Tiêu hủy thịt heo, xúc xích “xách tay” từ Trung Quốc để tránh dịch bệnh

Ngọc Ánh, Theo Người lao động 23:02 11/09/2018
Chia sẻ

Ngoài kiểm soát tình trạng buôn lậu, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, các sản phẩm thịt heo, kể cả thịt đã chế biến chín dạng quà biếu, “xách tay” từ Trung Quốc sẽ bị tiêu hủy.

Thông tin trên được ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định với báo chí bên lề hội thảo chia sẻ thông tin về bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) tổ chức ngày 11-9 tại TP HCM.

Theo ông Đàm Xuân Thành, sở dĩ Việt Nam không cấm nhập khẩu thịt heo và sản phẩm thịt heo từ Trung Quốc khi nước này xảy ra dịch tả heo châu Phi vì Việt Nam chưa cho phép nhập khẩu chính ngạch với thịt heo Trung Quốc.

"Việc nhập khẩu các mặt hàng này từ Trung Quốc trước giờ đều là nhập lậu. Để chặn dịch ASF xâm nhập, cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát biên giới. Tất cả sản phẩm thịt heo, sản phẩm chế biến từ thịt heo từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam, kể cả dưới hình thức quà tặng của cư dân biên giới đều bị bắt giữ và xử lý, tiêu hủy. Trước khi tiêu hủy, sản phẩm sẽ được lấy mẫu để xét nghiệm virus ASF" – ông Thành nhấn mạnh

Tiêu hủy thịt heo, xúc xích “xách tay” từ Trung Quốc để tránh dịch bệnh - Ảnh 1.

Thịt heo chế biến chín vẫn có khả năng mang mầm bệnh tả heo

Theo cảnh báo từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), thịt heo, kể cả các sản phẩm thịt đã nấu chín là một trong những nguyên nhân chính làm lây lan dịch bệnh. Thực tế, Hàn Quốc đã ghi nhận một hành khách từ Trung Quốc đi đường hàng không mang theo 150 kg thịt heo đã qua chế biến (xúc xích) nhưng khi xét nghiệm mẫu đã phát hiện virus ASF trong sản phẩm.

Các chuyên gia đánh giá các dạng thịt heo và sản phẩm chế biến từ heo được "xách tay" từ vùng dịch về Việt Nam là mối nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

Trước tình hình trên, Cục Thú y đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải và các hãng hàng không yêu cầu hành khách đi trên các phương tiện giao thông từ các nước đang có dịch ASF phải khai báo và tiêu hủy sản phẩm thịt heo nếu họ mang theo.

Theo Tổ chức Thú y thế giới, Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, từ cuối năm 2017 đến ngày 10-9, trên thế giới đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có bệnh ASF, tổng số heo phải tiêu hủy là 500.000 con. Tại Trung Quốc, đã có 14 ổ dịch xảy ra, tổng số heo đã phải tiêu hủy là 38.000 con và đang có xu hướng dịch chuyển sang phía Nam (giáp biên giới Việt Nam).

ASF là bệnh rất nguy hiểm trên heo vì không có thuốc chữa, khi phát hiện 1 mẫu dương tính với bệnh cách đối phó là tiêu hủy toàn bộ đàn heo (kể cả heo lành) trong bán kính 3 km.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày