Việc học tập của con trẻ ngày càng căng thẳng nên các bậc phụ huynh luôn tìm đủ cách để bảo vệ sức khỏe cho con, đặc biệt là đôi mắt. Cũng vì lý do này, không ít phụ huynh đã bị thuyết phục trước lời quảng cáo hấp dẫn về các thiết bị có khả năng bảo vệ mắt.
Đặc biệt, tại Trung Quốc, có một sản phẩm được xem là "lừa" thành công những gia đình có con nhỏ đang trong độ tuổi đi học. Đó chính là đèn đứng - một thiết kế được quảng bá là có tính năng bảo vệ mắt vượt trội.
Theo thông tin tổng hợp từ phía người bán, thiết kế đèn đứng sở hữu ánh sáng toàn phổ mô phỏng ánh sáng tự nhiên của mặt trời. Điều này sẽ đem đến nhiều lợi ích cho đôi mắt vì ánh sáng toàn phổ có độ sáng tự nhiên, giúp mắt dễ chịu và ít mỏi nhức khi nhìn lâu.
Tuy nhiên, điều "gây sốc" đó là chỉ với tính năng này, thiết kế đèn đứng được bán với mức giá cao ngất, dao động từ 3 - 6 triệu. Nhiều netizen xứ Trung bày tỏ sự ngạc nhiên trước con số này. Họ cho rằng thiết kế đèn không mấy phức tạp, tính năng không hẳn vượt trội nhưng mức giá lại có phần "lố bịch".
Một số người thẳng thẳn cho rằng phía người bán đang "thần thánh hóa" cây đèn và cố tình nhắm vào nỗi lo của các bậc phụ huynh. Bởi ngoài việc quan tâm đến sức khỏe tổng thể thì thứ làm phụ huynh lo ngại nhất chính là sức khỏe đôi mắt, do hiện nay trẻ em Trung Quốc sinh hoạt và học tập nhiều trong môi trường ánh sáng nhân tạo.
Từ nỗi lo này, cộng thêm tin tưởng vào sự tiện ích của cây đèn, nhiều phụ huynh dù đắn đo lên xuống cũng nhanh chóng chuyển thành: sẵn sàng chi tiền cho con. Để rồi số lượng người mua thì nhiều, số lượng người hối hận cũng chẳng ít.
Một bộ phận netizen giải thích thêm, vấn đề cận thị cũng như sức khỏe đôi mắt của trẻ nhỏ vốn không phụ thuộc hoàn toàn vào đèn học. Do đó, đèn đứng tiền triệu chỉ đang "lừa gạt" ví tiền chứ không thực sự hiệu quả.
Thiết kế này còn được cho là tồn tại ít nhất 4 điểm hạn chế:
1. Dễ bị nóng trên đầu
Đèn đứng có thiết kế vuông vắn với giá đỡ cao, chiếu thẳng ánh sáng xuống đỉnh đầu. Vậy nên khi ngồi học từ 2 - 3 tiếng trở lên sẽ tạo cảm giác nóng râm ran như có máy sưởi lơ lửng trên đầu. Trong trường hợp để đèn xa đỉnh đầu thì lại ảnh hưởng đến hiệu quả chiếu sáng.
Là một trong những người đã trải nghiệm đèn đứng, cư dân mạng @Yourjuice chia sẻ: Tôi sẽ miêu tả ngắn gọn nhất để bạn dễ hiểu. Đó là dù chọn chế độ ánh sáng thấp nhất thì cũng chẳng khác nào đang bật lò sưởi trên đầu. Dùng thì thấy không thoải mái, mà không dùng thì lại tiếc tiền.
Cư dân mạng @Apple cũng ngậm ngùi: Ngồi dưới đèn đứng đọc sách, tôi thấy nóng và chói mắt nên đã phải tắt ngay.
2. Ánh sáng không đều
Vấn đề đèn đứng bảo vệ mắt, thực tế chúng chỉ hiệu quả khi sử dụng trong điều kiện tiêu chuẩn nhất định. Chẳng hạn như dùng đèn trong phòng có đủ ánh sáng. Còn nếu phòng tối tăm mà bật mỗi đèn đứng vẫn có thể dẫn đến tình trạng ánh sáng phân bổ không đều.
Một phụ huynh thông thái đã bình luận: Nhà tôi có con nhỏ đây. Tôi khuyên bạn đừng tin lời quảng cáo về đèn đứng. Ở nhà, tôi cho con sử dụng đèn học để bàn kết hợp với đèn trần, giá cộng lại vẫn rẻ hơn đèn đứng mà còn cung cấp đủ ánh sáng cho con học.
3. Quá cồng kềnh
Một nhược điểm "chí mạng" của đèn đứng đó chính là thiết kế to "quá khổ", đặt trong không gian phòng học hay phòng làm việc đều vô cùng vướng víu. Thậm chí nhiều gia đình nếu muốn dùng đèn đứng còn phải thay đổi cấu trúc bàn học, xoay đi xoay lại cực kỳ cồng kềnh. Đặc biệt nhà nào có thiết kế bàn học sát tường thì càng "nan giải" hơn nếu muốn đặt đèn đứng ở bên cạnh.
4. Sự quảng cáo quá đà
Đèn đứng thực chất vẫn có ưu điểm, chẳng hạn như ánh sáng toàn phổ tốt cho mắt. Nhưng người nhiều cho rằng, thiết kế này thực sự bị "quảng cáo quá đà" khi liên tục nhấn mạnh vào việc ánh sáng nhiều màu sắc sẽ cải thiện cận thị - mục đích là đánh trúng tâm lý sợ hãi của phụ huynh. Đấy là chưa kể nhiều nhà bán hàng còn khẳng định chắc nịch chiếc đèn này là "tốt nhất" để bảo vệ mắt.
Nhìn chung, đèn đứng có ánh sáng toàn phổ tồn tại cả ưu điểm và nhược điểm. Nếu thực sự cần mua, hy vọng các bậc phụ huynh sẽ xem xét kỹ nhu cầu của gia đình cũng như ngân sách và không gian sử dụng. Không nên mù quáng tin lời quảng cáo cũng như những lời "đe dọa" trá hình.
Nguồn: Toutiao