Nhắc đến "Incognito Mode" là ai cũng biết ngay đó là chế độ duyệt web ẩn danh của Google, hay cụ thể hơn là Google Chrome - trình duyệt được tin dùng nhiều nhất thế giới. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu nếu bạn muốn hoạt động truy cập của mình không bị lưu lại và bị ai đó phát hiện, rảnh tay rảnh chân làm điều gì đó "mờ ám" mà không lo bố mẹ hay bạn trai bạn gái biết chẳng hạn...
Nhưng có thật là bạn sẽ hoàn toàn che giấu được hết hành tung bí ẩn của mình khỏi tất cả mọi thứ được không?
Tin buồn cho bạn đây: Không có năng lực ẩn danh thần pháp 100% được đâu! Vì chính Google Chrome cũng đã tự thừa nhận điều đó ngay ở giao diện chính của Incognito Mode rồi đây:
Tại sao lại vẫn có những ngoại lệ như thế này, lại còn bao gồm cả... chủ lao động và trường học của mình nữa?
Theo những thông tin chia sẻ trước đây từ chính lập trình viên làm việc cho Chrome - anh Darin Fisher - thực chất Google không gọi trực tiếp đó là "Privacy Mode" (chế độ riêng tư) là vì có lý do cả. Đơn giản, họ không muốn người dùng nghĩ rằng chế độ đó riêng tư tuyệt đối, hoặc chí ít là hiểu lầm nó có tác dụng như vậy.
Đúng là nó có tác dụng phòng ngừa dữ liệu bị ghi lại và phát hiện, nhưng ý nghĩa cốt lõi của nó không phải "thần thánh" đến nỗi được thiết kế để chống lại tác động xâm nhập cao siêu nào cả. Thực chất, đây là chế độ hỗ trợ những ai có máy tính cho mượn hoặc dùng chung lẫn nhau, muốn tránh người kia xem được hoạt động trước đó của mình khu duyệt web.
Cách Google triển khai có thể giải thích nôm na như sau: Mọi hoạt động lưu dữ liệu duyệt web của trình duyệt sẽ bị tạm dừng, vô hiệu hóa khi Incognito Mode được mở, không có dấu hiệu nào được ghi lại.
Bất ngờ chưa, khi mà đã chuẩn bị kỹ càng để che đậy đến thế rồi mà sao vẫn có khả năng bị theo dõi? Câu trả lời nằm ở việc: Incognito Mode chỉ ngăn chính trình duyệt trên thiết bị bạn đang dùng ghi lại dữ liệu mà thôi - còn đối với những trường hợp ngoại lệ khác vẫn có thể có những yếu tố vượt qua được cơ chế này.
Bạn có chắc là ẩn danh sẽ giúp giấu hết mọi thứ trong tầm tay?
Một trang web không có định dạng kết nối bảo mật, hay bắt chung một đường mạng Wi-Fi nhưng lại không biết rằng nó có chế độ công khai dữ liệu chia sẻ giữa các máy cùng kết nối với nhau... Tất cả đều sẽ khiến bạn há hốc mồm vì ngạc nhiên nếu một ngày phát hiện ra mình không quá kín kẽ như đã hình dung.
Nếu cho rằng Incognito Mode sẽ đảm đương được nhiệm vụ che giấu dữ liệu và bảo vệ chúng khỏi những tác động từ bên ngoài thì bạn lầm to rồi. Như đã đề cập từ đầu, Google không kèm bất kỳ từ khóa nào liên quan đến "sự riêng tư" vào trong tên gọi của chế độ này là có lý do tính toán hết rồi.
"Ngay từ khi bật chế độ ẩn danh lên, chúng tôi sẽ lập tức công khai rằng hoạt động duyệt web của bạn vẫn có thể bị truy cập xem từ một số nguồn nhất định," Fisher chia sẻ.
Tuy nhiên, mục đích chính của Incognito Mode thì lại rất hữu dụng nếu được gọi ra đúng lúc. Nó sẽ ngăn trang web hiện thời trong chế độ khỏi việc ghi lại dữ liệu truy cập của bạn trên thiết bị đang dùng. Vì thế, đây là điều nên làm khi đang chuẩn bị truy cập một trang web không đáng tin lắm, hoặc có thể là tránh được rủi ro một phần về lỗ hổng rò rỉ dữ liệu như scandal Facebook vừa qua chẳng hạn.