Từ trước tới nay, thử máu vẫn là một trong những phương pháp xét nghiệm ít gây tổn hại đến cơ thể nhất, mà vẫn cho phép bác sĩ biết được cơ thể đang gặp phải chuyện gì.
Nhưng ung thư thì khác, thử máu sẽ không có tác dụng gì cả. Dù trên thực tế, các khối u có thể hòa lẫn vào máu, nhưng điều này rất hiếm và khó xác định. Chính vì thế, phương pháp duy nhất để xác định ung thư là lấy các mô để xét nghiệm sinh thiết.
Tuy nhiên, một đột phá về công nghệ gene mới đây đã đem tới hi vọng về việc xét nghiệm ung thư bằng cách thử máu.
Cụ thể hơn, trong cuộc họp thường niên của Hội Ung thư lâm sàng Mỹ, các nhà khoa học đã công bố một nghiên cứu được thực hiện trên 15.000 người về hơn 70 loại gene ung thư.
Sử dụng công nghệ tách từng mảnh ADN bên trong máu rồi ghép lại với nhau, các nhà khoa học có thể tạo ra một bức tranh toàn cảnh về cách khối u đột biến.
Nhờ đó, họ sẽ tìm được phương pháp hữu hiệu để điều trị ung thư, vì có nhiều loại thuốc chống ung thư hiện này rất đặc trị - chỉ tấn công vào gene đột biến gây ung thư mà thôi.
Giờ đây, xét nghiệm máu cũng có thể xác định được ung thư
Kết quả cho thấy 2/3 bệnh nhân có chứa gene đột biến phù hợp với các loại thuốc hiện nay. Nhưng thêm vào đó, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH California Sandiego (Mỹ) cũng so sánh kết quả xét nghiệm máu và kết quả khám sinh thiết của bệnh nhân.Và thật ngạc nhiên, có tới 98% cho kết quả trùng khớp.
Nghiên cứu này cho kết quả thuyết phục nhất về việc thông tin xét nghiệm máu có thể sử dụng để kiểm tra ung thư.
Dù rằng hiện nay, khám sinh thiết là cách hiệu quả nhất, nhưng quá trình này nếu được thực hiện liên tục sẽ không đảm bảo an toàn - vì sẽ phải dùng kim chọc rất sâu vào cơ thể để lấy mô - đồng thời gây tốn chi phí rất lớn.
Để lấy mô sinh thiết, các bác sĩ phải dùng kim chọc rất sâu vào cơ thể, ví dụ như sinh thiết gan cần dùng kim xuyên vào gan để lấy mô. Quá trình này được đánh giá là tương đối nguy hiểm
Trong khi đó, xét nghiệm máu nay đã có thể theo dõi khối u, thậm chí còn biết được khả năng di căn của ung thư và cả trường hợp nếu ung thư trở nên kháng lại các biện pháp điều trị ngày nay.
Tuy nhiên, các khoa học gia cũng không cổ suý cho chuyện thay thế hoàn toàn việc khám sinh thiết. Theo đó, khám sinh thiết ban đầu vẫn cần thiết nhằm xác định được loại ung thư và nơi phát bệnh. Có điều, các xét nghiệm sinh thiết sau đó có thể được thay thế hoàn toàn bằng xét nghiệm máu.
Tiến sĩ Julie Vose - giảng viên khoa Y dược thuộc ĐH Y Nebraska: "Hãy tưởng tượng phương pháp này sẽ giúp giám sát bệnh nhân, đồng thời giúp chúng ta thay đổi hướng điều trị nếu ung thư trở nên đột biến mà không cần phải khám sinh thiết lại từ đầu".
Xét nghiệm sinh thiết là gì?
Sinh thiết là một thủ thuật y tế trong đó một mẫu nhỏ của mô cơ thể được lấy ra để kiểm tra dưới kính hiển vi. Mẫu mô này có thể được lấy từ bất cứ vị trí nào trên cơ thể, kể cả da, nội tạng và các cấu trúc khác.
Nguồn: Yahoo News