Tìm Kang Chul ở đâu đâu làm gì, ngoài đời có một xạ thủ Hoàng Xuân Vinh còn phi thường hơn thế

Y.J, Theo Trí Thức Trẻ 13:04 07/08/2016

Nhiều người đã nhanh chóng nhận ra sự tương đồng giữa Hoàng Xuân Vinh, người hùng vừa mang về tấm HCV Olympics đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam và Kang Chul, thiên tài bắn súng 17 tuổi trong W - Two Worlds.

Nếu bạn là người yêu phim Hàn, chắc chắn bạn không thể bỏ qua bộ phim "W - Two Worlds" (Hai thế giới), bộ phim đang thu hút đông đảo sự chú ý của các mọt phim. Bộ phim là câu chuyện xoay quanh mối quan hệ của hai nhân vật cùng sống tại Seoul nhưng thuộc hai thế giới khác nhau.


"W - Two Worlds" được đánh giá là một kịch bản đầy lạ lùng, có phần liều lĩnh của đài MBC, khi câu chuyện được bao quanh nhiều bối cảnh khác nhau, nơi mà các nhân vật có thể di chuyển được ở cả không gian thực tế lẫn phi thực tế. Đó cũng là câu chuyện tình yêu giữa Kang Chul (Lee Jong Suk) – thiên tài bắn súng, tài phiệt trẻ tuổi nhất Hàn Quốc – chính là nhân vật trong bộ truyện tranh nổi tiếng của bố Oh Yeon Joo (Han Hyo Joo) và cô bác sĩ thực tập năm 2 Oh Yeon Joo này.

Tìm Kang Chul ở đâu đâu làm gì, ngoài đời có một xạ thủ Hoàng Xuân Vinh còn phi thường hơn thế - Ảnh 2.

Kang Chul là một nhân vật truyện tranh. Cậu ấy cũng là một thiên tài bắn súng, và không phải ai khác mà chính bố cậu là người định hướng, dạy cậu bắn súng. 17 tuổi, Kang Chul đã được tham gia thi đấu Olympic và bắt đầu bộ phim chính là trận đấu giành huy chương vàng Olympics Athen 2004 của chàng tuyển thủ bắn súng trẻ tuổi này.

Tìm Kang Chul ở đâu đâu làm gì, ngoài đời có một xạ thủ Hoàng Xuân Vinh còn phi thường hơn thế - Ảnh 3.

Với phong độ xuất sắc, Kang Chul đã liên tiếp giành được những điểm số cao, áp đảo các đối thủ, tuy nhiên ở phát súng sát cuối, cậu lại mắc sai lầm và đạt được số điểm không như mong đợi. Kết quả là cậu đã bị đối thủ lớn nhất trong trận đấu vượt qua với số điểm sát sao 0.2. Thế nhưng, trong thể thao, đặc biệt là môn bắn súng, đó là một điểm số rất khó để vượt qua, đồng nghĩa với nó là cậu phải đạt được ít nhất 10.7, một số điểm không tưởng để chiến thắng... Phát súng cuối cùng là một phát súng nghẹt thở. Các tuyển thủ chỉ có 75 giây để ngắm bắn và bắn, vượt quá thời gian, tuyển thủ sẽ tự động bị coi là bỏ cuộc, vậy mà thời gian cứ tiếp tục đếm ngược, 30 giây rồi 20 giây, 10 giây... Kang Chul vẫn chưa bắn, cho tới tận giây cuối cùng! 1 giây cuối cùng trước khi đếm ngược kết thúc, viên đạn bắn ra, và số điểm Kang Chul nhận được là 10.9, và giành tấm Huy chương Vàng danh giá, trong sự kinh ngạc của khán giả và sự vui mừng tột độ của huấn luyện viên cũng là người cha của cậu!

Kể đến đây, chắc các bạn cũng chỉ xuýt xoa một chút rồi tự nhủ: "Trong phim, trong truyện thì ai mà chẳng giỏi thế!" Nhưng các bạn biết không, chúng ta cũng có hẳn một anh hùng ngoài đời thực như thế! Cũng vất vả đủ đường, cũng kiên trì với niềm đam mê bắn súng và cũng tạo nên kì tích như Kang Chul, chỉ khác là anh không phải một nhân vật trong "W - Two Worlds" cũng chẳng phải nam chính trong một bộ truyện tranh nổi tiếng nào, câu chuyện của anh còn phi thường và đầy cảm hứng hơn thế. Anh chính là người Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, năm nay 41 tuổi. Anh là Hoàng Xuân Vinh, người vừa mang về chiếc HCV Olympics đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam, đồng thời phá kỉ lục Olympics khi chiến thắng ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam với 202,5 điểm.

Tìm Kang Chul ở đâu đâu làm gì, ngoài đời có một xạ thủ Hoàng Xuân Vinh còn phi thường hơn thế - Ảnh 4.

Tôi nói Hoàng Xuân Vinh là một anh hùng đời thực bởi những gì anh đã làm được thật đáng ngưỡng mộ. Anh là một nghị lực thật, một tấm gương thật, chẳng ở đâu xa mà ở ngay trước mắt chúng ta. "Dị nhân" trong phim là những người có sức mạnh siêu nhiên, còn "Dị nhân" Hoàng Xuân Vinh chỉ là một người đàn ông bình thường tới không thể bình thường hơn, nhưng lại có ý chí và sự kiên trì đến không tưởng khiến tất cả đều phải kinh ngạc.

Gia cảnh vốn đã nghèo khó, bố là bộ đội tập kết ra Bắc, mẹ làm công nhân, đến năm 3 tuổi anh đã phải chịu nỗi đau mồ côi mẹ. Sau đó, Xuân Vinh ở với mẹ kế, nhưng cũng chẳng bao năm thì người mẹ thứ 2 của anh cũng qua đời. Hai lần mất mẹ, chịu đủ cơ cực, nhưng khó khăn không khiến chàng trai đất Sơn Tây ấy nản lòng. Nhập ngũ, phục vụ trong quân ngũ suốt 2 năm, mãi đến năm 1994, Hoàng Xuân Vinh mới bắt đầu theo nghiệp bắn súng.

Không được coi là nhân vật tiềm năng khi đến với bắn súng muộn, lại mất 5 năm sau mới có thể giành được HCV đầu tiên trong sự nghiệp. Nhưng chính nhờ sự kiên trì, ý chí hơn người mà từ đó, chàng sỹ quan sinh năm 1974 này cứ từng bước một cách chậm rãi tiến trên con đường sự nghiệp của mình.

Mặc dù Hoàng Xuân Vinh luôn được coi là hy vọng của đoàn thể thao Việt Nam, nhưng trước khi bước vào Olympics Rio 2016 năm nay, khả năng chiến thắng của Hoàng Xuân Vinh lại không được đánh giá cao. Bởi các tuyển thủ năm nay đều rất mạnh, số điểm trước đó để có thể bước vào vòng chung kết của Hoàng Xuân Vinh cũng không hề cao, thậm chí còn thấp hơn so với kết quả kì thi đấu lần trước. Ngoài ra, xạ thủ Việt Nam còn có điểm yếu tâm lý.

Tìm Kang Chul ở đâu đâu làm gì, ngoài đời có một xạ thủ Hoàng Xuân Vinh còn phi thường hơn thế - Ảnh 5.

Trong loạt bắn cuối cùng, VĐV nước chủ nhà đã thi đấu rất thành công và giành được 10,1 điểm. Nếu muốn giành thắng lợi, Hoàng Xuân Vinh buộc phải bắn ít nhất 10,4 điểm, một điều rất khó nếu biết rằng những phát bắn trước anh chỉ được trên 9 điểm. Vậy nhưng, bằng sự kiên định và tinh thần thép của mình, trong giây phút quyết định anh đã làm được hơn thế với phát bắn mang về 10,7 điểm. Và cứ thế, Hoàng Xuân Vinh đã đi vào lịch sử khi lần đầu tiên đưa lá cờ tổ quốc được kéo ở vị trí cao nhất tại một kì Olympics.

Tìm Kang Chul ở đâu đâu làm gì, ngoài đời có một xạ thủ Hoàng Xuân Vinh còn phi thường hơn thế - Ảnh 6.

Đó là một chiến thắng không tưởng như lại là kết quả xứng đáng nếu bạn biết được quá trình nỗ lực của người anh hùng đời thực này. "Không có bất kỳ điều gì có thể hạ gục được anh ấy" - Một thành viên trong đội tuyển bắn súng đã nhận xét như thế về Hoàng Xuân Vinh. Bao nhiêu năm thi đấu, thất bại gặp phải còn nhiều hơn chiến thắng nhưng anh chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc, Xuân Vinh đã lao vào tập như điên một cách không ai tưởng tượng nổi. Ít ai biết rằng, để khắc phục điểm yếu tâm lý trong giây phút quyết định, Xuân Vinh đã tập đứng yên một chỗ, không nói năng gì trong suốt 3 tiếng đồng hồ. Anh cũng vượt qua nhiều khó khăn khác như điều kiện tập luyện khiêm tốn của Việt Nam. Trung bình mỗi ngày Hoàng Xuân Vinh chỉ được cấp khoảng 100 viên đạn, bằng khoảng 1/5 so với các đối thủ thế giới. Để có thể đủ đạn cho một buổi tập bắn tập, có khi Xuân Vinh phải chấp nhận vài ngày tập chay. Ngay cả khi vừa làm lên kì tích tại Olympics Rio, ống kính cũng chỉ ghi được vẻ mặt đầy điềm tĩnh của anh, và chỉ khi lá cờ Tổ quốc được giương cao, tiếng quốc ca vang lên, giọt nước mắt của tuyển thủ bắn súng xuất sắc này mới rơi xuống.

Tìm Kang Chul ở đâu đâu làm gì, ngoài đời có một xạ thủ Hoàng Xuân Vinh còn phi thường hơn thế - Ảnh 7.

Không có chiến thắng nào tự nhiên đến, không có khó khăn nào là không thể vượt qua, Hoàng Xuân Vinh đã chứng minh cho chúng ta thấy nỗ lực không ngừng sẽ tạo nên những điều kì diệu. "Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình..." Thép đã tôi như thế, cũng như cách thời gian đã tôi luyện lên một Hoàng Xuân Vinh ý chí, tự tin và mang về vinh quang cho nước nhà như ngày hôm nay...