Một tuần trước, chú Trần - hàng xóm nhà tôi đột nhiên từ thành phố trở về quê cùng gia đình. Sang nhà họ chơi, tôi mới biết chỉ vừa thu dọn hành lý, gia đình chú Trần đã bắt đầu phân chia công việc, sơn lại tường, lau dọn nhà cửa.
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, tôi tò mò về chú Trần - người đã 3 năm không về quê, mà sao giờ lại tất bật sửa lại nhà cửa. Tôi chưa kịp hỏi thì chú Trần đã nói chuyện cùng tôi.
Hoá ra cả nhà chú Trần về quê sớm không phải vì không còn thích cuộc sống ở thành phố, mà phải trở lại đây để tổ chức tiệc sinh nhật tuổi 60 cho chú. Chú Trần nói, nhà chú dự định mời nhiều khách đến nên cần chuẩn bị mọi thứ càng sớm càng tốt. Chú Trần cũng nhờ tôi trở thành người phụ trách nhận tiền và quà mừng từ dân làng đến dự tiệc.
Phong tục tại nơi sinh sống rất coi trọng những bữa tiệc chúc mừng sinh nhật lần thứ 60. Dù gia đình giàu hay nghèo nhưng khi đến sinh nhật tuổi 60 thì hầu hết người dân trong làng đều tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi, người thân bạn bè.
Chú Trần nói với tôi: "Mấy năm nay chú ở thành phố kiếm được một ít tiền. Hai đứa con đã lập gia đình, nên chú không còn gánh nặng gì nữa. Lần này về thăm quê, chú chỉ muốn sống vui vẻ, thuận lợi tổ chức tiệc sinh nhật lần thứ 60". Chú Trần nói thêm với tôi, thư mời khách tham dự bữa tiệc sinh nhật của chú đã được gửi đi. Ở quê tôi, nếu ai đó không thể đến dự tiệc thì họ thường sẽ gửi tiền và quà cho gia chủ.
Chú Trần và bố tôi là anh em họ hàng. Từ nhỏ, họ đã ở cạnh nhau, cùng nhau làm ruộng và học tập nên tình cảm giữa hai gia đình vô cùng gắn bó. Từ 16 năm trước, gia đình chú Trần chuyển hết lên thành phố sinh sống và làm việc. Trong trí nhớ của tôi, trong 16 năm nay, gia đình chú thường chỉ về quê vào dịp Tết. Họ chỉ tổ chức tiệc chiêu đãi đúng 6 lần, trong đó có 2 lần vào sinh nhật lần thứ 70 và đám tang của cha chú. 2 lần khác vào dịp các con chú đỗ Đại học, 2 lần còn lại là dịp những đứa con nhà chú Trần kết hôn.
Tôi là người tham dự tất cả 6 bữa tiệc mà gia đình chú Trần tổ chức. Vào bữa tiệc nào, tôi cũng là người đại diện ghi chép sổ, phụ chú Trần thu tiền và quà của khách tham dự. Tôi nhớ rõ, càng những lần tổ chức tiệc về sau thì số lượng khách giảm dần, quà tặng cũng ít đi. Lần tổ chức tiệc gần nhất, thậm chí một nửa khách được mời đã không đến, 30 bàn tiệc cũng bị lãng phí. Cũng vì thế, trong lần tổ chức tiệc sinh nhật tuổi 60 cho chú Trần, tôi lo ngại không khí bữa tiệc không náo nhiệt, vui vẻ như chú kỳ vọng.
Đến ngày sinh nhật của chú Trần, tất cả cỗ bàn ở nhà chú đều được đặt sẵn bên ngoài. Tuy nhiên, tôi và mọi thành viên trong gia đình chú đều dậy sớm để dọn dẹp nhà cửa, trang trí không gian các phòng tươm tất.
Đáng buồn là khi bữa tiệc bắt đầu vào buổi trưa, trừ người thân trong gia đình thì không có bóng dáng vị khách nào đến chung vui cùng chú Trần. Chú Trần ngồi trong phòng, vẻ mặt u ám, tay cầm điện thoại định bấm số mấy lần nhưng rồi chú chọn cách dừng lại. 2 tiếng sau trôi qua vẫn không có một vị khách nào đến tham dự.
Lúc này, tôi cảm thấy tình hình không ổn. Kết quả của bữa tiệc còn tệ hơn tôi dự đoán từ trước. Không có người làng nào đến chung vui cùng gia đình chú Trần. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một dân làng, tôi hiểu rõ nguyên nhân tại sao.
Tôi từng nói chuyện với một người bạn cũng nằm trong danh sách khách mời bữa tiệc sinh nhật lần này của chú Trần. Cậu ta nói sẽ không đến dự tiệc, kèm với lời giải thích: "Gia đình họ chuyển lên thành phố sinh sống mấy năm rồi. Cả năm có khi tôi còn chẳng biết mặt mũi họ ra sao
Tôi sẽ không đến ăn tiệc đâu, vì tôi không nợ nhà họ cái gì. Trước kia bất kỳ lúc nào nhà tôi tổ chức tiệc, chú Trần cũng không bao giờ đến. Làm người thì phải có qua có lại. Đối với những bữa tiệc của gia chủ mà tôi không biết bao giờ mới nói chuyện lại với họ lần thứ 2, tôi tuyệt đối không đến". Tôi đoán, không chỉ riêng cậu bạn của tôi, mà những người dân làng khác cũng cùng có chung suy nghĩ như vậy về bữa tiệc của chú Trần, nên họ mới chọn không tham dự.
Ngày hôm đó, cho đến tối thì vẫn không có một vị khách nào đến nhà chú Trần dự tiệc. May mắn là chi phí tổ chức tiệc không đắt đỏ. Mỗi mâm cỗ ở quê khá rẻ, chỉ có 300 tệ/bàn (1 triệu). Nhà chú đặt 20 mâm cỗ nên tốn 6.000 tệ (20 triệu).
Nhìn cuốn sổ được chuẩn bị để ghi quà và tiền mừng trống rỗng, tôi cảm thấy buồn thay cho chú Trần. Tôi liền đặt 500 tệ (1,7 triệu) vào phong bì đưa cho chú, đồng thời viết tên mình vào cuốn sổ.
Cầm lại phong bì và cuốn sổ trên tay, chú Trần nghẹn ngào nói với tôi: "Cháu trai giỏi lắm. Tối nay cháu không được phép đi đâu, phải ở lại để ăn cơm với gia đình chú".
Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy lúc 9 giờ sáng. Tôi bước ra cổng nhà vươn vai, nhìn về căn nhà của chú Trần thì chỉ thấy cánh cửa đã đóng kín. Khi ăn sáng, bố tôi kể rằng vào lúc 4 giờ sáng nay, gia đình chú Trần đã lái xe đi về thành phố, trên hành lý còn mang theo đống đồ ăn thừa của bữa tiệc sinh nhật ngày hôm qua để lại.
Ngẫm nghĩ lại, dù rất thương chú Trần nhưng tôi không thể trách bà con hàng xóm. Ở vùng quê, người ta chú ý đến quy tắc "có đi có lại". Tức là nếu nhà bạn mở tiệc, tôi sẽ đến chung vui với, bạn, tuy nhiên đổi lại là nhà tôi có tiệc, bạn cũng phải đáp lại. Nếu tôi nợ bạn quà và tiền mừng thì trong bữa tiệc của nhà bạn, tôi nhất định sẽ tham dự. Thế nhưng, nếu trước đó bạn không nhận hay tặng quà cho tôi thì với mối quan hệ không ràng buộc này, tôi dưới tư cách là dân làng cũng sẽ không chịu bỏ ra thời gian và tiền bạc đến chung vui cùng gia đình bạn.
Theo Toutiao