Thủ tướng: "Học để làm việc chứ không phải có bằng tượng trưng"

Vũ Dũng, Theo VOV 17:22 06/08/2019
Chia sẻ

"Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng chất lượng đào tạo giáo dục đại học, trung học thấp. Học ra để làm việc chứ không phải có bằng tượng trưng".

Sáng 6/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020.

Kỳ tích luôn gắn với đột phá về giáo dục đào tạo

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không có kỳ tích kinh tế hay bước nhảy vọt nào của xã hội diễn ra mà không gắn với đột phá về giáo dục đào tạo. Chính vì vậy mà Đảng ta xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Thủ tướng: Học để làm việc chứ không phải có bằng tượng trưng - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không thể chấp nhận tình trạng chất lượng đào tạo giáo dục đại học, trung học thấp.


Hành lang pháp lý đối với lĩnh vực giáo dục khá rõ ràng. Đến nay, thế giới đánh giá cao giáo dục Việt Nam đã phổ cập 99,98% trẻ 5 tuổi được đến trường, với trên 1,7 triệu trẻ. Chất lượng đại trà và mũi nhọn của ngành giáo dục đều tăng.

Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao ngành Giáo dục đã đạt kết quả tích cực, trong đó có kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua nề nếp và chất lượng hơn, đảm bảo khách quan, minh bạch, mang lại niềm tin cho toàn xã hội. Đây là nền tảng quan trọng để tổ chức kỳ thi cho các năm sau bài bản và chặt chẽ hơn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, cùng với xã hội hóa thì Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư cho ngành Giáo dục. Theo đó, cơ sở vật chất của ngành đã được bổ sung trên 5.000 phòng học, 38.000 công trình nước sạch, 60.000 nhà vệ sinh đã được xây dựng.

Người dân đồng bào dân tộc, người nghèo, người hoàn cảnh khó khăn được tạo điều kiện tốt hơn. Chất lượng giáo viên tăng lên và đã bổ sung được trên 23.000 giáo viên mầm non ở các địa phương. Một điểm nhấn nữa của ngành là đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo Thủ tướng, điều quan trọng nhất là sự chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo. Trong đó có khu vực Tây Nam Bộ, trước đây là vùng trũng của giáo dục thì qua kỳ thi vừa rồi chất lượng giáo dục của vùng đã chuyển biến tốt hơn so với một số vùng khác.

Thủ tướng cũng chỉ ra không ít yếu kém mà ngành giáo dục, như công tác rà soát sắp xếp hệ thống trường còn yếu kém, vừa thừa, vừa thiếu trường lớp, học sinh vẫn phải đi học xa nhà. Việc sắp xếp các trường sư phạm và cơ sở đại học còn chậm. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến quỹ đất để làm thiết chế trường học, nhất là hệ mầm non trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đặc biệt, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, theo Thủ tướng là chưa đúng mức. Dạy đạo đức, dạy làm người còn bất cập, chưa dành giáo trình và thời lượng chương trình cần thiết cho công tác này, khiến một số bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức lối sống, gây bức xúc xã hội...

Đóng cửa một số cơ sở giáo dục yếu kém

Nêu lên các yếu kém đó, Thủ tướng gợi ý nhiều giải pháp cho ngành giáo dục. Trong đó, về nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống mầm non, phổ thông phù hợp, tạo điều kiện cho con em và người dân.

"Yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay. Nếu chúng ta không giải quyết tốt vấn đề này thì hậu quả xã hội rất lớn, đến lúc chúng ta sẽ bị “tắc đường” trong sự phát triển”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Học để làm việc chứ không phải có bằng tượng trưng - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sự phạm, tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm, còn các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho các địa phương. Các trường đại học sư phạm phải đào tạo sinh viên ra trường trở thành những nhà giáo dục chứ không phải là “thợ dạy”.


“Nhiều trường hiện không đảm bảo điều kiện chất lượng nên có tình trạng hạ điểm chuẩn, vơ vét học sinh đầu vào với điểm rất thấp, mượn giáo viên cơ hữu, điều kiện không đủ kể cả phòng học, thư viện… Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng chất lượng đào tạo giáo dục đại học, trung học thấp. Học ra để làm việc chứ không phải có bằng tượng trưng do một trường kém chất lượng cấp”.

Thể hiện sự kiên quyết trong xử lý các cơ sở giáo dục yếu kém, Thủ tướng chỉ đạo ngành giáo dục đóng cửa một số cơ sở giáo dục kém chất lượng kéo dài; đồng thời yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra và dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh công tác giáo dục nề nếp hơn.

Về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, Thủ tướng chỉ đạo, phải tạo sự chuyển biến căn bản về vấn đề này, kể cả kỹ năng sống. Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên là nhiệm vụ của toàn xã hội, nhưng nhà trường là trung tâm. Thủ tướng nhấn mạnh, thầy cô gương mẫu là tấm gương đạo đức quý báu nhất để học sinh noi theo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ một Chỉ thị về giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên, ban hành sớm trước năm học./.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018-2019, ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai 9 nhóm giải pháp quan trọng. Trong đó, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học cũng được thúc đẩy, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Ngành cũng đã hoàn thiện chương trình cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh, ban hành chương trình môn tiếng Anh lớp 1-2, môn tiếng Anh hệ 10 năm (lớp 3-12) và các chương trình môn thứ tiếng khác theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về nhiệm vụ năm học 2019-2020, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về giáo dục đào tạo mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc, trong đó tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; Giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên...

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày