Nhắc đến tuổi thơ, ta thường nhớ đến những ký ức êm đềm khi chưa phải lo nghĩ đến cơm, áo, gạo, tiền. Có người cả đời chỉ mong xin được một "vé trở về tuổi thơ"… Nhưng còn "hậu tuổi thơ" thì sao? Hẳn là khá lạ lẫm phải không? Tìm hiểu kỹ hơn một chút, bạn sẽ thấy chúng ta đều đã từng hoặc đang trải qua giai đoạn này, không phải ai cũng vượt qua nó một cách dễ dàng.
"Hậu tuổi thơ" là khái niệm được tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đề cập trong tác phẩm mới đây của anh, để chỉ thời điểm "ngưỡng" khi những chàng trai, cô gái không còn trẻ con để được bao bọc, ấp ôm, cũng chưa đủ trưởng thành để định hình rõ ràng tính cách và vững vàng bước qua bất trắc cuộc đời.
Để khắc họa rõ nét diện mạo của "thế giới" đặc biệt này, TS Đặng Hoàng Giang dành thời gian gần 2 năm tiếp cận, trò chuyện, đồng hành cùng rất nhiều người trẻ. Thông qua những câu chuyện từ tác phẩm "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ", chúng ta đi qua vô vàn cung bậc cảm xúc khác nhau: đồng cảm, tự soi chiếu thấy chính bản thân mình hay bàng hoàng, xót xa, thương cảm khi biết có một thế giới nội tâm đầy biến động, đầy những "vết thương" tâm lý.
Trầm cảm, cô độc, giận dữ… Khi người trẻ trải lòng trên từng trang giấy
Phần đầu của cuốn sách chất chứa tâm tư của những người trẻ hoang mang không lối thoát vì "thiếu vắng người lớn" trong năm tháng quan trọng đầu đời.
Câu chuyện của Minh Khuê, 20 tuổi là một trong số đó. Cô có thai ngoài ý muốn và buộc phải tới phòng khám để "đình chỉ thai". Tận đáy sâu tâm hồn, cô gái trẻ luôn dằn vặt bản thân: "Tôi có phải người xấu không? Tới giờ tôi vẫn không có câu trả lời", cô run bắn lên và khóc ri rỉ khi bác sĩ còn chưa chạm vào người và đau đáu rất lâu sau đó. Cô độc, hoảng loạn, đã có lúc Khuê định tìm sự an ủi ở mẹ. Nhưng nhận lại chỉ là những lời nói khiến tim đau nhói hơn: "Buồn cái gì mà buồn?". Cuối cùng, Khuê chọn cách im lặng, một ngoại hình thật gai góc như vỏ bọc của em: Xăm mày, xỏ khuyên mũi, cạo đầu.
Những bức ảnh trong tác phẩm thể hiện trải nghiệm của Hạnh Thơ 22 tuổi và bạn bè đồng trang lứa.
Đi theo hành trình của tác giả, bạn cũng sẽ thấy hình ảnh những đứa trẻ "nhầm vai", mong muốn được nâng đỡ nhưng cuối cùng lại phải dìu dắt bố mẹ mình. Bởi chính người lớn cũng là hậu quả của những sang chấn tâm lý "hậu tuổi thơ".
Đó là Đan - cậu con trai phải làm chỗ dựa tinh thần cho mẹ trong khi chính cậu cũng chênh vênh vì một tuổi thơ được nuông chiều, "bón sẵn". Hay là Li – cô gái có thành tích học tập xuất sắc, 2 bằng bên Mỹ - tự nhận mình là một "cỗ xe tăng" nhưng không hề hạnh phúc. Nỗ lực của cô xuất phát từ việc tự "giao cho mình trách nhiệm bù đắp cho sự bất hạnh của má" – người mẹ chơi vơi trong chính cuộc hôn nhân của mình.
Ảnh: Hạnh Thơ
Và có lẽ rất nhiều người trẻ cũng sẽ tìm thấy hình bóng mình trong phần 3: "Trong ngục tù của tình yêu". Đó là câu chuyện của những chàng trai, cô gái bị kèm cặp từ nhỏ, không thể theo đuổi ước mơ của mình vì phải sống theo định hướng của người khác. Hải Như mong muốn được học vẽ, nhưng ông bà cô thì "ghét cay ghét đắng" nghề nghiệp ấy. Hương đam mê nhạc điện tử, nhưng bị gia đình bắt theo đuổi con đường hàn lâm đến độ trầm cảm.
Những mảng màu thậm chí còn tối hơn khi người trẻ hé lộ họ từng phát điên, thậm chí tự sát… khiến ai cũng sẽ giật mình soi chiếu lại bản thân hay bàng hoàng, thương xót.
Chữa lành "vết thương hậu tuổi thơ": Cả bố mẹ và con cái đều cần thấu cảm
Nhưng bức tranh "phía sau tuổi thơ" không chỉ được khắc họa với tông màu u ám duy nhất. Lắng lòng với "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ", người đọc được nghe câu chuyện từ cả hai hướng: Người trẻ và bố mẹ của họ. Và qua những phân tích của tác giả dưới góc độ chuyên môn về các khía cạnh tâm lý sâu xa, người đọc và cả những nhân vật tìm được những lối thoát chữa lành vết thương "hậu tuổi thơ".
Đó là việc học cách mở lòng đối mặt với nỗi đau và rộng lượng hơn với mọi người như Xuân Dương – cô nữ sinh 21 tuổi luôn mặc cảm khi bố lấy 2 vợ. Tổn thương của Dương dần lành khi cô tham gia nhóm đạp xe cùng những người bạn cũng có vấn đề trong cuộc sống.
Ảnh: Hạnh Thơ
Đó cũng có thể là cái kết có hậu hơn cho cả bố mẹ và con nếu cả hai chịu ngồi lại và thấu cảm cho nhau. Câu chuyện của chàng trai tên Lâm và mẹ cậu: Liên là một trong số đó. Thay vì chấp nhận để mối quan hệ của cả hai ngày càng ngột ngạt, họ đã tìm tới bác sĩ tâm lý Song Lê. Từ đó, cả hai đã tìm được cách thả lỏng và không còn phán xét người còn lại.
Đối diện với những góc khuất tâm lý một cách chân thật, không né tránh nhưng bằng một tâm thế bao dung, thấu cảm và hoàn toàn không giáo điều, "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" là tác phẩm mà người trẻ và cả những bậc phụ huynh nên đọc, không chỉ một lần!
Để đặt mua tác phẩm, bạn đọc vui lòng truy cập: Tại đây.