Hơn 30 năm qua, người dân sống gần sân ga Đà Nẵng đã quá quen thuộc với hình ảnh bà chủ cụt tay Lê Thị Hải (54 tuổi, quê Điện Bàn, Quảng Nam) cùng chồng là ông Lê Thông (60 tuổi) cứ chập choạng tối lại tất bật dọn hàng bánh tráng nướng ra góc sân ga Đà Nẵng để mưu sinh.
Tận dụng góc vỉa hè để đặt chiếc lò than nướng bánh và vài vỏ lon sữa để làm bàn ăn, thế nhưng, suốt 30 năm qua, nơi đây đã trở thành điểm ẩm thực "ruột" và được giới trẻ Đà Thành gọi với cái tên siêu dễ thương: Quán bánh tráng nướng "1000 sao".
"Đầu bếp" của quán ăn này là một cụ bà bị cụt cánh tay trái.
Nhiều bạn trẻ ghé đến đây một phần vì thèm cái bánh tráng nướng vừa nóng hổi, vừa giòn rụm được tạo nên từ một người đàn bà cụt tay. Phần vì thích thú khi được nghe ông Thông kể những câu chuyện thời xưa cũ của hai ông bà. Ông có hàng tá câu chuyện như thế, chuyện ông bà quen nhau, chuyện chạy ăn từng bữa thời cơ hàn cho đến cả chuyện ông chạy xe ôm mấy chục năm nay…cứ thế ông Thông tếu táo kể không ngớt lời để mua vui cho khách.
Nơi đây được các bạn trẻ Đà Thành gọi với cái tên siêu dễ thương: Quán bánh tráng nướng "1000 sao".
Ông Thông tâm sự, ngày trước, ông bà phải làm đủ thứ nghề để nuôi ba đứa con khôn lớn. Cánh tay của bà bị cụt từ nhỏ nên gánh nặng đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của ông. Xưa, ông làm nghề xe ôm, rong ruổi khắp phố phường, nài nỉ từng vị khách để kiếm miếng cơm manh áo.
Vốn học lỏm được cách làm bánh tráng nướng từ một người quen, thấy ông Thông vất vả, bà Hải liền nghĩ đến việc buôn bán để phụ chồng trang trải cuộc sống gia đình. Cứ thế, hằng ngày, luôn tiện chạy xe ôm ở ga tàu, ông Thông kiêm thêm nhiệm vụ chở vợ ra góc sân ga để bán bánh.
Món bánh tráng nướng ở đây thì thơm ngon khỏi phải bàn. Dù chỉ còn một tay nhưng những động tác nướng bánh và nêm gia vị của bà Hải vẫn nhanh thoăn thoắt và thuần thục.
Quán nhỏ ấy vậy mà hạnh phúc quá đỗi, ông Thông giờ cũng bỏ nghề xe ôm về hẳn phụ bán với bà. Ông Thông ngồi cạnh quạt nồi than, lấy bánh vợ làm sẵn đặt lên nướng, mùi bánh thơm phức ngào ngạt cả một góc sân ga tấp nập người ra kẻ vào.
Có người mua mấy cái bánh mang theo lên tàu, cũng có đôi ba vị khách ngồi bệt nhâm nhi từng miếng bánh...
Mỗi chiếc bánh nướng như vậy chỉ có giá 5 nghìn đồng, mỗi người ăn hai đến ba cái là đủ no nê. Nhiều vị khách tranh thủ trước giờ tàu chạy cũng mua mấy cái bánh mang theo lên tàu, đôi ba vị khách cũng ngồi bệt trên chiếc ghế nhựa được đặt trên mấy cái lon ấy mà nhâm nhi từng miếng bánh một.
Bánh của bà Hải đặc trưng ở chỗ nguyên liệu đều do bà tự tay chuẩn bị. Đặc biệt là hành phi được bà xem trọng nhất, bởi theo bà bánh có ngon và thơm hay không nằm ở trứng và hành, trứng phải trải đều cùng hành phi thì bánh mới giòn và đậm vị được.
Cuộc sống mưu sinh vất vả là thế nhưng ông bà lúc nào cũng tươi cười. Có những ngày bán ế, ông lại phì cười vỗ vai bà động viên: "Khách không ăn thì mình mang về cho mấy đứa ở nhà nó ăn, có ế đâu mà lo bà nó nhỉ."
Dù chỉ có một tay nhưng những động tác nêm nếm bánh của bà Hải rất thuần thục...
Có lẽ, điều khiến thực khách ấn tượng nhất chính là cái bàn của quán, nói là bàn vậy thôi chứ thực chất là mấy cái lon sữa được ông bà nhặt về rửa sạch rồi làm bàn cho khách. Ấy thế mà, mấy cái lon ấy đã trở thành "thương hiệu" của quán suốt mấy thập kỷ qua.
"Mấy chục năm cái lon ấy đi kiếm tiền cùng mình, nhờ nó mà nuôi con khôn lớn. Chẳng phải không đủ tiền để mua mấy cái bàn mà vì mấy cái lon ấy đã gắn bó với vợ chồng suốt mấy chục năm nên tôi muốn giữ nó lại như là một vật kỉ niệm, nhắc mình nhớ thuở cơ hàn…", ông Thông cười tủm tỉm chia sẻ.
Bàn ăn là những lon sữa cũ kỹ...
Ông ngồi bên bếp than, cứ thế nướng cái này đến cái khác, ông nướng cái nào xong là đưa ngay khách ăn cho nóng. Những lúc rảnh tay được một tí ông lại say sưa kể "chém gió" với khách, bà thì chẳng nói gì chỉ nhìn ông cười rồi thi thoảng thốt lên: "Xạo vừa vừa thôi ông ơi." Thế là cả khách lẫn chủ đều được một tràng cười sảng khoái.
Cầm cái bánh nóng hổi, vừa cười hớn hở sau khi nghe ông Thông "nói xạo", bạn Lê Thị Thúy Vân (sinh viên năm 2, ĐH Sư Phạm Đà Nẵng) chia sẻ: "Nhà mình ở Huế, thế là mỗi lần ra tàu về quê lại ghé quán ông bà vừa ăn vừa đợi tàu. Quán của ông bà rất dân dã mà lại rất ngon, giá cả cũng rất hợp túi tiền nữa."
Hình ảnh hai vợ chồng cụ bà bán bánh tráng nướng tại góc sân ga đã trở nên quen thuộc với người dân Đà Nẵng.
Cưới nhau đã gần 40 năm, cuộc sống bộn bề là thế, nhưng hai ông bà luôn nương tựa vào nhau mà vượt qua tất cả. Hơn 30 năm mưu sinh trên vỉa hè, ngọt bùi đắng cay ông bà đều trải qua cả, quán bánh tráng nướng này là miếng cơm nuôi cả gia đình. Giờ cũng đã có tuổi, con cái cũng trưởng thành không cần bố mẹ nuôi nấng. Ấy thế mà hai ông bà vẫn miệt mài mở bán đều đặn, xem đó là niềm vui lúc tuổi già. Với ông, được kể chuyện là một niềm vui lớn, còn bà được nghe chuyện của ông cũng cảm thấy hạnh phúc bội phần.