Người đàn ông may mắn trong câu chuyện trên là Fu Gui, 33 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc. Vào năm 6 tuổi, Fu Gui đã bị bắt cóc và thất lạc gia đình từ thời điểm đó.
Hôm 1/4 vừa qua, Fu Gui đã tìm lại được người thân nhờ vào công nghệ nhận diện gương mặt của trang web "Baby Come Home" (tạm dịch: Con yêu trở về nhà). Đây là một trang web chuyên giúp đỡ các gia đình tìm lại những đứa con bị thất lạc ở Trung Quốc.
Bức ảnh năm Fu Gui 4 tuổi do gia đình cung cấp (trái) và bức ảnh vào năm 10 tuổi do chính Fu Gui đăng tải (phải) trên trang web 'Baby Come Home'.
Theo một báo cáo trên trang Huanqiu.com - một chi nhánh của People’s Daily Online, trong suốt 27 năm qua, cha của Fu Gui - ông Fu Guangyou cùng tất cả những người thân trong gia đình vẫn không ngừng tìm kiếm cậu con trai bị mất tích.
Để tìm lại con, ông Guangyou đã đăng tải thông tin về Fu Gui lên trang "Baby Come Home" cùng một bức ảnh của Fu Gui khi còn nhỏ. Theo đó ông cho biết Fu Gui được sinh ra ở Trùng Khánh năm 1984 và bị thất lạc năm 1990.
Cha của Fu Gui (phía sau ở giữa) không ngừng tìm kiếm cậu con trai bị thất lạc trong gần 30 năm.
Trong lúc cả gia đình ông Fu Guangyou đang không ngừng tìm kiếm con trai thì tại một nơi xa xôi khác, chàng trai Fu Gui – sau này được cha mẹ nuôi đổi tên thành Hu Kui cũng luôn cố gắng tìm lại cha mẹ ruột của mình.
Năm 2009, Fu Gui đã gửi thông tin lên trang web "Baby Come Home" đính kèm một bức ảnh lúc nhỏ. Trên hồ sơ của mình, Fu Gui nói anh sinh năm 1986 và bị thất lạc bố mẹ năm 1991.
Ban đầu, do sự khác biệt thông tin mà hai bên cung cấp nên những nhân viên của "Baby Come Home" đều cho rằng đây là hai trường hợp khác nhau, không có bất kì mối liên hệ nào.
Tuy nhiên, số phận của Fu Gui và gia đình đã thay đổi sau khi "Baby Come Home" bắt đầu ứng dụng công nghệ nhận diện gương mặt hay còn được gọi là công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến (AI) do Baidu thiết kế và phát triển vào tháng 3 năm nay.
Với sự trợ giúp của hệ thống này, "Baby Come Home" có thể nhanh chóng phân tích dữ liệu từ hơn 60.000 bức ảnh của những đứa trẻ bị thất lạc trên cả nước trong cơ sở dữ liệu hiện có.
Sau khi người dùng đăng tải hình ảnh lên trang web, hệ thống sẽ tiến hành phân tích, so sánh và đối chiếu từng đặc điểm nhận dạng trên gương mặt của những bức chân dung do những gia đình đang tìm con đăng tải với chân dung của những người đang muốn tìm lại cha mẹ ruột cung cấp.
Gia đình bố mẹ ruột của Fu Gui vui mừng khi được thông báo kết quả DNA.
Sau đó, hệ thống sẽ chọn ra 30 bức ảnh phù hợp nhất với tiêu chí được mô tả. Trong trường hợp của Fu Gui, hình ảnh thời thơ ấu do cha mẹ anh đăng tải đã được hệ thống chọn là bức ảnh giống với ảnh mà Fu Gui cung cấp nhất trong số 30 bức ảnh được chọn ra.
Sau khi có kết quả so sánh, những nhân viên của "Baby Come Home" lập tức tiến hành kiểm tra DNA cho Fu Gui và cha mẹ của anh. Kết quả kiểm tra cho thấy DNA của Fu Gui hoàn toàn trùng khớp với cha mẹ của mình.
Fu Gui đang thực hiện cuộc gọi video với bố mẹ ruột vừa nhận lại được của mình.
"Lần đầu tiên nhìn vào hồ sơ của Fu Gui, chúng tôi cảm giác rằng đó chính là người chúng tôi cần tìm. Không chỉ gương mặt trên ảnh giống nhau mà tên cũng tương tự", một nhân viên của "Baby Come Home" nói.
Được biết, đây là trường hợp trẻ thất lạc gia đình nhận lại được cha mẹ ruột nhờ vào sự trợ giúp của công nghệ nhận diện gương mặt đầu tiên ở Trung Quốc.
Việc Fu Gui tìm lại được cha mẹ ruột nhờ vào công nghệ AI đã mang đến tia hy vọng mới cho những gia đình ở Trung Quốc, nơi đang có hàng triệu trẻ em phải rời xa gia đình do đi lạc hoặc bị bắt cóc.