Thợ cắt tóc Anh từ chối hơn 10 triệu USD để "chôn" công thức siêu vật liệu chịu được bom

Trang Ly, Theo Helino 18:07 03/01/2018
Chia sẻ

Cả NASA, Boeing và Bộ Quốc phòng Anh đều bị người thợ cắt tóc ở Anh là Maurice Ward từ chối số tiền khổng lồ để giữ kín công thức của loại vật liệu kỳ diệu, chịu được 10.000 độ C.

Cách đây 30 năm, một nhà phát minh nghiệp dư người Anh tên là Maurice Ward đã sáng chế ra loại vật liệu có khả năng chống chịu được sức nóng lên đến 10.000 độ C.

Vật liệu kỳ diệu đó được Maurice Ward đặt theo tên cháu gái của ông là Starlite.

Câu chuyện của người thợ cắt tóc "xứ sương mù": Thẳng thừng từ chối NASA, Boeing, Bộ Quốc Phòng Anh số tiền hơn 10 triệu USD để giữ kín công thức starlite

Không học đại học, không được đào tạo bất cứ khóa học nào về khoa học, người thợ cắt tóc Maurice Ward, chủ hiệu tóc tại thị trấn nhỏ Hartlepool của Anh dành 50 năm cuộc đời để gắn bó với nghề.

Ông cũng đã từng làm việc cho một công ty hóa chất, tuy nhiên chỉ làm với vai trò là một tài xế xe tải. Trong quỹ thời gian rảnh rỗi, Maurice Ward thường thử nghiệm các loại hóa chất trong xưởng để chế ra một loại thuốc nhuộm tóc mới.

Việc phát minh ra vật liệu chịu được sức nóng 10.000 độ C rất tình cờ. Từ vụ tai nạn máy bay British Airtours Flight 28M tại Manchester (Anh) năm 1985 (Manchester Air Crash) khiến 55 người trên tổng số 137 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng do hít phải khói độc chỉ trong 40 giây, người thợ cắt tóc Maurice Ward đã nung nấu phát minh ra loại vật liệu khó cháy và khi cháy không thoát ra hơi độc.

"Manchester Air Crash là một vụ tai nạn hàng không xảy ra khi máy bay đang ở trên mặt đất. Nguyên nhân khiến hàng chục người chết chỉ trong vài chục giây là vì hít phải khói độc từ vật liệu cháy. Chúng ta phải tìm ra vật liệu nào không chỉ không bắt lửa nhanh mà còn không thoát ra hơi độc nếu nó cháy.", Maurice Ward trả lời phỏng vấn.

Từ quyết tâm đó, Maurice Ward bắt đầu cho thử nghiệm hàng loạt các hợp chất có khả năng chống cháy, nhựa không độc... với nhau. Sau đó, ông cho các hợp chất với các thành phần khác nhau "thử sức" với ngọn lửa hàn xì khoảng 20 lần mỗi ngày.

Đến năm 1988, Maurice Ward đã chế tạo thành công loại vật liệu có khả năng chịu được hàng nghìn độ C và gọi nó là Starlite.

Vài năm sau, starlite bắt đầu được công chúng chú ý đến sau khi đích thân ông Maurice Ward xuất hiện trên truyền hình và làm thí nghiệm về vật liệu kỳ diệu này với quả trứng trên đài BBC.

Sự xuất hiện trước công chúng của Maurice Ward và starlite vào năm đó (1993) đã trở thành bước ngoặt cuộc đời của chính Maurice Ward.

Dư luận, các nhà khoa học và giới quân sự thực sự bị thu hút bởi phát minh của người thợ cắt tóc nước Anh.

Một nhà phát minh không chuyên đã chế ra được thứ vật liệu mà giới quân sự đã bỏ ra rất nhiều năm công sức và tiền bạc (hàng triệu Bảng) để phát triển: Loại nhựa plastic không độc và cực khó cháy.

Nhà máy vũ khí nguyên tử (AWE) của Anh đã cho thí nghiệm lại khả năng chống chịu nhiệt cực cao của starlite và nhận được kết quả khả quan: Vật liệu bền vững trước sức nóng 10.000 độ C.

Tại trung tâm thử nghiệm của NATO, các chuyên gia quân sự cũng tiến hành thử thành công khả năng chống chịu nhiệt của starlite trước các vụ nổ của bom nguyên tử.

Theverge cho biết, thời gian sau đó, Maurice Ward liên tục nhận được các lời mời của các công ty sản xuất vũ khí, cũng như các hãng hàng không và vũ trụ lớn.

Sau khi từ chối hãng Boeing với mức giá lên đến nhiều triệu USD để giữ kín công thức chế tạo starlite, ông lại nhận được lời chào mời của NASABộ Quốc phòng Anh.

Thợ cắt tóc Anh từ chối hơn 10 triệu USD để chôn công thức siêu vật liệu chịu được bom - Ảnh 1.

Thí nghiệm dùng lửa hàn xì làm nóng quả trứng đã bao phủ starlite Ảnh: The Verge

Một bài báo của New Scientist đã miêu tả lại cuộc đàm phán của Maurice Ward với Boeing, NASA và Bộ Quốc phòng Anh về việc mua lại công thức chế tạo siêu vật liệu starlite. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đều đi vào ngõ cụt khi Maurice Ward "không chỉ từ chối con số 1 triệu Bảng Anh mà là 10 triệu Bảng Anh (khoảng hơn 13 triệu USD) sau đó" được các bên đưa ra.

Maurice Ward nhận định, giá trị của loại vật liệu starlite có thể lên đến hàng tỷ Bảng Anh. Ông giải thích cho việc giữ kín công thức chế tạo là vì lo lắng công thức sẽ bị đánh cắp ngay khi công bố rộng rãi.

Starlite, siêu vật liệu chịu được sức nóng từ bom hạt nhân: Có thể thay đổi cả thế giới!

Trong một bài viết về starlite của Telegraph có đoạn: "Starlite là một vật liệu đầy kinh ngạc, kỳ diệu và khó tin. Nó đã thay đổi các giả định về nhiệt động lực học và vật lý. Nó có thể chống lại nhiệt độ có thể làm tan carbon tinh khiết gấp ba lần.

Nếu là thật, starlite có thể thay đổi thế giới và mang lại lợi ích rất lớn cho nhân loại. Thật khó có thể nghĩ ra một phát minh khác có ý nghĩa lớn hơn: Nó là một chất chống cháy, một lớp phủ chịu nhiệt tuyệt vời.", Toby Greenbury - một đối tác của công ty luật Mischon de Reya và luật sư của Maurice Ward cho biết năm 1989.

Sau khi được Maurice Ward phát minh năm 1988, vào năm 1993, trong một chương trình khoa học và công nghệ nổi tiếng có tên "Tomorrow’s World" của đài BBC (Anh), chính ông đã làm thí nghiệm cho một quả trứng phủ starlite và làm nóng dưới ngọn lửa 1.200 độ C trong vài phút.

Thợ cắt tóc Anh từ chối hơn 10 triệu USD để chôn công thức siêu vật liệu chịu được bom - Ảnh 2.

Chân dung Maurice Ward, nhà sáng chế vật liệu chịu được 10.000 độ C. Ảnh: Wikipedia

Điều ngạc nhiên là quả trứng không hề hấn gì, thậm chí, lòng trắng và lòng đỏ bên trong quả trứng không bị chín hoặc cháy đen. Khi sờ vào vỏ quả trứng, người ta chỉ thấy âm ấm.

Isciencemag nhận định, starlite nhẹ, không thoát ra hơi độc khi hun nóng và có thể sử dụng được ở 3 dạng lỏng, dạng sệt và dạng rắn.

Thế nhưng...

Tất cả những gì mà thế giới biết về starlite chỉ vỏn vẹn là tên của nó, người phát minh, rõ hơn nữa, nó là một loại phức hợp polymer có 21 thành phần chịu nhiệt rất cao, còn công thức để chế tạo ra nó lại bị chính "cha đẻ" Maurice Ward giữ bí mật cho đến tận cuối đời.

Cuối cùng, nhà phát minh không chuyên Maurice Ward đã chết vào tháng 5/2011 và mang theo luôn cả công thức bí mật xuống cõi vĩnh hằng.

Đó là lý do, chúng ta rất ít được nghe về loại vật liệu kỳ diệu này.

Starlite được xem là một phát minh bị biến mất. Nếu "cha đẻ" của nó chịu công bố công thức rộng rãi thì hiện giờ, vật liệu này có thể tạo nên cuộc cách mạng trong ngành hàng không, vũ trụ và vật liệu vật lý trên toàn thế giới.

Xem lại quá trình thử nghiệm quả trứng bao phủ và không bao phủ vật liệu starlite:

Bước 1: Cho quả trứng không bao phủ starlite trước sức nóng của lửa hàn xì:

Thợ cắt tóc Anh từ chối hơn 10 triệu USD để chôn công thức siêu vật liệu chịu được bom - Ảnh 3.

Sức nóng hàng nghìn độ C từ lửa hàn xì khiến cho vỏ trứng vỡ trong vài giây.

Bước 2: Cho quả trứng bao phủ starlite trước sức nóng của lửa hàn xì:

Thợ cắt tóc Anh từ chối hơn 10 triệu USD để chôn công thức siêu vật liệu chịu được bom - Ảnh 4.

Tiếp tục nung quả trứng tròng vài phút, quả trứng được phủ starlite vẫn không hề hấn gì. Vỏ quả trứng chỉ âm ấm mà không hề nóng bỏng tay.

Thợ cắt tóc Anh từ chối hơn 10 triệu USD để chôn công thức siêu vật liệu chịu được bom - Ảnh 5.

Bước 3: Kiểm tra bên trong quả trứng phủ starlite

Thợ cắt tóc Anh từ chối hơn 10 triệu USD để chôn công thức siêu vật liệu chịu được bom - Ảnh 6.

Thậm chí, lòng đỏ và lòng trắng bên trong quả trứng này vẫn nguyên vẹn, không bị chín hoặc cháy.

Nếu công thức không bị giữ kín, thì có lẽ giờ này, starlite giúp ích rất nhiều trong việc sản xuất vỏ tàu vũ trụ, hàng không...

Xem đầy đủ video:

Thí nghiệm chịu lượng nhiệt hàng nghìn độ C của starlite. Video: BBC

Bài viết sử dụng nguồn: Theverge, Telegraph, Isciencemag

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày