Khánh Linh Tường (28 tuổi, Hà Nội) là trưởng phòng truyền thông của 1 công ty du lịch. Cô nàng đã theo đuổi trào lưu nghỉ hưu sớm từ khi nhận mức lương 20 triệu đồng. Cô nàng kỳ vọng chỉ làm việc kéo dài 10 - 20 năm tới.
Nói về nghỉ hưu sớm, cô quan niệm: "Bấy giờ, mình không còn áp lực về chuyện kiếm tiền, chứ không phải là nghỉ làm và sống hưởng thụ".
Nói cách khác, với Linh Tường, nghỉ hưu sớm là từ bỏ đi làm công ăn lương nhàm chán, sau đó tiến vào trạng thái nghỉ ngơi và làm những công việc mình yêu thích. Để làm được điều này, cô nàng nhấn mạnh phải chuẩn bị tài chính thật kỹ càng.
Ảnh minh hoạ
Cô nàng áp dụng quy tắc 25x và quy tắc 4% trong việc tính toán số tiền và danh mục đầu tư cần chuẩn bị để nghỉ hưu sớm.
- Đầu tiên, quy tắc 25x cho rằng chúng ta cần tích lũy được con số gấp 25 lần tổng chi phí sinh hoạt hằng năm, để có thể nghỉ hưu yên ổn. Từ khi nhận được mức lương 20 triệu đồng cho đến nay, Linh Tường đều áp dụng quy tắc này để tính toán con số cụ thể mà mình muốn, tùy theo từng mức thu nhập và chi tiêu.
Ví dụ: Ở mức lương 20 triệu đồng, Linh Tường dành 120 triệu đồng/năm cho chi phí sinh hoạt, đồng thời mỗi tháng để dành 10 triệu đồng vào quỹ tiết kiệm. Để có thể nghỉ hưu yên ổn, theo quy tắc 25 năm, cô cần ít nhất 3 tỷ đồng.
Thời điểm bấy giờ, với mức tiết kiệm 10 triệu đồng/tháng, cô cần bỏ ra (3 tỷ đồng/10 triệu đồng/12 tháng) = 25 năm làm việc và tích lũy. Nếu không muốn thời gian đi làm kéo dài 25 năm thì cô phải tích luỹ và chăm chỉ hơn nữa.
- Thứ hai, quy tắc 4% trả lời câu hỏi, với mức tiết kiệm 3 tỷ đồng thì từ năm nghỉ hưu thứ 26, bạn lấy đâu ra tiền để trang trải sinh hoạt phí. Đây là lúc quy tắc 4% hoạt động song hành cùng quy tắc 25x.
Cụ thể hơn, trong quá trình tích luỹ 3 tỷ đồng, Linh Tường phải xây dựng được 1 danh mục đầu tư với lãi suất kỳ vọng 4%/năm, hoặc hơn nếu có khả năng đầu tư tốt.
Với sức mạnh của lãi kép, từ số tiền tích lũy 3 tỷ đồng, cô nàng sẽ có thêm 120 triệu đồng tiền lãi, vừa vặn với mức chi tiêu 1 năm. Bấy giờ nếu rút 4% lãi suất này để sử dụng, cô nàng hoàn toàn không cần tiêu đến 3 tỷ đồng kia.
Tóm lại, bài toán nghỉ hưu của Linh Tường là kiếm đủ số tiền gấp 25 lần chi phí sinh hoạt 1 năm, sau đó đem số tiền đó đi đầu tư để mức sinh lãi kỳ vọng khoảng 4%-7%/năm.
Một trường hợp khác, Hoàng Kim Chi (29 tuổi, Hà Nội) đang làm trưởng phòng của một công ty chuyên về tài chính, có lương cứng khoảng 30 triệu đồng/tháng. Cô nàng đã có kế hoạch tự do tài chính và nghỉ hưu sớm từ những năm 22 - 23 tuổi.
Hoàng Kim Chi. Ảnh: NVCC
Để hướng đến mục tiêu, cô nàng dùng 3 trụ cột chính về tài chính cá nhân mà nghỉ hưu sớm mang lại: Lên kế hoạch tài chính kỹ càng - Kỷ luật trong cách sử dụng tiền - Đầu tư thông minh. Việc ứng dụng ncác trụ cột này vào quản lý tài chính giúp Kim Chi đạt được "tự do tài chính" ngay ở thời điểm hiện tại. Xa hơn nữa thì là mục tiêu nghỉ hưu sớm ở tuổi 40 - 45.
Với Linh Tường, cô đang chia nhỏ 2 mục tiêu để nghỉ hưu sớm gồm học cách tiết kiệm và tối đa hoá nguồn thu nhập. Cụ thể:
- Thứ nhất, học cách tiết kiệm
Từ hồi nhận lương 20 triệu đồng cho đến khi tổng thu nhập gia tăng, Linh Tường vẫn chỉ dành 10 triệu đồng cho sinh hoạt phí. Bản thân Linh Tường không chạy theo lối sống nào mà chỉ tập trung vào sự tối giản nhất có thể.
Cô nàng dùng 10 triệu đồng để bao quát các nhu cầu cơ bản như tiền ăn ở, xăng xe và 1 khoản nhỏ dành để đầu tư cho kiến thức, đình đám phát sinh. Đôi khi muốn tiết kiệm nhiều hơn, cô gái sẽ giảm chi phí như tiền cafe, ăn ngoài, tiệc tùng cùng bạn bè, mua sắm... Thay vào đó là tự nấu ăn, chế biến các loại đồ uống khác thay thế, chần chừ trước các quyết định mua sắm hoặc lựa chọn phương án thay thế với giá thành rẻ hơn.
- Thứ hai, tối đa hoá nguồn thu nhập
Từ lâu, Linh Tường đã duy trì làm công việc văn phòng và nhận thêm dự án bên ngoài. "Một ngày làm đến 14 tiếng là chuyện bình thường, kiệt sức là điều đương nhiên, chính vì thế mình hay có những kỳ nghỉ ngắn hạn để lấy lại sức", cô nàng cho hay.
Bên cạnh đó, để thành công với quy tắc 4%, hiện Linh Tường đã tìm hiểu các danh mục đầu tư, quản lý tài chính. Cô nàng không dồn toàn bộ nguồn lực để đầu tư vào một loại tài sản, mà luôn chia nhỏ số tiền để đầu tư theo giai đoạn.
Ảnh minh hoạ
Còn với Kim Chi, cô cho rằng để đạt mục tiêu nghỉ hưu sớm, cô chắc chắn phải trải qua một tuổi trẻ làm việc và kiếm tiền hết mình. Theo đó, "Không nợ nần gì ai, bỏ qua những khoản chi tiêu không đáng có, có một lộ trình rõ ràng về kế hoạch nghỉ hưu sớm", là nguyên tắc của Kim Chi.
- Thứ nhất, tiết kiệm tiền với lương cứng 30 triệu đồng/tháng
Kim Chi cho hay: "Mình không muốn sống quá tằn tiện. Nhưng vì mục tiêu nghỉ hưu sớm, mình đã lựa chọn cắt giảm gần như toàn bộ các khoản chi tiêu không đáng có".
Một số biện pháp Kim Chi đã áp dụng kể đến như: Giảm mua sắm quần áo và đồ đạc linh tinh; không bỏ tiền để duy trì các mối quan hệ không cần thiết, thay vào đó là tập trung vào gia đình, bạn bè thân thiết và một vài người đồng nghiệp lâu năm; không ăn uống sang chảnh, chạy theo bất cứ lối sống nhanh nào... Nhờ đó, mỗi tháng cô có thể để được 50% thu nhập vào tài khoản tiết kiệm, có lúc lên tới 60% nếu tiền lương tăng.
- Thứ hai, gạt bỏ các khoản nợ nần
"Nếu làm trong ngành Tài chính, bạn sẽ hiểu được cách hoạt động của dòng tiền và lãi suất. Trên thực tế, lãi kép chỉ có ích với những người có tiền, nhiều tiền. Còn với những người thu nhập bằng lương tháng, 1 năm chưa kiếm nổi 1 tỷ, thì mình nghĩ hãy tránh xa các khoản nợ.
Thường thì mình rất sợ khi nghe thấy tin bạn bè vay tiền, thế chấp ngân hàng để mua nhà, mua đất, rồi trả góp hàng chục năm. Lãi kép khi này đúng là kỳ quan thứ 8, nhưng bên có lợi là ngân hàng, chứ không phải bạn", Kim Chi kể.
Với kế hoạch dài hạn, Kim Chi tập trung vào tích luỹ tài sản, "nói không" với các khoản nợ. Bên cạnh đó, cô đầu tư phát triển bản thân và kiếm thêm tiền nhờ công việc chính.
- Thứ ba, đầu tư thông minh
Kim Cho cho hay: "Không nhất thiết bạn phải là 1 nhà đầu tư tài giỏi, 1 năm kiếm lại 15-20% tiền lãi. Bạn chỉ cần nhận định đúng rằng, nếu chỉ cần rút 4% từ khoản đầu tư 25 lần kia, nghĩa là kỳ vọng lãi suất bạn nhận về chỉ cần đạt từ 5-9%. Đây là con số lý tưởng, và thực hiện đầu tư dài hạn mới là đúng đắn. Khi này, khoản tiền tích lũy được bạn có thể đầu tư dần vào đất đai, vàng bạc.
Còn phần bảo hiểm, chỉ là để đảm bảo khi sức khỏe có vấn đề, mình sẽ được hỗ trợ tối đa về tiền thuốc thang, chạy chữa. Thực chất của việc đầu tư bảo hiểm, chính là đầu tư cho sức khỏe tương lai. Không nên tính khoản tiền lãi này vào con số 4% kia".