Tổ chức Sinh vật biển Việt Nam nói về việc đặt bê tông lên rạn san hô trong "Cuộc đua kỳ thú" và những quy tắc mà người lặn phải nhớ

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 12/08/2019
Chia sẻ

Các chuyên gia môi trường đều nhận định, bản chất của san hô là sinh vật cực kỳ nhạy cảm, rất dễ bị chết, cho nên những hành động như trong chương trình "Cuộc đua kỳ thú" là không nên. Theo đó, có một quy tắc mà những người được học bằng lặn luôn luôn phải nhớ: Không được sờ vào bất cứ sinh vật nào dưới nước.

"Đi xuống biển, hãy tôn trọng thiên nhiên và muôn loài dưới đấy"

Cuộc đua kỳ thú chặng thứ 6 tại Phú Yên lên sóng tối 10/8 xảy ra những tranh cãi xoay quanh thử thách lặn biển của các thí sinh. Cụ thể, người chơi phải nhớ thứ tự tấm bê tông đặt dưới biển, sau đó xếp lại các tấm trên bờ và đưa ra đáp án từ đề bài. Điều đáng nói, những tấm bê tông được ê-kíp Cuộc đua kỳ thú đặt lên một rạn san hô sống.

Cách dàn dựng thử thách này ngay sau đó đã gây nên những bức xúc cho người xem, trong đó có Cựu Quán quân 2015 - Trần Ngọc Anh. Chị nêu quan điểm, mỗi năm, san hô chỉ phát triển được vài cm. Nó là một hệ sinh thái dưới nước chuyên cung cấp, chia sẻ chỗ ở, thức ăn cho các loài sinh vật khác, những thảm san hô và tảo biển còn như những cánh rừng dưới biển (dù san hô không phải thực vật). Và cho dù những người làm chương trình không biết đến tầm quan trọng của san hô tới mức nào thì cũng không thể nào làm cái việc gây tổn hại đến san hô như vậy.

"Bạn cần được học rằng đi xuống biển, hãy tôn trọng thiên nhiên và muôn loài dưới ấy. Thực sự họ đang tự huỷ hoại đi những gia tài thiên nhiên mà họ đang có. Trong clip còn có cả hình ảnh người chơi bắt hải sâm, sao biển chơi chơi nghịch nghịch, chương trình liệu có còn chút giá trị gì trong việc truyền bá những thông điệp tốt đẹp và tích cực cho giới trẻ?" - Ngọc Anh nói thêm.

Tổ chức Sinh vật biển Việt Nam nói về việc đặt bê tông lên rạn san hô trong Cuộc đua kỳ thú và những quy tắc mà người lặn phải nhớ - Ảnh 1.

Hình ảnh chương trình Cuộc đua kỳ thú đặt những tấm bê tông lên trên rạn san hô sống. Ảnh: Facebook

Trước làn sóng chỉ trích, ê-kíp Cuộc đua kỳ thú đã gửi lời xin lỗi đến những khán giả yêu mến chương trình và biển Phú Yên. Giải thích lý do cho việc đặt bê tông lên san hô là do tình hình mực nước thay đổi và nước biển bị đục nên ê-kíp đã dời vị trí đề bài từ khu vực cát, đá dưới biển lên khu vực dải san hô.

"Chúng tôi hiểu việc làm đó là sai và xin gửi lời xin lỗi chân thành với khán giả và biển Phú Yên, cũng như xin rút kinh nghiệm sâu sắc để những chuyện như vậy sẽ không được phép xảy ra nữa. Thử thách ban đầu đưa ra, các bạn thí sinh sẽ bơi qua các dải san hô thật đẹp, rồi sẽ đến dải đá và cát để xem đề bài và lên bãi cát thực hiện thử thách. Tuy nhiên, do tình hình thực tế mực nước thay đổi và nước biển bị đục, nên để đảm bảo có thể mang đến những hình ảnh quay phim rõ ràng nhất và để thí sinh quan sát dễ hơn, ê-kíp chương trình đã mắc một lỗi sai khi dời vị trí để đề bài từ khu vực cát và đá dưới biển lên khu vực dải san hô" - trích lời xin lỗi trên Fanpage của Cuộc đua kỳ thú.

Ê-kíp khẳng định luôn nhắc nhở thí sinh hoặc ghi trong mật thư về vấn đề bảo vệ môi trường khi làm việc ở các khu vực rừng, núi, biển... Họ còn làm việc với những nhóm hoặc công ty chuyên ngành để thu dọn rác, bảo vệ môi trường sau mỗi chặng đua.

Tổ chức Sinh vật biển Việt Nam nói về việc đặt bê tông lên rạn san hô trong Cuộc đua kỳ thú và những quy tắc mà người lặn phải nhớ - Ảnh 2.

Chương trình nhận về làn sóng chỉ trích kịch liệt sau thử thách trong tập 6. Ảnh: Facebook

Nguyên tắc: Không được sờ vào bất cứ sinh vật nào dưới nước

Fanpage "Trung tâm cứu hộ sinh vật biển" cho rằng, chương trình Cuộc đua kỳ thú đã đặt khung sắt trực tiếp lên một tảng san hô não. Đây là loài phát triển chậm nhất, nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng như những móng nhà, cột trụ trong quá trình hình thành rạn san hô. Khi có tác động của con người, lớp tảo cộng sinh của san hô não sẽ bị bào và dẫn đến cái chết cục bộ của phần bị tác động. Từ phần tổn thương ấy, tảo sẽ xâm hại và lây lan, có thể giết cả tảng san hô não.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đặng Đỗ Hùng Việt, chuyên gia về sinh học biển đến từ Tổ chức Sinh vật biển Việt Nam (Marine Life Vietnam) cho biết, tình hình rạn san hô trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang bị suy thoái rất nghiêm trọng. Do biến đổi khí hậu kéo theo các hiện tượng nước nóng lên, axit hóa đại dương, bão lụt... Và do các hoạt động đến từ con người như đánh bắt, khai thác quá mức, phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng, chăn nuôi thủy sản, ô nhiễm môi trường..., nên các rạn san hô Việt Nam đang trong tình trạng rất nguy kịch.

"Các rạn ở phía Bắc hầu hết là bị chết, ví dụ như khu vực Hạ Long, Cát Bà trước kia thì rất nhiều nhưng do ảnh hưởng của con người nên giờ còn rất ít. Các rạn san hô ở miền Trung thì nhiều hơn, như ở Nha Trang, Ninh Thuận, nhưng những rạn gần bờ này lại đang bị khai thác du lịch mạnh, ngay cả ở Phú Quốc.

Sự phát triển nhanh, nóng của các loại hình du lịch dưới nước kèm theo nhiều hệ lụy. Nhiều cơ sở du lịch không tuân thủ theo quy định, bất chấp lợi nhuận. Hay việc không có hướng dẫn viên chuyên nghiệp, cũng như trang thiết bị đảm bảo,... đã gây hại rất nhiều đến rạn san hô. Khách có thể giẫm, đạp, thậm chí lấy san hô về mà không bị nhắc nhở" - vị này thông tin.

Tổ chức Sinh vật biển Việt Nam - Marine Life Vietnam nhấn mạnh, bản chất của san hô là sinh vật cực kỳ nhạy cảm, rất dễ bị chết, cho nên hành động đặt bê tông phía trên rạn san hô như trong chương trình Cuộc đua kỳ thú là không nên. Đây là một sơ suất rất không đáng có, không chỉ làm tổn hại đến rạn san hô mà còn ảnh hưởng xấu tới truyền thông.

"Người chơi nghiệp dư, không có bằng lặn, trang thiết bị không đầy đủ, xuống nước quẫy đạp lung tung sẽ làm gãy san hô và xáo trộn đời sống các sinh vật biển. Quan trọng hơn là gây nên dư luận không tốt, khi mà giới trẻ theo dõi sẽ học theo".

Trước một số quan điểm cho rằng "Dư luận đang làm quá mọi chuyện, vì chỉ cầm nắm một chút không thể gây tổn hại quá nhiều đến san hô". Hoặc "Ai lặn biển chẳng sờ nắn san hô, thậm chí là đứng lên cũng được", Tổ chức Sinh vật biển Việt Nam - Marine Life Vietnam khẳng định, có một quy tắc mà những người được học bằng lặn luôn luôn phải nhớ: Không được sờ vào bất cứ sinh vật nào dưới nước.

Tổ chức Sinh vật biển Việt Nam nói về việc đặt bê tông lên rạn san hô trong Cuộc đua kỳ thú và những quy tắc mà người lặn phải nhớ - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

"Thứ nhất, nếu cầm nắm hay sờ vào các loài sinh vật biển, là gây hại cho chính mình, vì có nhiều sinh vật có độc tố, chỉ cần chạm vào nhẹ là bỏng (sứa, san hô lửa..), nặng là chết người (bạch tuộc đốm xanh).

Thứ hai, hành động này sẽ gây hại tới các loài sinh vật. San hô có loài cứng, loài mềm nhưng chúng rất nhạy cảm, sờ vào hoặc đứng lên khiến chúng sẽ bị tổn hại, dẫn đến "xì trét", tiết ra các chất nhầy, vết thương này có thể gây chết. Ngoài ra, nếu bị gãy, san hô cũng không thể tái tạo được. Các sinh vật biển khác như hải sâm chứa hầu hết là nước, khi cầm lên thì chúng sẽ phọt hết nước, bục ruột và dễ chết.

Mặc dù là hành động rất nhỏ, nhưng mà nhiều người làm, người này chuyền tay người kia, đùa giỡn thì đến những con vật lớn như cá heo, hải cẩu cũng sẽ bị chết. Quan điểm nêu trên là hoàn toàn sai và cần phải thay đổi".

Đồng thời, Tổ chức Sinh vật biển Việt Nam - Marine Life Vietnam đăng tải bản "Hướng dẫn cho người đi lặn biển". Nguyên tắc là không động chạm, trêu chọc, làm xáo trộn đời sống của các loài sinh vật biển. Để làm được điều này thì phải có kỹ năng lặn, như giữ thăng bằng, giữ khoảng cách, trang thiết bị đầy đủ, an toàn, không thả neo ở rạn. Hướng dẫn viên của các dịch vụ lặn đóng vai trò rất quan trọng, phải được đào tạo bài bản để hướng dẫn khách theo đúng chuẩn, vừa an toàn tính mạng, lại không ảnh hưởng đến sinh vật biển.

Tổ chức Sinh vật biển Việt Nam nói về việc đặt bê tông lên rạn san hô trong Cuộc đua kỳ thú và những quy tắc mà người lặn phải nhớ - Ảnh 4.

Nguồn: Tổ chức Sinh vật biển Việt Nam - Marine Life Vietnam.

HƯỚNG DẪN CHO NGƯỜI ĐI LẶN BIỂN

7 điều người đi lặn cần làm

1. Tôn trọng đời sống sinh vật biển, chụp ảnh không gây xáo trộn môi trường.

2. Thực hành kiểm soát độ nổi và kỹ năng chụp ảnh.

3. Chỉ được chạm vào đá hoặc san hô chết nếu thực sự cần thiết.

4. Tránh khuấy động trầm tích bằng cách giữ khoảng cách.

5. Đảm bảo tất cả các thiết bị được gọn gàng và không kéo qua các rạn san hô.

6. Hỗ trợ bảo tồn.

7. Thực hành kỹ thuật đạp chân vịt nâng cao.

7 điều người đi lặn không được làm

1. Không vứt rác.

2. Không đeo găng tay.

3. Không đuổi theo, chạm, trêu chọc, bắn hoặc bắt các sinh vật biển.

4. Không đặt máy ảnh trên rạn hoặc di chuyển các sinh vật biển để chụp ảnh đẹp hơn.

5. Không cho cá ăn.

6. Không được lấy các sinh vật biển ngay cả khi chúng đã chết (vỏ ốc, san hô, sao biển chết).

7. Không được chạm hoặc giẫm đạp lên san hô.

Bảo vệ khẩn cấp rạn san hô - "ngôi nhà chung" của các loài sinh vật biển

Trích dẫn trên báo Phú Yên Online, thông tin từ Chi cục Biển và Hải đảo Phú Yên (Sở TN-MT), kết quả nghiên cứu, khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang cho biết các vùng biển gần bờ Phú Yên hiện có 182 loài san hô, riêng tại "Di tích danh thắng quốc gia quần thể Hòn Yến" có 17 loài sinh sống và phát triển tốt. Hầu hết các rạn san hô đều ở gần bờ nên bị xâm hại, khai thác.

Kết quả ban đầu cho thấy, các rạn san hô ở đây tương đối đa dạng về chủng loại, đẹp và có giá trị nhiều mặt, trong đó có phát triển du lịch. Hiện trạng cũng cho thấy các rạn san hô ở đây đã và đang bị hủy hoại do các yếu tố tự nhiên (bão biển đánh gãy), nhưng phần lớn là tác động tiêu cực từ con người (ô nhiễm môi trường, khai thác san hô, giẫm đạp, săn bắt hải sản...), trong đó nghiêm trọng nhất là rạn san hô khu vực Hòn Yến.

Theo TS Hoàng Thị Thùy Dương (Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga), không chỉ là "bãi đẻ" của các loài cá, rạn san hô còn là "nhà" của nhiều loại sinh vật biển khác, như: bọt biển, một số loài thích ti (san hô và sứa), giáp xác, động vật thân mềm hai mảnh vỏ, động vật da gai (sao biển, nhím biển và hải quỳ), động vật có bao, rùa biển và rắn biển... Một số loài bám vào rạn san hô để sinh sản, để được bảo vệ, có khi trực tiếp lấy san hô làm thức ăn hoặc ăn các loài tảo, cỏ biển vốn rất đa dạng ở môi trường này.

"Về giá trị sinh thái, san hô là cấu trúc sống lớn nhất trên hành tinh. Các rạn san hô là nơi cung cấp thức ăn, môi trường sống, trưởng thành và cả nơi trú ẩn, tránh khỏi kẻ thù cho cá và động vật khác.

Về giá trị kinh tế và tác động đến con người, các rạn san hô là nguồn tài nguyên tuyệt vời cho con người. Rạn san hô có thể coi là những "khu rừng" dưới biển bảo vệ con người khỏi các cơn bão khi tham gia phá vỡ năng lượng sóng. Đặc biệt, các rạn san hô từ bao đời nay là những "cung điện" kỳ ảo dưới lòng đại dương để con người thưởng ngoạn và khám phá" - báo Phú Yên Online dẫn lời TS Thuỳ Dương.

Tổ chức Sinh vật biển Việt Nam nói về việc đặt bê tông lên rạn san hô trong Cuộc đua kỳ thú và những quy tắc mà người lặn phải nhớ - Ảnh 6.

Ảnh: Facebook.

Cũng là người trực tiếp lặn khảo sát các rạn san hô khu vực Hòn Yến, TS Dương nhận định, "Rạn san hô ở đây có cả san hô cứng, san hô mềm và đang chịu nhiều tác động tiêu cực bởi con người như: giẫm đạp khi thủy triều xuống, rác thải dân sinh, ô nhiễm môi trường nước do nuôi trồng thủy sản... Nếu không có phương án bảo vệ khẩn cấp, một thời gian không xa, rạn san hô ở khu vực này sẽ biến mất và khó có khả năng phục hồi, vì san hô phục hồi và phát triển rất chậm".

Theo các nhà khoa học Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, vùng biển nhiệt đới Việt Nam là môi trường thích hợp để các loài san hô sinh trưởng và phát triển, trong đó có vùng biển các tỉnh duyên hải miền Trung. Về chủng loài, vùng biển Việt Nam tập trung khoảng 400 loài san hô trong tổng số 800 loài của thế giới. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, những tác động tiêu cực từ con người, các cơn bão biển và hiện tượng trắng hóa (chết) đang đe dọa số lượng san hô.

Từ giá trị đa dạng sinh học cũng như kinh tế của các rạn san hô, nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp nhằm bảo vệ các rạn san hô trong vùng biển của mình.

Ông Phạm Đại Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên khẳng định, việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển các rạn san hô hiện nay là quan trọng và cấp bách. Điều này không chỉ phục vụ phát triển du lịch, lặn ngắm san hô mà nó có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường biển và phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày