dành cho phim ngắn này. Nhìn chung, mọi người đều đồng quan điểm rằng "Chuyến đi của thanh xuân" với kịch bản lỏng lẻo và sai sót khó chấp nhận là một "nước cờ sai" đang kéo hạ uy tín của thương hiệu này.
"Idea thiệt tệ! Giá như thay mấy vệt sơn phá hoại, ích kỷ kia là vết giày hằn trên bùn đất, vết giày không ngại khó khăn, trở ngại khi sống hết mình xông pha giúp đỡ người khác của mấy bạn trẻ ngày thường cái chổi không dám đụng thì hay rồi", Moon Nguyễn góp ý.
"Biti's, các bạn làm thông điệp thanh xuân cái gì vậy? Lẽ nào, thanh xuân là rủ bạn bè thân đi chơi với ý nghĩa thật đẹp nhưng mục đích thật sự chỉ là ích kỉ cá nhân? Thanh xuân là có lỗi mười mươi, chẳng thèm nghĩ cách xin lỗi, chạy ra hồ đăng status sống ảo thật deep như mấy mẹ hot girl bán mỹ phẩm câu like? Hay thanh xuân là khi lũ bạn bao dung tha thứ trước cũng chẳng biết đường mở miệng xin lỗi hay cảm ơn được lấy một câu?
Trên tất cả mọi thứ, thanh xuân là thay cho việc chỉ để lại những dấu chân bụi đường, các bạn đi khắp Đà Lạt, uh, Đà Lạt, Đà Lạt của mình, để lại những dấu chân bằng sơn thật đủ màu, để check-in, để chụp hình sống ảo hay sao?
[...]
Thông điệp của các bạn là gì vậy? Sẽ có bao nhiêu bạn trẻ thích thể hiện dấu ấn và có ý thức chịu đi xoá ngay những dấu ấn đấy? Sẽ có bao nhiêu bạn trẻ chỉ làm vế phá hoại đầu tiên? Hay sẽ như việc tiệm bánh mì Cối Xay Gió đã năm lần bảy lượt phải đi sơn lại bức tường vàng nổi tiếng của mình vì những "dấu ấn thanh xuân" như vậy?", trích quan điểm hút 2k like của Huỳnh Khánh Nguyên Vũ.
Phân đoạn Miên lợi dụng hội bạn để được gặp thần tượng.
Dù sống ích kỷ và sai rành rành ra song Miên không có bất cứ một lời xin lỗi nào, cô nàng còn được các bạn "auto" tha lỗi vì lý do: sắp đi du học.
Phùng Minh Kha nhận ra chi tiết phi lý: "Biti's hài hước quá. In sơn lên thân cây rồi lấy khăn lau, có mà lau 7 ngày chưa hết".
Huy Anh: "Vệt sơn trên cây theo năm tháng có thể mờ. Nhưng cái cách mà các bạn đối đãi với thiên nhiên như vậy sẽ là vết thương không bao giờ lành với người yêu Đà Lạt nói chung. Làm gì thì làm, đừng vì một chiến dịch ngắn hạn, vì lợi nhuận mà bất chấp tác động môi sinh, cũng có thể giết chết cả một thương hiệu".
Đăng Nhật: "Bạn có biết vấn đề vẽ bậy vô ý thức đang là vấn đề đau đầu của địa phương chúng tôi đặc biệt là những công trình mang tính lịch sử, bôi bẩn rồi xoá, sai rồi xin lỗi. Sao có thể đơn giản như vậy?".
Trước sức ép của dư luận, Biti's hôm 2/8 đã phát đi thông cáo xin lỗi khán giả. Trong thông cáo này Biti's đã nhận sai và cho biết thương hiệu hoàn toàn không có ý định cổ xuý các bạn trẻ có những hành vi vô ý thức làm tổn hại đến môi trường sống, tổn hại đến thiên nhiên.
Biti's lý giải rằng cho tiết các nhân vật quệt sơn vào giày rồi mang chúng đi giẫm khắp nơi xuất phát từ một khảo sát cho rằng người trẻ muốn ghi lại dấu ấn của quãng đời tươi đẹp nhất qua những hình ảnh cùng bạn bè một cách đặc biệt nhất, khó quên nhất. Khảo sát không hề sai chỉ tiếc rằng định nghĩa "cách đặc biệt" của Biti's đã sai.
"Biti’s Hunter để chi tiết các nhân vật cùng nhau dọn dẹp, lau chùi những vết giày mình đã để lại như là một lời nhắc về ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường trong suốt chuyến đi và cũng là ngụ ý sâu xa hơn rằng khi nhận thức được những bồng bột không tốt thì người trẻ sẽ quyết tâm làm sạch nó", đại diện Biti's nói thêm về cảnh after credit của phim ngắn.
Phân cảnh các bạn dọn dẹp chỗ mình làm bẩn bằng khăn dù vết bẩn là sơn?
Làm sao có thể lau chúng sạch đây?
Đồng thời, Biti's đưa ra 3 cam kết như sau:
1. Sẽ thực hiện và quảng bá một đoạn clip ngắn ghi rõ chi tiết các bạn trẻ dọn dẹp, lau chùi những vết giày trong phim, để làm rõ thông điệp từ thương hiệu và nhắc nhở các bạn trẻ du lịch cần đi kèm ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường.
2. Sẽ ngưng các hoạt động quảng bá phim ngắn này trên tất cả phương tiện truyền thông.
3. Quan trọng nhất là sẽ tiến hành dự án thiết thực cùng chung tay bảo vệ cho môi trường và cảnh quan tại Đà Lạt cũng như các địa phương khác, phối hợp cùng các đối tác tổ chức, cá nhân để gìn giữ cảnh quan và môi trường, và nâng cao ý thức du lịch của cộng đồng.
Biti's Hunter hứa sẽ đầu tư ngân sách tối thiểu 300 triệu cho 2018 và duy trì mức ngân sách này hàng năm cho các hoạt động ý nghĩa nhằm bảo vệ môi trường.
Tình tiết các bạn trẻ mang khăn, nước đi xoá vết giày được thêm vào phần "after credit" của bộ phim tưởng sẽ xoa dịu được người xem, giảm nhẹ tính chất phá hoại ai ngờ lại gây ra phản ứng ngược. Lời giãi bày của Biti's sau tất cả chẳng khác nào hành động đem "muối bỏ bể".
"Một lời thành sấm, lúc xem đến đoạn in dấu sơn đã nghĩ trong đầu bọn phá hoại. Hôm sau xem đến đoạn tự đi xóa sơn xong được bác bảo vệ khen, cảm giác lúc ấy nhảm nhí vô cùng. Đã phá còn được khen, ý thức là đừng có làm ra cơ. Hiệu ứng của nội dung phía trước quá lớn gây phản cảm, lại thêm câu khen của bác bảo vệ càng gây phản cảm", Đỗ Mai Hương bức xúc.
Lê Mỹ Duyên cũng có góc nhìn tương đồng: "Tôi không đồng tình việc các bạn đưa ra lý giải rằng Biti's đã thể hiện việc ý thức và trách nhiệm ở đoạn cuối. Chi tiết cuối không hề có khoảnh khắc nào cho thấy các bạn trẻ NHẬN RA và TỰ sửa chữa việc mình làm sai đầu clip, kèm theo lại có hình ảnh bảo vệ nhắc nhở và giám sát các bạn làm.
Điều quan trọng là cần thể hiện "TỰ NHẬN THỨC" trong từng người trẻ chứ không phải cách giải quyết ở đây là "RĂN ĐE". Liệu người xem đã đủ nhận ra "bồng bột không tốt" trong clip này hay chưa? Vì rõ ràng trọng tâm của clip không phải thông điệp này.
Bảo vệ cảnh quan môi trường phải bắt nguồn từ ý thức chứ không phải làm sai rồi làm lại, sửa sai bằng cách cố gắng xoá đi những vết bẩn mình đã bôi lên.
Và ý thức đó lại càng không đến từ những lời răn đe... Chúng ta lớn cả rồi mà!
Các bạn ôm đồm nhiều thông điệp, điều đọng lại của người xem sẽ là: "Hãy cùng những người bạn chí cốt thực hiện những chuyến đi..." và muốn ghi dấu thì "in dấu bằng quệt màu giày" là một cách hay đó. Làm đi rồi sửa sau cũng được và thực tế thì sao? Tôi thích vì các bạn đã lên tiếng xin lỗi, nhưng một khi đã xin lỗi thì xin đừng giải thích vì đã làm mà chẳng ai để ý".
"1 giây ngắn ngủi phía cuối video mà chưa chắc ai cũng xem và chưa chắc xem đã làm theo thì không đủ để biện minh cho hành động đó. Và dù có lau thì việc bôi bẩn cũng đã chẳng hay ho gì. Chưa kể những bề mặt nhám như thân cây thông, sàn đá liệu có lau sạch được hay không?
Cuối phim còn có hình ảnh Dalab đóng cảnh bắt chước và bị bảo vệ đuổi tức là đoàn phim có nghĩ tới giới trẻ sẽ học theo nhưng vẫn làm. HAY Ý CỦA KHÚC ĐÓ LÀ BITIS MUỐN BIẾN VIỆC BÔI BẨN ĐÀ LẠT THÀNH TREND ĐỂ QUẢNG CÁO CHO MÌNH.
Định nghĩa của lòng dũng cảm chính là phi vào những nơi có biển báo cấm?!
Chưa kể trong video còn có đoạn đã có đặt biển CẤM VÀO nhưng các diễn viên trong phim vẫn đi vào và hành động không vào còn được cho là NHÁT GAN. Việc đó khác nào cổ động giới trẻ mặc kệ những quy định luật lệ để làm theo ý mình, để tỏ ra mình "dũng cảm", "cá tính". Ngưng quảng bá cho bộ phim không đủ mà phải gỡ toàn hoàn phim và hình ảnh liên quan trên các phương tiện truyền thông", Lương Thuỳ Trang có góp ý gay gắt khi nghe lời xin lỗi của Biti's.
Tạm kết:
Du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường là một trong những xu hướng sống mà người trẻ văn minh nào cũng hướng đến. Bởi, sau mỗi hành trình như thế, chúng ta không chỉ khám phá cảnh đẹp ở những vùng đất mới mà còn tìm thấy ý nghĩa và giá trị đích thực của cuộc sống.
Giá trị ấy chỉ thêm phần trọn vẹn khi bạn biết trân trọng bầu không khí trong lành mình đang hít thở, một cảnh quan sạch đẹp mình đi qua, những bức tường không vấy bẩn mình đứng chụp ảnh. Không chỉ riêng Đà Lạt mà Tây Bắc, Nha Trang, Vũng Tàu... mà điểm đến nào cũng cần được người trẻ trân trọng khi đặt chân đến.
Thanh xuân chỉ trọn vẹn khi bạn có một ý thức tốt.
Không riêng gì các điểm du lịch, ngay trong thành phố chúng ta đang sống các hoạt động bảo vệ môi trường được phát động ngày một nhiều như đổi sử dụng túi nylon sang dùng quai vải, sử dụng túi vải, đưa ống hút tre, hộp cơm làm từ bã mía.
Trong bối cảnh bạn trẻ tự bảo nhau trân trọng môi trường mình đang sống đến thế, thì hành động trong phân cảnh phim này của Biti’s (giẫm giày vấy bẩn lên cây, tường nhà...) càng khó chấp nhận và khó nhận được sự tha thứ của đám đông ngay lập tức.
Nói rộng ra, đằng sau một chiến dịch quảng cáo ra mắt là câu chuyện của rất nhiều con người, là những cuộc khảo sát triền miên và nghiêm túc, là sức lan toả và tác động rất lớn đối với cộng đồng xã hội. Vậy, nên lỗi sai và cách lý giải lỗi sai của Biti's như hiện tại vẫn là chưa thoả đáng.
Nhiều người chia sẻ họ quyết định sẽ không mua Biti's nữa sau khi xem phim ngắn này, tổn thất tinh thần mà nhãn hàng gây ra cho họ quá lớn, họ thật sự cảm thấy mình trao gửi niềm tin sai chỗ v..v..v. Từ một "thương hiệu quốc dân" được giới trẻ yêu thích và có cái nhìn thiện cảm sau rất nhiều chiến dịch ý nghĩa, một bước đi sai của Biti's đã khiến bao công sức trước đó của mình bị ảnh hưởng ít nhiều.
Sẽ mất khá lâu nữa để chúng ta nhìn thấy những biến đổi tích cực từ lời hứa bảo vệ môi trường của Biti's trong thông cáo báo chí vừa qua và trong quãng thời gian ấy có biết bao thay đổi đã diễn ra trên thị trường.
Hy vọng, mỗi quyết định tiếp theo và cả cách sửa sai của Biti's trong thời gian tới đều sẽ là những lần cân nhắc kỹ lưỡng để khán giả, khách hàng, những người ủng hộ thương hiệu cảm thấy mình được bù đắp sau sự cố lần này.