Bạn định nghĩa như thế nào về cuộc sống? Đó sẽ là cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ hay đơn giản, chỉ là một hành trình. Nếu chỉ xem đó là chuyến đi nhất định phải lên đường thì có lẽ, việc sống bao nhiêu năm, thắng hay thua... bỗng chốc trở nên không quá
quan trọng. Điều được ưu tiên nhiều hơn là chúng ta sẽ sống như thế nào và trong suốt chặng đường của mình, có luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hay không.
Tuổi 20 rực rỡ thanh xuân, bao nhiêu ước mơ đang ở trước mắt nhưng chàng trai có cái tên thật mạnh mẽ - Huỳnh Tấn Mạnh (Tấn Trách, Long An) lại phải gắn chặt với bệnh viện vì căn bệnh suy thận quái ác. Thế nhưng, thay vì nghĩ mình đã đi được bao xa, làm được những gì, Mạnh lại luôn hướng tầm nhìn của mình vào hiện tại và tương lai. Mong muốn lớn nhất của cậu là sống tốt từng ngày dẫu biết rằng, ngày mai thức dậy, rất có thể mình sẽ phải bước qua ranh giới của cái chết.
Chàng trai bị suy thận giai đoạn cuối vẫn nỗ lực kiếm tiền bằng những cây bút cột chỉ tuyệt đẹp
Từ nhỏ, Mạnh đã có thể chất khá yếu đuối, gầy gò. Bạn bè hay trêu chọc, gọi cậu bằng biệt danh Huỳnh Gam Ốm Yếu (chữ Huỳnh là họ của Mạnh, tên đệm Tấn bị chuyển thành Gam). Vừa lạ tai, vừa hài hước lại đúng với ngoại hình của Mạnh nên biệt danh ấy đã gắn bó với cậu suốt nhiều năm. Khi gọi tên như thế, cả Mạnh và bạn bè đều cảm thấy rất vô tư, nghĩ rằng đó chỉ là một cách nói vui. Ít ai biết rằng, ngay từ lúc đó, một nỗi đau đã âm thầm bén rễ từ bên trong con người Mạnh.
Từ nhỏ, trông Mạnh đã khá gầy yếu.
Trong một lần sốt cao, phải nhập viện, Mạnh và cả gia đình đã vô cùng bất ngờ khi biết cậu mắc bệnh hiểm nghèo. Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, khoa thận nhân tạo, bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) cho biết, cậu bị suy thận giai đoạn cuối.
Nghe tin dữ, trong nhiều ngày, Mạnh tỏ ra chán chường. Một hôm, khi cả nhà không ai để ý, một mình cậu đã leo lên tận tầng 4, muốn nhảy xuống với ý định quên sinh. Rất may là Mạnh đã được người trong nhà cứu kịp thời. Nhắc đến kỉ niệm này, Bà Phạm Thu Vân (mẹ của Mạnh) không cầm nổi nước mắt. Thương con, người mẹ không biết làm cách nào khác là tìm mọi lời lẽ để khuyên giải cậu nên kiên trì, tiếp tục sống không chỉ vì mình mà còn bởi những người thân bên cạnh.
Hai mẹ con Mạnh.
Cuộc sống của Mạnh gắn liền với chiếc máy chạy thận nhân tạo.
Cũng từ sau ngày đó, đều đặn một tuần 3 lần, Mạnh theo mẹ đi từ Long An lên bệnh viện Chợ Rẫy để chạy thận nhân tạo. Hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, bà Vân chuyên nghề cấy, gặt thuê trong khi cha của Mạnh làm nghề thợ xây. Thu nhập của cả hai cộng lại cũng không đáng là bao, chỉ đủ lo ăn, lo mặc cho cả gia đình.
Vì chạy chữa cho Mạnh, cả hai phải ra sức làm thuê, làm mướn, vất vả gấp 2-3 lần so với trước kia. Mỗi buổi sáng từ tinh mơ, bà Vân đã tất bật với công việc cấy thuê. Hôm nào phải đưa con đi viện là bà về sớm, lo cơm nước rồi hai mẹ con bắt xe buýt lên thành phố. Con đường dài đi mãi thành quen, bà Vân cũng mất hẳn cảm giác say xe. Trước đây, Mạnh rất sợ bệnh viện nhưng từ hồi thường xuyên chạy thận, cậu chỉ còn cảm thấy như mình đang lên xe, bắt đầu một chuyến đi chơi xa xa rồi lại về nhà.
Trong những ngày tháng bị bệnh, mất sức lao động và không thể tiếp tục đi học, em gái cậu mang về cây bút thắt chỉ rất xinh xắn. Cậu tò mò tháo tung ra và học cách đan lại. Dần dần, tay nghề khá lên, Mạnh trở thành chàng "nghệ nhân" có biệt tài trang trí những cây bút bi. Từ chỗ chỉ đan cho vui, cậu bắt đầu tự kiếm tiền bằng năng khiếu này.
Mỗi cây bút sau khi trừ chi phí nguyên liệu, Mạnh thu lãi 6.000 đồng. Số tiền tưởng như khá nhỏ ấy, 2 năm nay đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp 9X có thể duy trì sự sống gắn liền với chiếc máy chạy thận nhân tạo.
Mong muốn được làm thầy giáo và lần đầu tiên chạm đến ước mơ
Mạnh tâm sự, khi còn học cấp 2, cậu đã có một khao khát cháy bỏng là được trở thành giáo viên dạy Lịch sử. Cậu nói mình rất thích nhìn thấy các em học sinh chăm chú học tập. Môn Lịch sử là một bộ môn khô khan và phải học thuộc nhiều khiến đa số học sinh cảm thấy nhàm chán, không hứng thú. "Vì thế, nếu mình được lên lớp, mình sẽ thay đổi cách dạy để môn học này hấp dẫn hơn", Mạnh tâm sự.
Mạnh có biệt tài trang trí những cây bút bi.
Khiến chúng trở nên xinh đẹp, đáng yêu hơn.
Dù không nói ra nhưng Mạnh còn có một tâm nguyện khác là được gặp lại những người bạn thân học cùng ngày cấp 2. Cậu tâm sự, khi ở nhà, mỗi lần nhìn thấy các bạn mặc áo trắng đi học, đi thi, Mạnh cũng rất mong muốn được nhập cuộc. Có những lúc trong bệnh viện, Mạnh vẫn không thể nào ngưng nghĩ về ngôi trường và mơ ước được quay lại đó.
Hiểu được những ước muốn này, chương trình Điều ước thứ 7 đã có mặt và giúp đỡ Mạnh. Lần đầu tiên trong đời, sau nhiều năm không còn thường xuyên liên lạc, Mạnh có cơ hội gặp gỡ lại bạn thân, ôn lại kỉ niệm cũ. Bạn bè cậu đều đã học lên CĐ, ĐH và tất cả đều tiếc cho một tương lai đẹp, vì bệnh nặng mà trở nên dang dở của Mạnh.
Giây phút Mạnh gặp lại bạn cũ...
...Và đứng trên lớp giảng bài như một người thầy giáo.
Điều bất ngờ nhất là Mạnh được đứng trên bục giảng, thực sự trở thành người thầy giáo. Tiết học Lịch sử "3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông" được Mạnh truyền đạt rất dễ hiểu qua các hoạt động nhóm, khuyến khích thưởng điểm để thúc giục học sinh lớp 7A3, Trường THCS Long Hòa (Long An) giơ tay, phát biểu.
Chứng kiến những màn đối đáp rất hài hước giữa Mạnh và học sinh, cha, mẹ và bà ngoại của cậu đều không cầm nổi nước mắt. Họ đều ước giá như Mạnh không bị bệnh tật giày vò, biết đâu, cậu sẽ trở thành một giáo viên giỏi, tâm với nghề. Riêng Mạnh cảm thấy rất vui, cậu không đòi hỏi nhiều vì cảm thấy việc có cơ hội gặp lại bạn cũ và đứng trước bục giảng đã là một may mắn rất lớn trong đời.
Tiết giảng bài đầu tiên đầy ý nghĩa của chàng trai 20 tuổi bị suy thận giai đoạn cuối - (Chương trình Điều ước thứ 7 phát sóng ngày 13/8/2016)