Tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 bị nổi hạch có đáng lo? Bác sĩ chỉ ra 2 nhóm người nên đi khám

Ngọc Anh, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 11:49 12/01/2022

Theo chuyên gia, nếu người tiêm vắc-xin là bệnh nhân ung thư hoặc người tiêm vắc-xin có hạch xuất hiện trên 12 tuần, nổi nhiều hạch thì nên đi khám.

Lo ngại phản ứng

Sau khi tiêm hai mũi vắc-xin Verocell từ đầu tháng 10, ngày 6/1/2022 chị Bùi Phương Trang, Hà Đông, Hà Nội đã được tiêm mũi 3 bằng vắc-xin Astrazeneca. Sau tiêm, chị Trang bị sốt cao 2 ngày, nôn ói, người mệt mỏi, đau xương khớp. Đến nay, dù đã tiêm được gần 1 tuần nhưng chị Trang vẫn thấy mệt mỏi, thậm chí chị còn bị đau mỏi răng khi nhai thức ăn.

Không riêng chị Trang, nhiều người phản ánh sau khi tiêm mũi 3, họ thấy tác dụng phụ nhiều hơn hai mũi tiêm đầu tiên. Chị Phạm Thị Mai Anh - Thanh Xuân, Hà Nội cho biết 2 mũi đầu chị tiêm vắc-xin Astrazeneca, đến mũi 3 chị tiêm vắc-xin Pfizer và về nhà đã bị sốt cao, mệt mỏi, đau nhức chỗ tiêm. Trong khi hai mũi trước hoàn toàn bình thường.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hoàng Mai, Hà Nội cũng cho biết sau vài ngày tiêm vắc-xin mũi 3, ông bị nổi hạch to ở vùng nách, gây cảm giác sưng, đau. Lo lắng không biết vì sao, ông Minh lên mạng tìm hiểu thì được biết đó là một trong các phản ứng sau tiêm vắc-xin.

Ông Minh cho biết, hai mũi trước ông cũng tiêm vắc xin Pfizer nhưng không có hiện tượng này. Khi thấy có hạch nổi, vợ con ông còn sợ hãi giục ông đến bệnh viện kiểm tra. Nhưng sau khoảng vài ngày theo dõi thì hạch nhỏ dần, không còn đau và đến ngày 11/1, ông Minh đi bệnh viện kiểm tra các nốt hạch đã biến mất.

Tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 bị nổi hạch có đáng lo? Bác sĩ chỉ ra 2 nhóm người nên đi khám - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin tại TP.HCM

Vì sao tiêm vắc-xin lại nổi hạch?

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng những phản ứng sau tiêm vắc-xin của mỗi người là khác nhau và sau những mũi tiêm vắc-xin thì phản ứng sau tiêm cũng có thể thay đổi.

BS Minh cho biết, đến nay các ghi nhận về phản ứng sau tiêm lần ba đều tương đương với những liều tiêm cơ bản và thường sẽ hết trong 2-3 ngày. Những phản ứng nghiêm trọng (như phản ứng phản vệ, viêm cơ tiêm, viêm màng ngoài tim, huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu...) cũng được ghi nhận tuy nhiên rất hiếm gặp.

Theo bác sĩ Minh người bệnh sau tiêm có thể có các triệu chứng mệt mỏi, ăn không ngon miệng, đau nhức cơ-khớp. Đây đều là những triệu chứng thường gặp sau tiêm vắc-xin COVID-19. Tuy nhiên, nhiều người khi nghe những người thân xung quanh bàn luận về việc tiêm mũi 3 với những phản ứng sau tiêm nặng nề, mệt mỏi hơn so với những liều đầu thì sẽ lo lắng, hoang mang quá độ. Vì vậy, sau tiêm vắc-xin, họ sẽ luôn tập trung theo dõi các triệu chứng của mình, nhạy cảm hơn và có thể sẽ cảm nhận mức độ nghiêm trọng hơn về phản ứng sau tiêm.

Người được tiêm chủng vẫn nên theo dõi sức khoẻ của mình sau tiêm vắc-xin COVID-19 mũi ba: 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi sức khoẻ ít nhất 7 ngày sau đó.

Đối với các triệu chứng nổi hạch sau tiêm vắc-xin, bác sĩ Hiền Minh cho biết triệu chứng này thường thấy ở người tiêm vắc-xin mRNA (Pfizer hoặc Moderna) và phổ biến hơn sau liều thứ 3 (tỉ lệ 2,7% trong số những phản ứng sau tiêm) so với sau khi tiêm 2 liều vắc-xin cơ bản (0,4%). Đây là hạch phản ứng sau tiêm và thường xuất hiện cùng bên với vị trí tiêm vắc-xin.

Triệu chứng nổi hạch với mức độ nhẹ đến trung bình (không đau hoặc đau ít, mật độ mềm, di động, không nóng đỏ hoặc đỏ nhẹ vùng da nổi hạch, không kèm triệu chứng sốt cao, kích thước nhỏ dưới 3cm) và vị trí nổi hạch thường ở nách hoặc cổ. Hầu hết, tình trạng nổi hạch xảy ra từ 1-3 ngày sau khi tiêm liều ba và thường tự khỏi sau 1-3 ngày. Triệu chứng này thường xuất hiện nhiều ở người trẻ và phụ nữ.

Nếu người tiêm vắc-xin là bệnh nhân ung thư hoặc người tiêm vắc-xin có hạch xuất hiện trên 12 tuần, nổi nhiều hạch thì nên đi khám để bác sĩ kiểm tra và đánh giá đầy đủ về bản chất của hạch, nguyên nhân nổi hạch.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến chiều ngày 11/1, cả nước đã tiêm trên 162,2 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19; riêng ngày 10/1, có gần 1,1 triệu liều vắc-xin được tiêm chủng.

Đến ngày 10/1, số liều vắc-xin phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 147.346.994 liều, trong đó có 70.338.486 mũi 1; 65.183.660 mũi 2; 1.295.563 mũi 3 (vắc-xin Abdala); 3.008.655 liều bổ sung và 7.520.630 liều nhắc lại.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc-xin là 100% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 92,6% dân số từ 18 tuổi trở lên

Có 36/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản trên 90%; 22/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều từ 80 - dưới 90%; 05/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều dưới 80%.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày