"Màu cam", bạn nghĩ cái tên ấy có từ bao giờ? Nó có tên là cam vì màu sắc nó giống quả cam, hay quả cam tên là cam vì có màu da cam?
Với người Anh, từ "orange" (màu cam hay quả cam) chỉ ra đời sau khi thức quả này bắt đầu xuất hiện tại châu Âu vào thế kỷ 13. Còn trước đó, họ gọi màu cam bằng chính thành phần cấu tạo nên nó: màu đỏ-vàng, với từ georuread (từ cổ, chỉ màu cam tương tự của lá mùa thu hay Mặt trời vào lúc hoàng hôn).
Màu cam đã từng không tồn tại trong từ điển của người Anh, cho đến khi quả cam xuất hiện
Trên thực tế, người Anh và màu cam không phải là trường hợp duy nhất cho thấy quan niệm về màu sắc chịu ảnh hưởng chi phối từ văn hóa. Trong các ngôn ngữ cổ xưa, người Hy Lạp, Trung Quốc, Do Thái và Nhật Bản không có từ để chỉ màu xanh lam. Nhưng người Nga, họ thậm chí còn chia màu lam thành hai sắc thái và sáng và tối, mà cụ thể là siniy (xanh tối), và goluboy (xanh sáng).
Đến đây, bạn có thể cho rằng những từ ngữ này chỉ là cách đặt tên màu sắc, là thứ thể hiện những gì mắt người thấy được. Nhưng không hoàn toàn là như vậy, bởi vì đã từng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng ngôn ngữ có ảnh hưởng đến cảm nhận màu của chúng ta.
Như nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Psychological Science và Hội Tâm lý học Anh Quốc chẳng hạn.
Nghiên cứu thử nghiệm trên hơn 100 người nói tiếng Hy Lạp, Đức và Nga. Họ được xem một loạt các hình ảnh với màu sắc và hình dạng khác nhau, và được yêu cầu chỉ ra một hình vẽ cụ thể trong đó.
Thứ được yêu cầu xác định là hình tròn khuyết nửa có màu xám, xuất hiện lẫn trong các hình tam giác với màu sắc nằm trong dải từ lam sang lục. Sau đó, các ứng viên cũng phải cho biết họ có nhìn thấy các hình tam giác ấy hay không, và nếu thấy thì chúng có màu gì.
Kết quả, nhóm người nói tiếng Hy Lạp và Nga - ngôn ngữ có từ để phân biệt sắc thái của màu lam - có xu hướng nhìn thấy hình tam giác có màu lam nhạt nhiều hơn so với màu lục. Còn người dùng tiếng Đức - nơi ngôn ngữ không có sự phân biệt giữa các hình thái màu sắc - thì tỉ lệ nhìn thấy tam giác màu lục và màu lam là ngang nhau.
Trong một nghiên cứu tương tự, người Nga có khả năng phân biệt màu lam nhanh hơn so với người Anh. Đáng chú ý, người Hy Lạp sau một thời gian sinh sống tại Anh thì bắt đầu nhìn mọi sắc thái của màu xanh làm thành như nhau.
Hay nói cách khác, việc bạn nói ngôn ngữ nào dường như có thể ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận màu sắc của bản thân.
Ý tưởng đứng sau nghiên cứu này là lý thuyết mang tên Sapir-Whorf, do Edward Sapir và Benjamin Lee Whorf đưa ra vào đầu thế kỷ 20. Lý thuyết cho rằng tùy vào ngôn ngữ bạn sử dụng, nó sẽ gây ảnh hưởng đến nhận thức của não bộ, và trong trường hợp này là màu sắc.
Tuy nhiên, cũng có khá nhiều tranh cãi xung quanh lý thuyết Sapir-Whorf, như việc tồn tại một số loại màu mà mọi người trên thế giới đều có cảm nhận giống nhau, bất kể ngôn ngữ họ sử dụng. Chẳng hạn, chúng ta có hàng ngàn, hàng triệu màu, nhưng tất cả đều dựa trên 11 màu cơ bản: đen, trắng, xám, đỏ, lam, lục, vàng, hồng, cam, tím, và nâu.
Chỉ là, nếu muốn phân biệt kỹ hơn thì việc bạn có khả năng ấy không sẽ phụ thuộc một phần vào ngôn ngữ bạn đang sử dụng. Miễn là có từ để phân biệt là được thôi mà.
Ngoài ra, thí nghiệm của ĐH Lancaster còn đưa ra một chi tiết đáng chú ý: bạn chỉ cần học một ngôn ngữ mới là cũng cải thiện được khả năng cảm thụ màu sắc rồi. Bởi lẽ, ngôn nữ ảnh hưởng đến việc não bộ phân tích và cảm nhận thế giới xung quanh như thế nào, bao gồm cả quá trình xử lý màu sắc.