Theo dữ liệu thời gian thực từ Forbes, ngày 4/3/2022, Việt Nam có 6 đại diện trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.
Bảng xếp hạng của Forbes cho hay, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT Vingroup) vẫn đang là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản 6,1 tỷ USD và đứng thứ 431 trong danh sách toàn cầu. Ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Hòa Phát) đứng thứ hai Việt Nam với tài sản 3,4 tỷ USD và đứng thứ 899 trong danh sách toàn cầu.
Danh sách tỷ phú Việt Nam theo Forbes ngày 4/3
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet Air) là người giàu thứ ba theo danh sách, với tài sản 2,8 tỷ USD và đứng thứ 1091 toàn cầu. Ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank) nắm giữ vị trí thứ tư với 2,6 tỷ USD, đứng thứ 1214 toàn cầu.
Ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch HĐQT Masan) đứng thứ năm với 2,1 tỷ USD, đứng thứ 1451 và ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco) đứng thứ sáu, với 1,6 tỷ USD, đứng thứ 1862 toàn cầu.
Danh sách tỷ phú Việt Nam theo Forbes ngày 1/3
Hôm nay, xếp hạng của ông đã tăng 81 bậc và lần đầu tiên lọt top 900 trong bảng xếp hạng của Forbes.
Tài sản của ông Long tăng mạnh theo giá cổ phiếu HPG. Chốt phiên 3/3, thị giá HPG sau hai phiên điều chỉnh đã bất ngờ "bốc đầu" tăng kịch trần 6,8% lên mức 50.100 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, đi kèm với thị giá tăng mạnh, cổ phiếu HPG cũng đã lập kỷ lục về thanh khoản khi khớp lệnh hơn 76,2 triệu cổ phiếu, cao kỷ lục từ khi niêm yết tới nay.
Không những vậy, thanh khoản HPG còn chiếm tới hơn 12% thanh khoản sàn HoSE. Song, hôm nay, cổ phiếu HPG là cổ phiếu chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại bán ròng với giá trị 251 tỷ đồng.
Tỷ phú Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân vào năm 1986. Sự nghiệp của ông gắn liền với Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát mà tiền thân là công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng. Trước khi có được thành công, ông cũng từng có những giai đoạn đầy khó khăn, vất vả.
Năm 1992, ông Trần Đình Long cùng người bạn thân thiết của mình là ông Trần Tuấn Dương thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng. Đây là công ty chủ yếu buôn bán đồ cũ từ Nga về.
Sang năm 1993, ông Long cùng các cộng sự lần đầu tiên có chuyến xuất ngoại để nhập hàng. Đây được đánh giá là chuyến đi quan trọng đối với công ty và là lần đầu tiên công ty nhập hàng một cách tương đối bài bản.
Năm 1994, khi tìm mua bàn ghế cho văn phòng nằm trên đường Giải Phóng, ông Long và các cộng sự nhận ra rằng, lúc bấy giờ, các doanh nghiệp đều đang nhập khẩu bàn ghế gỗ từ Đài Loan về. Vì vậy, ông Long đã quyết định gia nhập thị trường khi thành lập công ty nội thất, tìm hiểu các nhà cung cấp từ Đài Loan cho đến Malaysia, Singapore...
Khoảng năm 1996, công ty thiết bị phụ tùng thường phải mua ống thép về làm giàn giáo. Tuy nhiên, việc mua ống thép hết sức khó khăn. Thấy rằng việc làm ống thép không khó, ông Long đã quyết định thành lập công ty Ống thép Hòa Phát, sử dụng công nghệ Đài Loan.
Sau 8 năm bán đủ thứ từ máy móc, nội thất tới ống thép, phải đến năm 2000, "thép xây dựng" mới có mặt trong danh mục sản phẩm của Hòa Phát.
Liên quan đến giới siêu giàu, ngoài 6 tỷ phú, mới đây, số triệu phú USD của Việt Nam cũng đã được bật mí.
Theo Báo cáo Thịnh vượng lần thứ 16 của Knight Frank, lượng dân số siêu giàu (UHNWI) - những người sở hữu từ 30 triệu USD trở lên - tại Việt Nam năm 2021 là 1.234 người, giảm 1% so với con số 1.247 của năm 2020, và số triệu phú USD là 72.135 người.
Số người siêu giàu tại Việt Nam dự báo sẽ tăng khoảng 26% mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, đạt 1.551. Trong khi số triệu phú năm 2026 dự kiến là 114.807 người. Như vậy chỉ 4 năm nữa, cứ khoảng 850 người Việt Nam sẽ có 1 triệu phú USD.