Theo đó, một trang mạng xã hội cho rằng hiện nay, tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng và xã Nhân Cơ, huyện Đắk G’lấp, tỉnh Đắk Nông có khoảng hơn 4.000 trẻ em có cha là công nhân Trung Quốc .
Trang mạng này cho rằng từ năm 2007, "Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đầu tư 2 dự án khai thác bauxite và thuê nhiều người Trung Quốc sang làm việc. Công nhân Trung Quốc thuê phụ nữ Việt nấu ăn. Đa số công nhân Trung Quốc muốn ở lại Việt Nam nên làm quen phụ nữ Việt để sinh con và lập giá thú. Các công nhân yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp cho họ chương trình dạy tiếng Trung Quốc cho số trẻ em này"…
Những thông tin bịa đặt trên mạng
Để làm rõ thực hư thông tin này, ngày 16-3, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến khu vực nhà máy Bauxite Tân Rai tìm hiểu thực tế và làm việc với các đơn vị liên quan.
Ông Phan Bá Thường - Tổ trưởng Tổ dân phố 21, thị trấn Lộc Thắng (nơi có hơn 30 hộ dân sống gần nhà máy Bauxite Tân Rai) - quả quyết: "Đó là những thông tin hoàn toàn bịa đặt, trên địa bàn tổ dân phố hiện không có hộ nào là người Trung Quốc".
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cũng khẳng định: "Theo báo cáo của các ngành chức năng và công tác quản lý Nhà nước về dân số, dân cư trên địa bàn huyện Bảo Lâm thì thông tin về 4.000 trẻ lai là hoàn toàn không chính xác. Trước thông tin trên, UBND huyện Bảo Lâm sẽ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra theo đúng chức năng của địa phương. Riêng những thông tin sai lệch, ảnh hưởng không tốt đến dư luận sẽ đề nghị lực lượng công an vào cuộc điều tra xử lý nghiêm trước pháp luật".
Tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ (xã Nhân Cơ, huyện Đắk G’lấp, tỉnh Đắk Lắk), cơ quan chức năng cũng phủ nhận thông tin về việc công nhân Trung Quốc kết hôn cùng người Việt Nam rồi sinh con.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ảnh C. Nguyên
Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết gần đây, nhiều thông tin cho rằng có nhiều cháu bé là con của người Trung Quốc và Việt Nam đang sinh sống trên địa bàn. Tuy nhiên, đại tá Tuyến khẳng định đó là thông tin bịa đặt vì hiện nay, không có bất kỳ cặp vợ chồng người Trung Quốc lấy người Việt Nam và đã sinh con sống trên địa bàn.
Theo thượng tá Nguyễn Hữu Lý, Trưởng Phòng Xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Đắk Nông, Nhà máy Alumin Nhân Cơ hiện có 18 người nước ngoài làm việc là các chuyên gia, phiên dịch, kế toán. Thượng tá Lý cho biết khi mới bắt đầu xây dựng công trình, nhiều người Trung Quốc tới làm việc. Cơ quan chức năng đã yêu cầu xây dựng nhà lưu trú trong khuôn viên công trình để dễ quản lý, tránh tình trạng thuê nhà ở trong dân dễ nảy sinh tình trạng yêu đương, kết hôn.
"Chúng tôi rất muốn mời báo chí, người dân cùng đi điều tra để chứng minh không có bất kỳ cặp vợ chồng người Trung Quốc - Việt Nam nào sinh sống trên địa bàn" - thượng tá Lý nói.