Vaccine ngừa COVID-19 đang dần được phân phối trên thế giới. Nhiều chính phủ đang thông qua những quy định để người dân của họ được tiếp cận vaccine một cách dễ dàng hơn, khuyến khích toàn dân tiêm phòng. Tuy nhiên, ở một số nơi, người dân vẫn còn băn khoăn về việc có nên tiêm vaccine vào thời điểm này hay không. Vậy việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 nên là quy định bắt buộc hay là sự lựa chọn của người dân? Đây là nội dung được các hãng tin lớn trên thế giới đăng tải trong những ngày qua.
Tại Mỹ, tâm dịch lớn nhất thế giới, Tổng thống Donald Trump cách đây ít giờ đã ký sắc lệnh đảm bảo tất cả người dân nước này được tiêm vaccine ngừa COVID-19 miễn phí. Tạp chí Forbes nhận định, sắc lệnh này được xem như là một trong những nỗ lực phòng dịch đáng ghi nhận cuối cùng của ông Trump trong nhiệm kỳ của mình.
Trước đó, Nga và Anh đã chính thức triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 miễn phí trên diện rộng. Còn Indonesia cũng vừa nộp đơn lên Cơ chế Tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu (COVAX) nhằm đảm bảo có được vaccine cho 20% dân số của họ. Khi có vaccine, người dân Indonesia sẽ được tiêm chủng hoàn toàn miễn phí. Rõ ràng, các quốc gia đang tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận vaccine dễ dàng. Và nay quyết định hoàn toàn ở người dân.
Tại Anh, quốc gia châu Âu đầu tiên tiêm đại trà vaccine COVID-19, mặc dù tôn trọng sự tự nguyện của người dân, Thủ tướng Boris Johnson đã kêu gọi những người phản đối vaccine và cả những người còn đang lưỡng lự hãy vì cộng đồng. Ông Johnson nhắc đến cụ bà Margaret Keenan, 90 tuổi, rất hân hoan khi là một trong những người Anh đầu tiên lựa chọn tiêm phòng COVID-19. Tuy nhiên, nhiều người khác lại chần chừ, băn khoăn khi phải quyết định có nên tiêm vaccine vào thời điểm này hay không?
Việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 nên là quy định bắt buộc hay là sự lựa chọn của người dân? (Ảnh: AP)
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chần chừ với vaccine là do thông tin sai lệch tràn lan trên mạng. Bên cạnh thông tin sai lệch, báo điện tử của Dịch vụ Y tế công của Anh đã chỉ ra rằng, nỗi sợ hãi mắc các chứng bệnh khác khiến nhiều phụ huynh không cho con đi tiêm vaccine COVID-19. Điển hình là lời đồn về bệnh tự kỷ là do vaccine. Một cựu bác sĩ người Anh đã liên hệ sai lầm vaccine ngừa sởi, quai bị, Rubella với chứng bệnh tự kỉ. Hệ quả là phải mất gần 2 thập kỷ để tỷ lệ tiêm chủng ở Anh được hồi phục.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, các quốc gia chỉ nên khuyến khích, không bắt buộc người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19. Giám đốc Bộ phận tiêm phòng của WHO thừa nhận, việc thuyết phục công chúng tiêm phòng ngay lập tức là một thử thách lớn.
Tuy nhiên, câu chuyện về vaccine vẫn chứa đựng những thông điệp tốt đẹp, đó là sự chiến thắng đối với loại virus mới dựa vào khả năng và nỗ lực tuyệt vời của con người. Những người còn hoài nghi vaccine có thể được thuyết phục bằng suy nghĩ tích cực này.
"Vaccine là một công cụ tuyệt vời, nhưng hiệu quả của vaccine là tạo nên rào cản miễn dịch vẫn còn xa", đây là trả lời của người phát ngôn WHO đối với câu hỏi từ báo giới rằng, liệu vaccine có kịp đẩy lùi làn sóng dịch thứ 3 hay không. Theo người phát ngôn WHO, những việc phải làm để ngăn chặn số ca mắc tăng cao hiện nay vẫn là thực hiện các biện pháp y tế công cộng gồm giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay, phát hiện - truy vết các ca bệnh và tiếp xúc để cách ly và điều trị.