Tờ SMM Sport (Thái Lan) vừa đăng bài viết đề cập tới những chỉ số thống kê thú vị xung quanh trận thắng 3-1 của U22 Thái Lan trước Singapore ở lượt trận ra quân tại bảng B, SEA Games 32. Đó là những chỉ số về quãng đường di chuyển cũng như tốc độ tối đa của các cầu thủ Thái Lan trong trận đấu. Thông qua những chỉ số này có thể thấy rõ ưu thế của "Voi chiến" ở giải đấu năm nay.
Theo đó, thống kê về quãng đường chạy trung bình của các cầu thủ Thái Lan ở trận đấu gặp Singapore là 9,3km. Tiền vệ Channarong Promsrikaew là người chạy nhiều nhất với chỉ số 9,723 km. Tiếp theo trong top 5 lần lượt gồm tiền vệ Airfan Doloh (9,436 km), tiền đạo Teerasak Poeiphimai (9,362 km), hậu vệ cánh Jakkapong Sanmahung (8,749 km) và hậu vệ cánh khác Pongsakorn Trisat (8,365 km).
Trong khi đó, tiền đạo Achitpol Keereerom dẫn đầu về tốc độ tối đa (khi bứt tốc) là 34 km/giờ. Xếp sau lần lượt là tiền vệ Purachet Thodsanit (32 km/h), tiền đạo Teerasak Poeiphimai (31km/h), tiền vệ Channarong Promsrikaew (30km/h) và hậu vệ Songchai Thongcham (30km/h).
Hiện vẫn chưa có đơn vị nào thống kê về chỉ số chạy trung bình cũng như tốc độ tối đa của các đội khác trong đó có U22 Việt Nam, nhưng nếu nhìn qua số liệu nói trên của các cầu thủ Thái Lan thì rõ ràng, đó là những chỉ số rất ấn tượng.
Nhiều cầu thủ U22 Thái Lan đang thực sự là những "máy chạy" ở SEA Games.
Có thể tạm lấy số liệu tham chiếu từ giải đấu đỉnh cao đó là World Cup. Về tốc độ, siêu sao người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo cũng từng đạt tốc độ nước rút nhanh nhất tại kỳ World Cup 2018 là hơn 34 km/h. Hay ở kỳ World Cup 2022, siêu sao người Pháp Kylian Mbappe từng đạt tốc độ tối đa 35,19 km/h và nằm trong top 10 của giải đấu.
Tất nhiên, việc so sánh tốc độ tối đa của một cầu thủ Thái Lan với Ronaldo hay Mbappe sẽ là khập khiễng và nó chỉ có một chút thông tin tham khảo. Song, rõ ràng việc nhiều cầu thủ mới thuộc lứa U22 của Thái Lan có thể chạy trên 30km/h thậm chí lên tới 34km/h thì có thể thấy rằng đó là chỉ số cực kỳ thuyết phục của "Voi chiến".
Việc các cầu thủ Thái Lan có thể chạy liên tục và bứt tốc nhanh cho thấy ưu thế về thể lực của đội bóng này ở SEA Games. Ngoài ra, yếu tố tốc độ cũng giúp Thái Lan có thể triển khai những đường tấn công mang tính đột biến cao hơn, khiến các đối thủ gặp thêm khó khăn trong nhiệm vụ phòng ngự.
Thể lực, tốc độ, khả năng gây đột biến là ưu thế của U22 Thái Lan ở SEA Games.
Về phía U22 Việt Nam, thể lực và tốc độ lại có phần là hạn chế của toàn đội. Ở trận gặp Lào, nhiều cầu thủ đã bị xuống sức, thậm chí bị chuột rút ở thời điểm cuối trận. Đây cũng chính là lý do khiến U22 Việt Nam từng trải qua 3 trận thua ở giải giao hữu Doha Cup hồi cuối tháng Ba vừa qua.
Rõ ràng, đang có nhiều sự khác biệt giữa U22 Thái Lan và Việt Nam. Nếu nhìn vào những chỉ số thống kê nêu trên của "Voi chiến", thầy trò HLV Troussier có lý do để phải lo lắng trước khi hai đội "quyết đấu" ở lượt trận cuối cùng vòng bảng vào ngày 11/5 tới.
Thể lực và tốc độ lại đang bị coi là hạn chế của U22 Việt Nam.