Samsung đã ra mắt Galaxy Note 9, mẫu smartphone cao cấp nhất của hãng trong năm 2018, vào ngày 9/8 vừa qua. Và giờ đây, mọi sự chú ý của giới chuyên gia cũng như người tiêu dùng lại dồn về phía Apple cùng thế hệ iPhone dự kiến sẽ chính thức trình làng vào đầu tháng 9 tới đây.
Thế nhưng đi ngược lại với xu hướng chung của dư luận, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã khẳng định sẽ tẩy chay toàn bộ sản phẩm điện tử đến từ Mỹ, đặc biệt là Apple. Đây là tuyên bố chính thức được Tổng thống Tayyip Erdogan đưa ra sau khi tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ (lira) mất giá kỷ lục vì những căng thẳng về vấn đề thuế xuất nhập khẩu với Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ tẩy chay iPhone khi chưa đầy 1 tháng nữa Apple sẽ ra mắt thế hệ sản phẩm mới.
Ông Erdogan cho biết: “iPhone không phải là duy nhất, đừng quên thị trường smartphone vẫn còn Samsung nữa. Chúng tôi (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng sở hữu Vestel Venuüs - hãng điện thoại của riêng mình”.
Điều đó đồng nghĩa với việc trong tương lai gần, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép nhập khẩu bất cứ thiết bị nào từ phía Apple, bao gồm iPhone, iPad cùng nhiều đồ điện tử khác. Tuy nhiên, dù mất hẳn đi một thị trường nhưng Apple vẫn thản nhiên như không, vì điều này chẳng gây ra quá nhiều thiệt hại cho họ.
Ngược lại, chiến dịch mới của Erdogan sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực với người dân tại Thổ Nhĩ Kỳ. Suy cho cùng, quốc gia này cũng chỉ là một thị trường rất nhỏ trong quy mô kinh doanh cực lớn của Apple, trong khi iPhone lại thực sự rất quan trọng với người dân tại đây.
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một dấu chấm rất nhỏ trên bản đồ kinh doanh iPhone của Apple.
Tính riêng trong năm 2017, Apple sở hữu hơn 700 triệu người dùng iPhone trên toàn thế giới, và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chiếm khoảng 1,02% trong số đó mà thôi (7,15 triệu người dùng). Thế nhưng đối với quốc gia này, lượng iPhone lại chiếm tới gần 20% tổng số lượng smartphone, gấp hơn 8 lần so với lượng smartphone “cây nhà lá vườn” Vestel Venuüs (chỉ sở hữu hơn 800.000 người dùng).
Những con số này cho thấy tầm ảnh hưởng của iPhone tại Thổ Nhĩ Kỳ là thực sự lớn, thế nhưng thị trường này lại không quá quan trọng với Apple. Kể từ khi ra mắt sản phẩm smartphone đầu tiên vào năm 2007 đến nay, gia đình nhà Táo vẫn luôn tập trung khai thác nguồn khách hàng tại Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia có tiềm năng lớn hơn rất nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ.
Vì thế, nếu như Trung Quốc quay lưng với iPhone thì mới đáng lo ngại, chứ hành động mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó có thể làm gì được Apple, có khi còn dính đòn “hồi mã thương” và tự gây thiệt cho chính mình.