Tháng 3, tháng 4 hàng năm thường được coi là mùa kỷ yếu. Gọi là "mùa" bởi đây là thời điểm sắp sửa kết thúc năm học nên các học sinh cuối cấp hoặc sinh viên năm 3-4 thường tận dụng để có cho mình những bộ hình kỷ yếu độc đáo, ý nghĩa nhất.
Bao giờ cũng thế, chụp kỷ yếu là một câu chuyện dài và có rất nhiều vấn đề để bàn. Thời nay, ảnh kỷ yếu trở thành một "nét văn hóa" bắt buộc trong đời học trò. Để có được bộ ảnh kỷ yếu ưng ý và làm kỷ niệm suốt đời tất nhiên không phải câu chuyện dễ. Thông thường, các bạn trẻ phải chuẩn bị trước cả tháng trời để lên ý tưởng, thuê thợ, sắp xếp thời gian và kinh phí. Công cuộc chụp kỷ yếu vì thế cũng trở thành "cuộc chiến" vất vả, nhiều chuyện dở khóc dở cười nhưng vẫn rất đáng trân trọng.
Một trong những nhân tố không thể thiếu để dân tình có được bộ kỷ yếu đẹp tất nhiên là các anh thợ chụp ảnh. Với dân chuyên chụp kỷ yếu, họ càng có nhiều câu chuyện hơn để chia sẻ!
Vào thời điểm 1 - 3 tháng trước lễ tốt nghiệp chính là mùa cao điểm của kỷ yếu, khi các bạn học sinh, sinh viên chưa phải tập trung hết sức để tốt nghiệp và thời tiết cũng ủng hộ. Đây là thời điểm mà các thợ chụp ảnh hoạt động hết công suất.
Thành Đoàn - một thợ chụp kỷ yếu có kinh nghiệm chia sẻ kỷ lục của mình có thể chụp 3 show trong 1 ngày, chia làm 3 ca sáng, chiều và tối ở 3 điểm trường khác nhau. Điều này có nghĩa là Đoàn phải chụp liên tục từ 7h sáng đến 8-9h tối, thời gian nghỉ ngắt quãng khoảng 1 đến 1 tiếng rưỡi là phải bắt đầu cho ca chụp tiếp theo. Nếu các điểm trường cách xa nhau gần như thợ chụp không có thời gian nghỉ mà chỉ kịp ăn vội rồi di chuyển qua trường khác.
"Trong thời gian chụp thì bản thân mình không cảm thấy uể oải hay mệt mỏi, vì xác định mỗi bức ảnh chụp ra cho các bạn ngoài việc tấm hình phải đẹp còn chứa đựng sự đam mê, tâm huyết của chính mình trong đó. Chỉ khi về đến nhà, đặt chiếc balo máy ảnh xuống mình mới cảm thấy mệt thôi", Đoàn chia sẻ.
Dẫu vậy, chọn "chạy show" hay không vẫn là tùy mỗi người. Hoàng Huy (28 tuổi, Hà Nội) - một thợ chụp ảnh có kinh nghiệm gần 10 năm cho biết: "Mình chụp ảnh kỷ yếu 3 năm rồi, kể cả vào mùa cao điểm thì mình vẫn chỉ có thể nhận 1 ca mỗi ngày thôi vì phải di chuyển vất vả, mình cũng tránh chạy show để tập trung hết sức lực vào công việc. Có khác chăng là mình sẽ nhận những buổi chụp đi theo các bạn học sinh cả ngày từ sáng tới tối".
Thành Đoàn có thể chạy 3 ca chụp trong 1 ngày
Đình Mạnh - một thợ chụp ảnh với nhiều năm kinh nghiệm chụp kỷ yếu khác thì cho biết: "Mình là thợ chụp cho 1 bên studio có tiếng tại Hà Nội. Đa số vào mùa cao điểm mình làm leader của team nên 1 ngày mình chỉ chụp được 1 lớp thôi. Chụp cho cả lớp hàng chục người nên chắc chắn mình và anh em trong team cũng khá là mệt vào cuối buổi chụp nhưng cũng khá là vui vì hoàn thành được buổi chụp cho các em".
Đình Mạnh cho biết chụp kỷ yếu luôn mệt nhưng cũng luôn vui
Về thu nhập, giá các nhiếp ảnh gia đưa ra dao động rất lớn, có thể từ 500 nghìn đến 5 triệu cho 1 buổi chụp tùy tay nghề. Nhưng vì các bạn học sinh còn bận đi học nên thời gian tổ chức buổi chụp kỷ yếu trong tháng sẽ rơi vào các ngày chủ nhật, một số trường sẽ tổ chức chụp vào các ngày nghỉ lễ, nên tối đa 1 tháng thợ ảnh sẽ có khoảng 5-6 ngày chụp kỷ yếu mà thôi chứ không chạy show mỗi ngày và có thu nhập khủng trăm triệu như "lời đồn". Thế nhưng với những thợ chụp có kinh nghiệm và chịu khó làm việc mùa cao điểm, thu nhập mùa kỷ yếu có thể lên tới 40, 50 triệu đồng là bình thường.
Các nhiếp ảnh gia từng có kinh nghiệm chụp kỷ yếu đều cho biết đây là mảng chụp không hề dễ trong nghề, thậm chí khó hơn đáng kể so với chụp ảnh cưới hay chụp ảnh cá nhân, ảnh thời trang,... Lý do là vì lượng khách hàng của một lớp rất lớn, lên đến vài chục người, mỗi người một vẻ nên để có thể "bắt" hết cái đẹp trong một bức ảnh không hề dễ.
Riêng việc sắp xếp đội hình trong một bức ảnh tập thể cũng có thể tốn hàng chục phút nhưng kết quả không được như ý 100%. Chụp một hai người đã khó, chụp 40, 50 người một lúc để cho ai cũng được đẹp trên hình là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Thế nên không phải bất kỳ thợ chụp ảnh nào cũng mặn mà với công việc chụp kỷ yếu, ngay cả khi thu nhập hấp dẫn như vậy.
Hoàng Huy chia sẻ để kiếm khách hàng thì không khó vì bây giờ lớp nào cũng có nhu cầu chụp ảnh, nhưng cạnh tranh trong nghề vẫn rất cao, nhất là với các nhiếp ảnh gia làm việc độc lập. Thợ chụp và các bạn học sinh thường "tìm thấy nhau" trên các trang mạng xã hội. Các studio có tiếng thì sẽ nhận khách không xuể, thường khách hàng phải book trước cả tháng trời.
Yêu cầu cơ bản đối với nhiếp ảnh gia trong mảng kỷ yếu nói chung chính là phải nắm rõ bố cục, sáng tối của bức ảnh và đặc biệt phải khai thác được cảm xúc của học sinh trong từng khoảnh khắc cũng như từng concept khác nhau sao cho hiệu quả nhất và đẹp măt nhất vì đây cũng là những bức ảnh mà các bạn gần như chỉ có thể chụp 1 lần trong suốt 12 năm ngồi học trên ghế nhà trường.
Chụp ảnh tập thể là công việc khó hơn nhiều bình thường
Đình Mạnh thì nhận định việc chụp ảnh kỷ yếu cho học sinh khó hơn cho các bạn sinh viên. Đối với sinh viên, đa số các bạn chụp kỷ yếu là để giữ lại kỉ niệm vào ngày tốt nghiệp cùng bạn bè người thân, chụp cá nhân, chụp ít người nhiều hơn nên khá đơn giản. Còn đối với học sinh thì ngoài giữ lại kỉ niệm thì ngoài ra các bạn còn muốn thể hiện bản thân với nhiều concept cá tính độc đáo, khác nhau.
Bên cạnh đó, các lớp cũng đều phải chụp ảnh tập thể hàng chục người nên có thể tạo bố cục, chụp ổn không hề dễ. Hiện nay rất nhiều bạn sáng tạo ra các concept độc lạ, thú vị và nhiếp ảnh gia cũng phải nỗ lực thích nghi, thay đổi để bắt kịp nhu cầu của khách hàng.
Dù vất vả về thể chất nhưng các thợ chụp ảnh kỷ yếu nói chung rất tận hưởng và thích thú với công việc này. Lý do chủ yếu là vì khi làm việc với các bạn học sinh, sinh viên trẻ tuổi thì luôn tràn ngập sức sống và tiếng cười. Việc được giúp phần tạo ra kỷ niệm và lưu lại kỷ niệm cho cả đời học sinh cũng khiến các nhiếp ảnh gia cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa.
"Ai bảo chụp kỷ yếu hay gặp drama chứ như mình thì gần như chưa từng vướng phải. Ngược lại, mình có rất nhiều kỉ niệm vui, mỗi lần chụp là một kỉ niệm khác nhau. Mỗi lớp lại có cái vui riêng nhưng điểm chung nhất là cảm xúc về tình bạn, và đó thường là ý tưởng để mình thực hiện các bức ảnh. Bản thân các bạn học sinh cũng đều quý và quan tâm đến các anh thợ, chu đáo chuẩn bị đồ ăn thức uống cho mọi người, nói chung là rất vui", Đình Mạnh tâm sự.
Các anh thợ chụp ảnh có thể kết bạn với các khách hàng của mình
Thành Đoàn thì thậm chí còn có thể kết bạn với các khách hàng của mình: "Kỉ niệm đáng nhớ nhất đối với mình là một lần chụp kỉ yếu cho nhóm bạn 5 người. May mắn là chúng mình đã rất hợp nhau, các bạn đã tiếp thêm cho mình rất nhiều động lực và đam mê với nghề. Chính nhờ lần chụp đáng nhớ ấy mà nickname mình dùng trong nghề đã ra đời và có lẽ nó sẽ còn gắn bó dài dài trong suốt chặng hành trình làm nghề sắp tới của mình.
Mỗi người khách hàng đến với mình mang một màu sắc, cảm xúc riêng, mỗi người đọng lại trong mình ấn tượng khác nhau, nhưng điểm chung đều thân thiện và nhiều năng lượng tuổi trẻ. Công việc này giúp mình được gặp gỡ nhiều người, hiểu biết nhiều hơn về con người và mở rộng mối quan hệ, mình thấy như vậy rất tuyệt vời".
Ảnh: NVCC