Thủ phủ heo Đồng Nai trước dịch tả Châu Phi: Người điêu đứng, kẻ vẫn thờ ơ

Nhật Linh, Theo VTC 13:12 23/03/2019
Chia sẻ

Trong khi các trang trại tư nhân ở Đồng Nai điêu đứng vì giá heo hạ, tiêu thụ chậm thì nhiều chủ các trại lại thờ ơ trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Người khánh kiệt vì dân tẩy chay thịt heo...

Không nằm trong vùng dịch nhưng là tỉnh có số lượng đàn heo lớn nhất cả nước, người chăn nuôi heo ở Đồng Nai cũng gặp không ít khó khăn từ khi dịch tả Châu Phi bùng phát mạnh mẽ ở 20 tỉnh, thành phía Bắc.

Theo anh Quang, chủ một trang trại ở huyện Thống Nhất, hiện nay, sau 3 tuần qua kể từ khi dịch tả bùng phát, giá heo hơi tại đây đã xuống rất thấp, chỉ dao động từ 35.000 – 36.000 đồng/kg và lượng tiêu thụ cũng chậm lại vì đầu ra khó khăn.

“Cách đây 3 tuần, trước khi dịch bùng phát, giá heo từ 52.000 đồng/kg. Sau khi dịch tả Châu Phi bùng phát, giá heo bắt đầu giảm, mỗi ngày giảm 1.000 – 2.000 đồng, dần dần đến nay còn có 35.000 đồng/kg. Mà người ta cũng mua ít lắm. Dù dịch chưa vào đây nhưng nhiều người đã tẩy chay thịt lợn”, anh Quang cho biết.

Anh Quang chia sẻ, các trang trại chăn nuôi tư nhân như gia đình anh là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất từ khi dịch tả heo Châu Phi bùng phát, cùng sự tẩy chay của người tiêu dùng diễn ra sau đó.

Theo anh Quang, các trang trại tư nhân thường phải tự đầu tư mô hình chuồng trại, nguồn thức ăn và đầu ra cho đàn heo bằng vốn liếng cá nhân. Chính vì vậy, nếu như có xảy ra dịch bệnh hoặc giá cả xuống thấp, người nuôi sẽ gần như khánh kiệt vì toàn bộ tiền đã đầu tư cho bầy heo.

Thủ phủ heo Đồng Nai trước dịch tả Châu Phi: Người điêu đứng, kẻ vẫn thờ ơ - Ảnh 1.

Trang trại nuôi heo của gia đình anh Cao Văn Toàn có tổng đàn khoảng 1.800 con.

“Họ không hiểu hết bản chất của dịch tả nên chỉ cần nghe có dịch bùng phát thì kêu gọi nhau tẩy chay thịt heo. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình chăn nuôi của chúng tôi.

Nếu đàn heo của chúng tôi bị bệnh hoặc không thể bán thì không ai đứng ra để hỗ trợ cả, chúng tôi phải tự chịu những rủi ro có thể xảy ra, thậm chí là mất sạch vốn đã đầu tư”, anh Quang cho biết.

Để hạn chế việc bệnh dịch có thể tiếp cận và tấn công đàn heo, anh Quang đã hạn chế người ra vào trang trại và thực hiện việc sát trùng nhiều hơn. Đó là cách để anh có thể bảo vệ được tài sản của mình trước khi tình hình dịch bệnh và thị trường tiêu thụ ổn định trở lại.

Người ung dung

Trong khi những hộ chăn nuôi tư nhân lo lắng vì diễn biến phức tạp của dịch tả thì những trang trại chăn nuôi theo kiểu gia công lại tỏ ra thờ ơ trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi.

Anh Cao Văn Toàn (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, TP.HCM) cho biết, trang trại của anh nuôi khoảng 1.800 con heo và là đơn vị gia công cho Công ty CJ Đồng Nai. Theo đó, sau khi nhận heo con, thức ăn từ Công ty CJ, anh Toàn sẽ chịu trách nhiệm nuôi và chăm sóc đàn heo này cho đến khi xuất chuồng.

“Mỗi lứa heo sẽ mất khoảng 5 tháng để xuất chuồng, 1 năm như vậy chúng tôi nuôi được 2 lứa. Công ty có quy định đàn được chết khoảng bao nhiêu con, đến khi xuất chuồng đủ số lượng như yêu cầu thì công ty trả tiền công.

Thủ phủ heo Đồng Nai trước dịch tả Châu Phi: Người điêu đứng, kẻ vẫn thờ ơ - Ảnh 2.

Mô hình nuôi heo theo dạng trang trại hở được các trại gia công của Công ty CJ áp dụng.

Nếu như có dịch bệnh thì có nhân viên kỹ thuật và thuốc của công ty lo, còn giá cả xuống thấp thì chúng tôi cũng không ảnh hưởng. Mình chỉ cần chăm sóc và cung cấp đúng như hợp đồng thì nhận đủ tiền công”, anh Toàn chia sẻ.

Anh Toàn cho biết, hiện mỗi ngày trang trại của anh phun thuốc sát trùng một lần vào 10h, mỗi tuần rải vôi từ 1 – 2 lần. Hầu như các trang trại đều xây thêm rào chắn xung quanh khu chăn nuôi, hạn chế người lạ theo khuyến cáo của công ty.

“Từ khi dịch tả bùng phát lượng heo xuất chuồng cũng ít hơn, trước đây 1 – 2 ngày là hết 1 dãy, nhưng giờ thì có khi 7 ngày mới hết 1 dãy. Có ngày bên công ty đến chỉ bắt 30 con. Nhìn chung dịch tả không gây ảnh hưởng nhiều nên chúng tôi cũng không lo lắng”, anh Toàn nói.

Cũng tương tự như anh Toàn, trang trại của gia đình anh Nguyễn Hoàng Hiếu (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cũng là đơn vị gia công cho Công ty CJ.

“Chúng tôi chỉ nuôi gia công nên nếu xảy ra dịch bệnh thì chỉ mất công chăm sóc, còn vốn liếng chúng tôi không phải bỏ”, anh Hiếu cho biết.

Theo anh Hiếu, nếu như dịch tả Châu Phi bùng phát thì hậu quả sẽ khủng khiếp hơn so với dịch lở mồm long móng đã từng tàn phá cả vùng nuôi heo ở đây. “Lở mồm long móng mình còn chữa được, chứ còn dịch tả Châu Phi mà bùng phát là nó lan rất nhanh và chết 100%, không còn cách gì cứu được”, anh Hiếu nói.

Thủ phủ heo Đồng Nai trước dịch tả Châu Phi: Người điêu đứng, kẻ vẫn thờ ơ - Ảnh 3.

Anh Hiếu vừa làm sạch trang trại để chuẩn bị đón lứa heo mới.

Được biết, trước tình hình diễn biến phức tạp, một số công ty có đàn heo nuôi ở Hưng Thịnh đã ra thông báo đề nghị các trang trại tăng cường vệ sinh chuồng trại, rải vôi khu vực xung quanh.

Anh Quân - Cán bộ nông nghiệp ở xã Hưng Thịnh cho biết, Hưng Thịnh là một trong những nơi có lượng heo nuôi nhiều nhất huyện Trảng Bom với khoảng 30 trang trại.

“Ngay sau khi thông tin dịch tả Châu Phi hoành hành, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho bà con về phương pháp chống dịch và nâng cao ý thức để đề phòng trường hợp dịch lây lan vào đây. Nhưng đa phần đều là các trang trại gia công, có bệnh dịch hay gì bất thường bà con đều báo cho công ty, rồi công ty cho người về xử lý nên nhiều khi địa phương không nắm được tình hình”, anh Quân cho biết..

Hiện tỉnh Đồng Nai đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả Châu Phi ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Ngay sau khi thành lập, Ban chỉ đạo này đã ra quân để thực hiện tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày