Nhờ tính tiện lợi, khả năng di chuyển thần tốc, máy bay hiện đang là phương tiện giao thông được nhiều người ưu tiên sử dụng. Theo thống kê, năm 2015, ngành hàng không Việt Nam lần đầu tiên cán mốc lượng khách lên tới 62,2 triệu người và theo dự kiến, mức tăng trưởng 20%/năm có thể sẽ vẫn duy trì trong một vài năm tới.
Cùng với việc ra đời của các hãng hàng không giá rẻ, chuyện đi máy bay giờ đây, không còn là điều gì đó quá khó khăn. Nhất là trong vòng 5 năm qua, các hãng hàng không còn thường xuyên tung ra chiêu khuyến mãi giá vé từ 10.000 đồng, 3.000 đồng, 1 đồng rồi 0 đồng cho chuyến bay trong nước, dưới 10 USD cho chuyến bay quốc tế.
Người đi máy bay bây giờ thuộc đủ tầng lớp, từ các thương gia giàu có cho đến lao động thu nhập thấp, học sinh, sinh viên. Điều đó có nghĩa là những luồng văn hóa họ mang lên theo chiếc máy bay mình đi, giờ đây cũng đa dạng hơn.
Nhờ những chiến dịch đại hạ giá vé máy bay, chuyện đi lại bằng máy bay hiện nay đã không còn là điều gì đó quá khó khăn.
Sự gia tăng mạnh mẽ và sự đa dạng của hành khách càng cho thấy rằng, rõ ràng chúng ta vẫn cần đến những bộ quy tắc ứng xử chung để ai nấy đều hiểu rằng, làm thế nào để cư xử có văn hóa trên máy bay. Nhất là gần đây, trên các trang mạng xã hội hay truyền thông đại chúng, hình ảnh về các ông thần bà tướng hành khách vô duyên vô dáng trên loại phương tiện này xuất hiện ngày một nhiều.
Nhan nhản những vụ ồn ào vì cư xử không đúng của khách trên máy bay
Dường như việc ứng xử vô duyên khi đi máy bay không phải là chuyện của riêng ai, từ người nổi tiếng cho đến những nhân vật không ai biết tên, từ người trẻ cho đến cả những hành khách lớn tuổi. Còn nhớ, hồi cuối năm 2015, Cảng vụ miền Nam từng ra quyết định xử phạt hành khách P.T.V. (69 tuổi quê ở Nghệ An) do có hành vi vi phạm trật tự kỷ luật trên máy bay VJ271 từ Vinh đi TP.HCM ngày 15/11/2015 của hãng hàng không Vietjet Air.
Hành khách đi máy bay có hành vi khiếm nhã với tiếp viên hàng không. Ảnh minh họa.
Cụ thể, trên chuyến bay này, ông V. đã liên tục cầm điện thoại đập vào lưng tiếp viên đẩy xe hàng. Khi nữ tiếp viên này nói lại bằng thái độ lịch sự thì vị khách này tiếp tục lớn tiếng, sỗ sàng và dùng các cụm từ có ngụ ý hạ thấp nữ tiếp viên như "mất dạy", "bố mẹ chúng mày không dạy chúng mày à"...
Thậm chí, sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ông V. được đưa về Cảng vụ hàng không miền Nam để làm việc nhưng người này không thừa nhận hành vi của mình trên máy bay và bỏ về.
Vụ đánh ghen này đã khiến chuyến bay bị lỡ 28 phút. Hậu quả của sự hiểu lầm tai hại này là mỗi người chịu mức phạt 7,5 triệu đồng.
Nhiều người chắc hẳn vẫn chưa quên vụ đánh ghen "đình đám" trên máy bay Vietnam Airlines hồi tháng 11/2015. Cụ thể, trên chuyến bay VN274 của Vietnam Airlines hành trình TP HCM - Hà Nội dự định xuất phát lúc 21 giờ đêm ngày 21-11, do nổi cơn ghen, hai hành khách nữ đã xông vào đánh nhau, kết quả, mỗi người phải nộp phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi gây rối trật tự công cộng.
Hành khách la hét, gào khóc trên máy bay khiến cho nhân viên hàng không phải trói tay lại để khống chế và đảm bảo an toàn cho chuyến bay.
Người đàn ông này vô tư cởi trần như chốn không người trên máy bay Vietnam Airlines ngày 17/6 /2015 khiến cho không ít hành khách bức xúc. (FB L.M.N)
Và còn rất nhiều những câu chuyện khác liên quan đến cách ứng xử vô duyên của hành khách khi đi máy bay. Từ việc dọa có bom nổ, la hét trên máy bay, say rượu, cởi trần, mở cửa thoát hiểm cho đến việc đi chân đất, vô tư ngả người ra phía sau, thoải mái ngủ với đủ tư thế vô duyên, nằm lên đùi người khác, ôm ấp nhau trên máy bay... tất cả đều được hành khách Việt trải nghiệm trên đủ các chuyến bay của các thương hiệu hàng không quốc gia cho đến nhãn hàng giá rẻ.
Thiếu văn hóa trên máy bay làm xấu hình ảnh quốc gia
Có thể thấy rằng những sự việc nói trên là một trong số ít hành vi thiếu văn minh của các hành khách ở nhiều lửa tuổi và giới tính. Vậy đâu là nguyên nhân của những hành động phản cảm này? Có phải vì chúng ta không biết đến những quy chuẩn chung khi đi máy bay nên ai nấy đều tự nhiên như khi đi họp chợ ngoài phố? Hoặc rằng ai đó đã biết nhưng vẫn vô tư ứng xử kém lịch sự trên máy bay vì cho rằng, mình mất tiền, mình có quyền?
Liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ Phạm Mạnh Hà (Một chuyên gia tâm lí học, đào tạo và tư duy và phát triển con người) cho biết, gần đây những hành vi phản cảm về văn hóa hàng không khá phổ biến.
"Văn hóa đi máy bay ở nông thôn và thành thị đã tạo ra sự khác biệt, chính sự khác biệt này tạo ra những cú sốc, đặc biệt ở người đô thị khó tiếp nhận. Trước đây, máy bay chỉ dành cho các tầng lớp xã hội cao với thu nhập tốt và có trình độ văn hóa. Hiện nay, với sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ, ai cũng có thể bay từ tầng lớp bình dân đến giàu có… Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ chưa thực sự có cách ứng xử văn hóa phù hợp với hình thức di chuyển văn minh, gây nên những hình ảnh phản cảm", tiến sĩ Phạm Mạnh Hà cho hay.
Theo tiến sĩ Hà, ở các nước văn minh, hiện đại, người ta rất giữ trật tự và có ý thức khi đi máy bay hay ở nơi công cộng, khiến ai cũng cảm thấy thiện cảm. Nhưng ở Việt Nam, những nơi công cộng thường rất ồn ào, lộn xộn. "Những hành vi thiếu văn minh của hành khách khi đi máy bay có tác động tiêu cực đến hình ảnh quốc gia. Một điểm có thể thấy rõ ràng là tính cá nhân của một bộ phận người Việt Nam khi cái tôi được đẩy lên mạnh quá. Lúc đó, họ không quan tâm đến cộng đồng, tới mọi người xung quanh. Họ sẽ giành mọi cách để đạt được lợi ích của mình, không cần quan tâm đến lợi ích của người khác, chỉ nghĩ riêng cho mình và khi trên máy bay họ lớn tiếng, thậm chỉ chửi bậy, gác chân,…".
Từ những việc ứng xử vô văn hóa, tạo tiếng xấu trên máy bay cũng như ở nơi công cộng, ông Hà cho rằng: "Ở các nước văn minh phát triển như Singapore hay các nước văn minh khác, họ sẽ nhắc nhở hay phạt. Không đúng chuẩn mực họ sẽ xử lý chặt chẽ, còn ở Việt Nam mình khá lỏng lẻo trong cách quản lý".