Chợ Cảnh Dương thuộc xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nằm sát bên con sông Ròon. Đây là nơi tập trung buôn bán của hàng trăm tiểu thương, mặt hàng chủ yếu là tôm, cá do những con tàu vừa đánh bắt được.
Sau mỗi phiên chợ, bờ sông Roòn lại ngập trong biển rác. Rác thải tại đây là vảy cá, vỏ tôm cua, hoa quả hỏng, túi nilon hay những giỏ nhựa đựng thủy sản... mà người dân tiện tay vứt xuống. Thậm chí, những người buôn bán trong chợ còn đi vệ sinh ngay sau bờ sông này.
Những bãi rác ở đây bị tích tụ ngày này qua ngày khác, ruồi nhặng đen kịt, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mùi hôi hối theo gió bốc lên, xộc thẳng vào nhà dân và bao trùm cả một khu vực rộng lớn.
Bờ sông ngập trong biển rác sau mỗi phiên chợ.
Mặc dù điểm tập kết rác cách chợ không xa nhưng tiểu thương ở đây vẫn tiện tay vứt rác ở bờ sông, khiến việc thu gom rác thải gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Bạch Hổ (trưởng ban quản lý chợ Cảnh Dương) cho biết, có những hôm, ban quản lý chợ phải thuê một lúc 3 xe tải mới có thể chở hết số lượng rác thu gom đem đi xử lý.
“Những ngày giáp Tết, số lượng rác thải tăng lên vùn vụt, anh em chúng tôi phải thu gom liên tục trong 3 ngày mà không xuể”, ông Hổ nói.
Ông Hổ cũng chia sẻ thêm, không chỉ tiểu thương trong chợ xả rác, mà những người dân sống xung quanh khu chợ cũng lợi dụng trời tối đem rác ra vứt tại bờ sông. Khi bị ban quản lý chợ bắt gặp xử phạt thì họ cãi cố và không chịu đóng tiền phạt.
Trong khi đó, chính quyền địa phương lại chưa có những biện pháp mạnh tay để xử lý triệt để tình trạng này.
Rác thải ứ đọng tại bờ sông không chỉ gây ô nhiễm nặng nề cho nguồn nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người xung quanh. Ngày nào khu chợ này cũng bốc lên những mùi tanh hôi nồng nặc, khó chịu.
"Tình trạng ô nhiễm rác thải này đã diễn ra 9 năm. Chúng tôi đã tuyên truyền, kêu gọi mọi người giữ vệ sinh môi trường, đưa ra các quy định xử phạt nhưng người dân không tuân thủ.
Có những lần tôi thu giữ, thậm chí đập nát hàng trăm chiếc bô đi vệ sinh của người dân để bắt họ đi vào nhà vệ sinh của chợ nhưng vẫn bất lực.
Tôi chỉ mong sao bên UBND xã có những biện pháp triệt để để trả lại cảnh quan cho khu chợ và con sông Ròon”, Ông Hổ bức xúc nói.
Trong khi ban quản lý và chính quyền gần như bất lực, thì ý thức của người dân nơi đây vẫn dừng lại ở con số không. Khi hỏi về lý do không đưa rác đi tập kết đúng nơi quy định, chị Hồng (người bán cá tại chợ) lớn giọng cho biết: “Không phải một mình tôi đổ rác tại đây, tôi không đổ thì cũng có người khác đổ”.
Từ suy nghĩ đó, gần như việc xả rác ra sông Roòn đối với người dân ở chợ Cảnh Dương là điều hiển nhiên và rất bình thường.
Liên lạc với UBND xã Cảnh Dương về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại sông Roòn nhiều năm nay, ông Nguyễn Xuân Đức (cán bộ nông nghiệp môi trường xã Cảnh Dương) cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng phủ lấp kè biển bằng bê tông hoàn toàn để ngăn chặn hành vi vứt rác xuống bờ sông.
Đồng thời tuyên truyền hơn nữa để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho tiểu thương và người dân xung quanh chợ”.