Tiến Duy - Founder NhaF: Không có món đồ đắt tiền nào trong các nhà lầu biệt thự là “vô thưởng vô phạt”!

Trúc Hà/ Ảnh: An Đông/ Clip: KINGPRO/ Thiết kế: Anh Nhân, Theo Phụ nữ Số 19:12 08/02/2024
Chia sẻ

Từng tới gần 400 công trình nhà ở lớn nhỏ, Tiến Duy nhận thấy mỗi món đồ trong nhà đều có giá trị riêng với từng gia chủ.

Nếu là một người yêu thích ngắm những không gian nhà đẹp, quan tâm đến những món đồ nội thất hiện đại, thông minh hẳn đều biết tới kênh YouTube NhaF. Không những thế, NhaF còn là một trong số ít những vị khách được “đột nhập” mọi ngóc ngách trong nhà của nhiều nghệ sĩ Vbiz như Ninh Dương Lan Ngọc, vợ chồng Thu Trang - Tiến Luật, Phan Mạnh Quỳnh,... Đứng sau thành công của kênh YouTube với hơn 400k người theo dõi này là Trương Tiến Duy (SN 1991) hiện đang sinh sống tại Hà Nội.

Không chỉ là người sáng lập, Tiến Duy còn đảm nhận luôn vai trò host trong các clip review nhà cửa. Tính đến hiện tại, anh đã có hơn 5 năm, ghé thăm trên dưới 400 công trình nhà ở từ nhỏ tới hoành tráng. Đặc biệt, NhaF còn thường xuyên “săn lùng” những căn nhà biệt thự, penthouse ứng dụng đồ công nghệ để giới thiệu tới khán giả.

Ngay trước thềm năm mới, hãy cùng trò chuyện với Tiến Duy để hiểu thêm về công việc thú vị anh đang làm, cũng như biết thêm về cách chơi Tết - thưởng Tết của giới nhà giàu mà anh từng có cơ hội làm việc, tiếp xúc.

Trương Tiến Duy

Sinh năm: 1991

Cử nhân khoa Kiến Trúc - Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội

Founder NhaF

PR director PCA Architecture Vietnam (Giám đốc truyền thông Công ty Kiến trúc & xây dựng PCA Việt Nam)


Tiến Duy - Founder NhaF: Không có món đồ đắt tiền nào trong các nhà lầu biệt thự là “vô thưởng vô phạt”! - Ảnh 2.

Trương Tiến Duy - Founder kênh YouTube NhaF

Không ngại danh xưng “em rể Mai Phương Thúy”

Theo dõi video trên NhaF, nhiều người tò mò anh chỉ chọn review những căn nhà của giới thượng lưu?

Phần lớn những ngôi nhà biệt thự, penthouse mà mình từng có dịp ghé thăm đều trở nên viral, có những clip review lên tới hơn 1 triệu lượt xem. Chắc vì vậy mà mọi người hiểu nhầm mình chỉ làm về nhà của giới thượng lưu.

Định hướng của mình không chỉ là review những căn nhà rộng, có diện tích hoành tráng mà mình tập trung hơn vào việc giới thiệu thiết kế, cách chọn nội thất đẹp. Ngay cả những ngôi nhà nhỏ trong ngõ chỉ có diện tích khoảng 30m2 nhưng nếu có lối thiết kế đẹp, ấn tượng, hiện đại mình vẫn ghé thăm và chia sẻ với khán giả.

Nhiều người chỉ biết đến anh với danh xưng “em rể Mai Phương Thúy”. Anh nhận thấy đây là lợi thế hay một sự áp lực?

Chắc chắn rồi, đây cũng là lợi thế của mình khi bắt đầu xây dựng NhaF. (Cười). Chị Mai Phương Thúy là một người rất thành công và khi mình startup, chị cũng đã hỗ trợ nhiều.

Áp lực khi bị gắn nhãn “em rể Hoa hậu Mai Phương Thúy” thì mình nghĩ là không. Mình thấy đó là động lực, niềm vui và chị cũng là hình tượng để mình cố gắng hướng đến được thành công như vậy.

Tiến Duy từng ghé thăm nhiều ngôi nhà của các nghệ sĩ nổi tiếng

Tại sao anh ưu tiên những căn nhà hiện đại, smarthome hơn là những lâu đài full gỗ hay dát vàng?

Thực tế những ngôi nhà thiết kế theo kiểu lâu đài full gỗ hay dát vàng thì ở Việt Nam mình số lượng không nhiều và cũng có những đặc trưng riêng của công trình đó. Tuy nhiên vì mình mong muốn hướng đến sự đa dạng cũng như những thiết kế có tính ứng dụng cao để người xem có thể áp dụng nên mình không quá tập trung vào những công trình như vậy.

Vì sao giờ vẫn nhiều người giàu thích nhà đầy gỗ, sập gụ tủ chè, tràng kỷ,...? Phải chăng người ngoài chê nhưng người sành mới hiểu được?

Mình nghĩ điều này đến từ những nét truyền thống về quan điểm thẩm mỹ của người Việt từ xưa đến nay. Như mọi người thấy những món đồ nội thất này rất dễ bắt gặp trong các tư liệu hình ảnh hoặc trong những bộ phim. Những ngôi nhà đặc trưng của Việt Nam sẽ là tường gạch, mái ngói và bên trong nhà sẽ là những đồ đạc làm từ gỗ.

Tuy nhiên ở hiện tại, xu hướng nội thất cũng đã thay đổi rất nhiều, mọi người cũng tiếp xúc đa dạng với các phong cách thiết kế. Bên cạnh đó, những món đồ nội thất nhập khẩu cũng phong phú hơn, dễ dàng tiếp cận hơn nên đôi khi không nhất thiết cứ dùng tràng kỷ, sập gụ tủ chè như ngày xưa mới là nhà có điều kiện nữa.

Về việc khen chê thì mình nghĩ đó là nhu cầu, quan điểm và thẩm mỹ cá nhân. Cũng giống như việc đi ăn, có người thích món này, có người thích món kia nên sẽ rất khó để đánh giá cái nào ngon, cái nào dở.

Tiến Duy - Founder NhaF: Không có món đồ đắt tiền nào trong các nhà lầu biệt thự là “vô thưởng vô phạt”! - Ảnh 4.

Thay vì chê thẳng với gia chủ, thì sẽ nói: “Ước gì có thêm…”

Tìm được những ngôi nhà có giá trị chục tỷ trở lên để ra video đã là một điều khó, phải trò chuyện thế nào để chủ nhà sẵn sàng đồng ý cho review?

Đầu tiên, chắc chắn phải thể hiện được sự uy tín về kênh nội dung mà mình đang xây dựng. Thứ hai, mình sẽ nói chuyện với chủ nhà về mục đích review, tập trung vào các phong cách thiết kế độc đáo, những món đồ nội thất hiện đại có tính ứng dụng cao. Và cuối cùng, một nguyên tắc quan trọng là tôn trọng chủ nhà, sở thích cá nhân và chỉ chia sẻ thuần về nhà cửa, không nhắc tới những vấn đề khác như tài chính, tiền bạc,...

Đi review nhiều nhà giàu, anh nhận thấy sự đầu tư của họ cho không gian sống như thế nào?

Họ dành rất nhiều tâm huyết để có một không gian sống đúng như ý thích. Trước đây chúng ta quan niệm ăn no mặc ấm nhưng hiện tại nhu cầu chung là ăn ngon mặc đẹp. Mình vẫn hay nói vui là giờ nhà nào cũng đã có điều hòa - món đồ căn bản nhưng với giới thượng lưu, họ đầu tư hơn thế, mong muốn không khí sạch hơn, phải có máy lọc không khí, máy hút ẩm,...

Mỗi món đồ có mặt trong nhà sẽ đều có một mục đích sử dụng riêng. Mình chưa tìm ra món đồ đắt tiền nào lại “vô thưởng vô phạt” cả.

Thành quả trong hành trình 5 năm review hơn 400 công trình nhà ở của Tiến Duy

Đâu là không gian mọi người thường ngại chia sẻ nhất và nơi nào sẽ được “flex” nhất trong nhà?

Ngại chia sẻ nhất sẽ là phòng ngủ hoặc phòng làm việc. Bởi vì đây là 2 không gian quan trọng, mang tính riêng tư trong công trình của họ.

Những nơi muốn “flex” nhất chắc chắn là phòng giải trí, phòng khách. Một số nhà mình từng đến, họ dành nhiều tiền đầu tư cho khu vực bếp, họ sẽ muốn khoe nơi đó. Nhìn chung, họ sẽ muốn “flex” những nơi sinh hoạt chung hoặc là những không gian mở cửa bước vào sẽ nhìn thấy đầu tiên.

Tiến Duy - Founder NhaF: Không có món đồ đắt tiền nào trong các nhà lầu biệt thự là “vô thưởng vô phạt”! - Ảnh 6.

Có một “kiếp nạn” nào đó trong hành trình review nhà của anh không?

Mình hay gọi đây là “rủi ro nghề nghiệp”.

Có một số công trình ban đầu chủ nhà đồng ý cho mình review nhưng sau khi quay, chuẩn bị sản xuất gia chủ lại “quay xe”, không muốn chia sẻ nữa. Lý do vì họ không tự tin lắm hoặc không chuẩn bị tâm thế khi ngôi nhà mình được quá nhiều người quan tâm.

Nếu thấy một chi tiết chưa ưng ý trong nhà, anh sẽ góp ý thế nào với gia chủ?

Khi đủ thân thiết, gần gũi với gia chủ mình sẵn sàng góp ý thẳng thắn. Thậm chí có một số người còn chủ động xin ý kiến, nhận xét của mình để xem có cần thay đổi chỗ nào không.

Thường mình sẽ không chê mà nói rằng: “ước gì” nhà có thêm không gian này hoặc “nếu như” có thêm món đồ này thì sẽ trở nên hoàn hảo hơn. Cách nói này vẫn có sự tư vấn nhiệt tình mà không tạo cảm giác khó chịu với người đối diện.

Tiến Duy - Founder NhaF: Không có món đồ đắt tiền nào trong các nhà lầu biệt thự là “vô thưởng vô phạt”! - Ảnh 7.

Trang trí Tết, thú chơi cây của chủ nhân biệt thự, penthouse có gì đặc biệt?

Gần đây, mọi người tranh cãi khá nhiều về những món đồ nội thất quen thuộc nhưng lại có mức giá khá đắt đỏ. Điều gì khiến giới thượng lưu vẫn chi khoản tiền lớn để mua 1 món đồ trang trí nhà cửa đơn giản như vậy?

Quan điểm này của mình sẽ trái ngược với số đông một chút. Mình thấy đó là những món đồ đẹp, có câu chuyện, giá trị riêng. Và đúng là phải có kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm khi sử dụng những món đồ như vậy mới cảm nhận hết được giá trị của chúng.

Hơn nữa, những món đồ này phải nói thật, không dành cho số đông. Với những người quyết định bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu, rõ ràng họ nhận thấy giá trị, đôi khi không chỉ dừng ở việc chỉ để trang trí nhà cửa. Khi trưng trong nhà, họ có thể “flex” được tính cách riêng, gu thẩm mỹ cá nhân của mình.

Tiến Duy - Founder NhaF: Không có món đồ đắt tiền nào trong các nhà lầu biệt thự là “vô thưởng vô phạt”! - Ảnh 8.

Trong những ngày gần Tết, anh nhận thấy mức độ decor nhà của gia chủ sở hữu biệt thự, penthouse “khủng” thế nào?

Với những gia đình có điều kiện, muốn tạo điểm nhấn hay chơi Tết lớn, họ sẽ thuê người thiết kế riêng chỉ để decor, làm mới nhà cửa. Có thể là một cổng chào, khu vườn trước nhà ngập hoa hay tạo những bối cảnh theo style chợ quê ngày Tết. Cách decor sẽ đa dạng tùy vào sở thích và hiện tại thì điều này cũng không quá hiếm.

Mình biết nhiều người cho rằng đó là lãng phí vì chỉ dùng một thời gian ngắn sẽ thay đổi. Tuy nhiên mình quan niệm đó là cách họ thể hiện cá tính. Tết cũng là dịp để mọi người tụ họp, nhiều khách đến nên ai cũng muốn nhà đẹp. Do vậy, lãng phí hay đầu tư vô nghĩa thì không phải nhưng cũng nên có tính toán phù hợp.

Tiến Duy - Founder NhaF: Không có món đồ đắt tiền nào trong các nhà lầu biệt thự là “vô thưởng vô phạt”! - Ảnh 9.

Còn về thú chơi cây Tết, anh nhận thấy có gì thú vị trong những ngôi nhà biệt thự, penthouse?

Với trải nghiệm của riêng mình, nhà lớn hay nhỏ thì đến Tết mọi người đều có thú vui mua cây mai, cây đào, cây quất. Tùy vào diện tích của căn nhà sẽ chọn mức độ lớn phù hợp của cây.

Ngoài ra với những căn biệt thự mình thấy mọi người sẽ tập trung khá nhiều ở phần sân trước. Thay vì những cây cảnh có màu xanh, tán rộng như bình thường thì Tết sẽ có thêm nhiều chậu hoa nhỏ, bày thành cụm. Còn với dạng nhà penthouse, chủ yếu sẽ có sự khác biệt ở khu vực ban công hoặc sân thượng, những nơi đón ánh sáng sẽ được gia chủ tập trung thay đổi nhiều loại cây cối hơn.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

Tiến Duy - Founder NhaF: Không có món đồ đắt tiền nào trong các nhà lầu biệt thự là “vô thưởng vô phạt”! - Ảnh 10.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày