Công nghệ ngày nay giúp một số loại điện thoại có thể hoạt động dưới nước mà chẳng hề hấn gì. Tuy nhiên, không phải chú dế nào cũng tuyệt vời như vậy. Phải chăng bạn nên nói lời chia tay với thiết bị của mình khi chúng rơi xuống nước? Điều này không hẳn đúng nếu người dùng kịp thời cấp cứu máy theo những hướng dẫn sau.
1. Dĩ nhiên rồi, đầu tiên bạn phải lôi điện thoại ra khỏi nước càng nhanh càng tốt. Nhanh chóng tháo rời pin nhằm đề phòng ngắn mạch, bỏ thẻ Sim khỏi máy để cứu lấy danh bạ điện thoại (nếu còn cơ hội).
2. Kiểm tra cảm biến báo hỏng do nước (với một số dòng smartphone cao cấp). Đây là một chấm hoặc một hình vuông màu trắng nằm tại góc gần ngăn chứa pin. Nếu chấm này chuyển sang màu đỏ, đồng nghĩa rằng bạn không được nhà sản xuất bảo hành (hoặc bảo hiểm). Lúc này, mọi thứ liên quan đến việc "hồi sinh" thiết bị đều thuộc về trách nhiệm của bạn.
3. Hãy mong rằng chiếc di động không dính nước muối mà rơi xuống nước sạch (có thể uống được) sẽ khả quan hơn. Chắc chắn rồi, muối sẽ phá hủy các linh kiện trên máy rất nhanh. Trong trường hợp này, bạn hãy nhẹ nhàng rửa lại máy với nước sạch (nhớ phải bỏ pin và thẻ Sim ra ngoài) trước khi bắt đầu quá trình làm khô.
4. Lau sạch điện thoại bằng vải mềm hoặc khăn giấy. Cố gắng không di chuyển hay lắc máy quá nhiều vì nước có thể lan rộng đến những bộ phận khác.
5. Thử tìm cách hút ẩm cho máy (như dùng máy hút chân không, hộp hút ẩm...) trong vài phút. Sau đó, bạn hãy cho máy vào môi trường khô ráo, ấm áp trong vài giờ tiếp theo.
6. Cuối cùng, giữ điện thoại trong 24 giờ tại môi trường có khả năng hút ẩm cao (như thùng gạo chẳng hạn). Điều này rất hữu ích trong việc "cứu sống" chú dế.
Sau một ngày chờ đợi, bạn hãy bật máy lên và hy vọng thiết bị sẽ làm việc trở lại, không gặp thiệt hại bởi hiện tượng hao mòn hoặc ngắn mạch nhé!