Không thể phẫu thuật bằng... mồm
Thông tin trên khiến không chỉ bệnh nhân mà các bệnh viện tuyến dưới cũng rất lo lắng vì đây là bệnh viện ngoại khoa hàng đầu cả nước, chuyên tiếp nhận những ca mổ khó từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên.
Nhiều bệnh nhân đến khám và chờ lịch mổ tại BV Việt Đức ngày 1/3. Ảnh: Nguyễn Tấn
Dù bệnh viện đã thông báo dừng mổ phiên từ trước ngày 1/3 gần 1 tuần nhưng hôm qua khu vực chờ khám của Bệnh viện Việt Đức vẫn rất đông bệnh nhân và người nhà. Những gương mặt lo âu, thấp thỏm chờ đến lượt vào khám. Anh T.Đ.V. (47 tuổi, ở Kim Bảng, Hà Nam) ra khỏi phòng khám chuyên về cột sống cho biết bác sĩ giải thích bệnh của anh không thuộc dạng cấp cứu nên cho thuốc kháng viêm, giảm đau thần kinh và một số thuốc bổ khác về nhà uống, hẹn 1 tháng nữa khám lại.
Ông L.Đ.Tr (65 tuổi) bị thoát vị đĩa đệm có chỉ định mổ nhưng không thuộc dạng cấp cứu cũng được bác sĩ giải thích và hẹn quay lại khám sau. “Tôi đau lắm, trời rét sẽ đau hơn nên chắc gia đình sẽ tìm bệnh viện khác để mổ chứ thế này không biết chờ đến bao giờ”, ông Tr nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Một số hóa chất tồn kho phục vụ xét nghiệm cấp cứu đã sắp hết và việc đấu thầu mua sắm gặp vướng mắc chưa thể thực hiện. Sau cuộc họp với các khoa phòng, bệnh viện đã có thông báo hạn chế tối đa mổ phiên, chỉ duy trì mổ cấp cứu. Bên cạnh đó bệnh viện sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm khi thật cần thiết, hạn chế tối đa các xét nghiệm cho bệnh nhân không cấp cứu”.
Một bác sĩ khoa Phẫu thuật Cột sống chia sẻ, anh có gần một chục bệnh nhân đã phải dời lịch mổ để dành vật tư y tế, hóa chất cho các ca cấp cứu. Còn tại Khoa Phẫu thuật chấn thương ngày 1/3 có 19 bệnh nhân đã được lên lịch mổ từ trước nhưng cuối cùng cho 6 bệnh nhân được duyệt mổ vì đáp ứng đủ các điều kiện của 1 ca mổ cấp cứu. Lịch mổ của Bệnh viện Việt Đức đã được sắp xếp đến hết tháng 3 và hiện có nhiều bệnh nhân đang xếp hàng chờ mổ, nhưng tất cả đều phải hoãn lại.
“Khi không mổ phiên rõ ràng là người bệnh quá thiệt thòi, tuy không phải bệnh cấp cứu nhưng họ cũng phải chịu đau đớn, chờ đợi lịch mổ. Nhưng chúng tôi không thể tay không bắt giặc, không có vật tư, hóa chất, không thể phẫu thuật bằng... mồm”, GS Giang nói.
Trong tháng 3 tháo gỡ vướng mắc
GS.TS Trần Bình Giang thông tin thêm, hiện tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc hầu như đã hết vật tư y tế để dành cho chăm sóc người bệnh, các hóa chất xét nghiệm cũng hết. Tại Bệnh viện Việt Đức, hiện hóa chất khí, máu... chỉ còn đủ dùng vài ngày, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần. Ngoài ra, các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng.
“Hầu hết giấy phép với vật tư tiêu hao vẫn chưa được gia hạn. Việc thiếu hụt các hóa chất, vật tư sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khám chữa bệnh. Bệnh viện đã họp nhiều nhưng vẫn chưa có giải pháp lâu dài”, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói.
Trước đó, bệnh viện cũng thông báo thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống... Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2021 có điều khoản gia hạn giấy phép nhập khẩu/số đăng kí đến ngày 31/12/2023 chưa được phê duyệt. Điều này dẫn đến bệnh viện không mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết từ năm 2022, tại các bệnh viện cũng như trên thị trường đã xuất hiện tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh cho người dân. Ngay sau đó, Quốc hội, Chính phủ cùng Bộ Y tế và các bộ, ngành đã rất nỗ lực, cố gắng để giải quyết vấn đề này. Trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, ngành Y tế ưu tiên giải quyết ngay vướng mắc về vấn đề máy móc, để đảm bảo đáp ứng cho người dân trong quá trình xét nghiệm, điều trị.
Trước mắt, ngành còn 2 nội dung nóng đang vướng. Thứ nhất là vấn đề máy móc để phục vụ người dân khám chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ quy định, đối với những máy sau thời điểm ngày 5/11/2022 mới triển khai kí hợp đồng thì sẽ tiếp tục được sử dụng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Nội dung này cũng sẽ đưa vào Nghị quyết của Chính phủ để ban hành và có hiệu lực ngay trong đầu tháng 3 này.
Vấn đề thứ 2 liên quan đến những vướng mắc trong quá trình thực hiện giá của các gói thầu, các quy định liên quan đến 3 báo giá, liên quan quá trình triển khai Luật Đấu thầu, Nghị định 63, Nghị định 151 và Thông tư 68 của Bộ Tài chính. Quan điểm của Chính phủ là sẽ cho phép Bộ Y tế phối hợp cùng các bộ, ngành tổng hợp các vướng mắc để đưa vào Nghị quyết của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề cấp bách.
Đà Nẵng: Chỉ chuyển một số ca mổ sang cơ sở khác
Thông tin trên được bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay chiều 1/3. Theo ông, hiện bệnh viện vẫn đảm bảo việc mổ cấp cứu và mổ theo lịch cho bệnh nhân. Những ca mổ do vật tư bị đứt gãy như thay khớp háng hoặc một số kỹ thuật khác sẽ được chuyển sang các cơ sở y tế khác, có khả năng thực hiện. Trường hợp bệnh nhân không mổ cấp cứu, muốn mổ ở Bệnh viện Đà Nẵng thì căn cứ trên tình trạng sức khỏe có thể đợi đến khi bệnh viện có vật tư, hóa chất… để sắp xếp lịch mổ.
THANH TRẦN